(GD&TĐ) - Vẫn là không đủ dù vận dụng hết mọi ngôn từ có thể của tiếng Việt để ca ngợi người Anh hùng Dân tộc ấy. Đã có hàng vạn bài báo, hàng nghìn công trình nghiên cứu về nhân cách cũng như tài năng của vị tướng lỗi lạc - một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Nhưng với nhân dân Việt Nam, chỉ hai tiếng “Tướng Giáp”, thế là đủ. Bởi lẽ, duy nhất chỉ có một con người ấy, một vị tướng ấy trong lòng dân mà thôi…
Người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời xa nhân thế. Gần bốn năm nay, khi ông bắt đầu nhập viện điều trị, người dân đã chuẩn bị tâm thế cho tin buồn hôm nay, nhưng khi đến thời khắc đã định, vẫn không ai muốn tin đó là sự thật. Nhìn cách những bạn trẻ lặng lẽ trước cửa số nhà 30 Hoàng Diệu với nến và hoa, mới biết nỗi đau không nói nên lời còn nghẹn ngào hơn cả khi có thể bật ra tiếng khóc.
Hình ảnh người cựu chiến binh Điện Biên Phủ, đã vào tuổi cổ lai hy, vẫn tự chạy xe máy từ Sơn La về, quân phục chỉnh tề, huân chương đeo đầy ngực, đứng nghiêm giơ tay chào theo lối nhà binh trước cửa nhà số 30 mà nước mắt chảy vòng quanh trên đôi gò má nhăn nheo vì tuổi tác. Hậu thế chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi trong sự tiếc thương, nhưng cũng hiểu sự ra đi ấy còn hơn cả nỗi đau mất mát. Càng hiểu hơn vì sao tướng Đồng Sĩ Nguyên nghẹn ngào: Tôi không thể ngủ được từ lúc nghe tin…
May mắn hơn rất nhiều bạn đồng nghiệp khác, nghề báo cho tôi được trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần, đều là tháp tùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT đến chúc thọ Đại tướng. Lần đầu năm 2008, khi ông vẫn còn đi lại được.
Lần hai vào gần cuối năm 2010, lúc này ông đã yếu đi nhiều. Dẫu không nói chuyện được nhiều, nhưng ông vẫn ra hiệu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi ấy, và sau này là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, báo cáo sơ bộ về tình hình GD&ĐT nước nhà, kết quả đạt được đến đâu, còn bất cập chỗ nào, hướng tháo giỡ dự kiến ra sao…
Khi lắng nghe những kết quả nổi bật, ánh mắt Đại tướng ngời lên niềm vui, nhưng khi nghe về những bất cập, sự trăn trở ưu tư lại hiện lên thấy rõ trong đôi mắt cương nghị đã làm khiếp vía bao quân thù kia.
Nhớ lắm một lần trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế, Đại tướng đã nói: Nếu không xảy ra cuộc chiến, tôi vẫn là thầy giáo. Giữa muôn vàn vấn đề đại sự quốc gia, sự nghiệp GD&ĐT vẫn luôn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, vốn là một thầy giáo dạy sử trước cuộc chiến chinh.
Khúc ngoặt lịch sử đã buộc một thầy giáo giỏi phải rời phấn trắng bục giảng, nhưng cả nhân loại lại có được một vị tướng tài ba. Không ngạc nhiên khi người nước ngoài mỗi lần đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường so sánh ông với những nhân vật lớn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử chiến tranh. Họ có sự tinh tế mà ít khi ta chú ý, ví như Bách khoa toàn thư của Mỹ khi nói về quân hàm của ông luôn viết rằng Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng 5 sao” để nói đến một phẩm hàm tột đỉnh, mặc dù trên vai ông luôn luôn là quân hàm mang 4 ngôi sao 5 cánh như nhiều vị Đại tướng Việt Nam khác.
Giới sử học Việt Nam tự hào có một vị Tổng tư lệnh là Chủ tịch Hội nghề nghiệp của mình. Ngành Giáo dục càng tự hào hơn khi con người huyền thoại ấy lại từng là một thầy giáo, suốt đời vẫn đau đáu với sự nghiệp Giáo dục nước nhà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là người thầy của hàng vạn sĩ quan quân đội, của các thầy giáo, cô giáo và HSSV cả nước. Nhân dân Việt Nam tự hào có được một người thầy, vị tướng tài ba và lỗi lạc, luôn sát cánh cùng quân dân trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bên cạnh mỗi người dân Việt Nam, tấm gương của Đại tướng là điểm tựa tinh thần vững chắc để mọi người noi theo, từ đó vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ và nguyện học tập đạo đức, tác phong, tinh thần cách mạng tiến công; lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng nhau tiếp bước thế hệ đi trướcphấn đấu xây dựng, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc mãi mãi bền vững, giàu mạnh.
Nhất Nguyên