Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc Xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19
Lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc Xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết , Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc Xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin, đây là phương thuốc rất kinh điển trong những năm đất nước còn nghèo khó, từng dùng để chữa bách bệnh. Vừa qua, một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị trên những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng.
Ngoài ra, các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể xem xét sử dụng vị thuốc này.
Bộ Y tế đã giao Cục Y dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.
Xuyên tâm liên là cây nhiệt đới có tính hàn, vị đắng, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, được di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, khu vực Caribe, Trung Mỹ, Australia và châu Phi. Trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là những nơi trồng nhiều nhất.
Tại Việt Nam, Xuyên tâm liên còn có tên là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, cỏ đắng, cỏ Ấn Độ… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Vị thuốc Xuyên tâm liên nhiều công dụng nhưng bị lãng quên
Trong giai đoạn khó khăn, phương thuốc này từng được coi là “thần dược” để chữa bách bệnh nhưng khi các loại kháng sinh thế hệ mới ra đời, Xuyên tâm liên dần bị quên lãng.
Thông tin trên báo chí, TS Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam) cho biết, theo thời gian cùng với sự phát triển của các loại thuốc tân dược, nhất là các loại kháng sinh thế hệ mới, cái tên Xuyên tâm liên dần bị lãng quên.
Tuy nhiên, với xu thế sử dụng dược liệu ngày càng phổ biến, các vị thuốc nam đang lấy lại được giá trị của mình, trong đó Xuyên tâm liên đã được nghiên cứu nhiều hơn về thành phần hóa học, tác dụng dược lý.
Dược liệu Xuyên tâm liên từng được coi như “thần dược”, đặc biệt trong thời kỳ bao cấp, được dùng khá phổ biến. Các nghiên cứu gần đây càng cho thấy rõ giá trị của loại thuốc này trong điều trị bệnh nói chung, và tiềm năng trong phòng chống Covid-19 nói riêng. Tuy nhiên, sản lượng trồng loại dược liệu này hiện nay còn rất ít và ít được ghi đơn cũng như tham gia trong thành phần của thuốc thành phẩm đông dược.
Xuyên tâm liên trồng không khó và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. Do vậy cần có chính sách khuyến khích trồng, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển đối với dược liệu này. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu ứng dụng Xuyên tâm liên trong điều trị bệnh.
Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19
Trước đó, ngày 16/7, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 128 điểm cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc đông y xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong điều trị Covid-19.
Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Hiện Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị Covid-19 như Remdesivir, Favipiravir... Đây cũng là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Việt Nam đang có khoảng 20 đơn hàng với nhiều loại thuốc khác nhau nhập khẩu từ nước ngoài để sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị, cơ sở y tế điều trị Covid-19.
Về vấn đề này, ông Cường cho biết Bộ Y tế sẽ xin nhập khẩu và đề nghị cấp phép nhanh nhất cho các loại thuốc này.
Trước đó, ngày 7/7, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Hội đồng chuyên môn bàn luận các ý kiến về sử dụng kháng thể đơn dòng, Corticoid; thuốc chống đông, thuốc đông y (xuyên tâm liên) trong điều trị Covid-19; tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân Covid-19.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn, hiện thế giới chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Covid-19, chủ yếu điều trị triệu chứng, theo dõi sát bệnh nhân, hạn chế để tình trạng từ bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng. Việc điều trị bệnh nhân luôn cần cá thể hóa vì diễn biến lâm sàng ở mỗi bệnh nhân khác nhau.