Vị thế của GD ĐH Việt Nam sẽ được nâng cao

Vị thế của GD ĐH Việt Nam sẽ được nâng cao

(GD&TĐ) - Sáng nay (14/12), tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra “Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á lần thứ 14, gồm Đại học Bắc Kinh – Đại học Quốc gia Seoul – Đại học Tokyo – Đại học Quốc gia Hà Nội, hay còn được gọi là BESETOHA".

Đây là diễn đàn thường niên của Giám đốc bốn đại học chủ chốt của 4 quốc gia Đông Á có nền văn hóa tương đồng nhau, là dịp để các giám đốc, các học giả, các nhà quản lý giáo dục đại học cùng trao đổi các vấn đề học thuật, kinh nghiệm quản lý và phát triển.

Việt Nam đang phấn đấu để giáo dục đại học vươn tới đẳng cấp quốc tế, bên cạnh các giá trị học thuật ta và bạn học được của nhau thì việc cùng tham gia các hội nghị thường niên với 3 đại học hàng đầu Châu Á giúp nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam cũng nói lên nhiều điều.

Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội về các nội dung liên quan

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội

PV: Xin giáo sư cho biết, lịch sử ra đời và ý nghĩa của Besetoha, đặc biệt là với Việt Nam?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Diễn đàn bốn đại học chủ chốt Đông Á được bắt đầu từ sáng kiến của Đại học Tokyo, với mong muốn học giả của bốn đại học chủ chốt của bốn quốc gia Đông Á gồm: Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản) và ĐHQG Hà Nội, có dịp gặp nhau hàng năm để cùng thảo luận các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống, tiếp nối và khai thác như thế nào cho tương lai. BESETOHA được hình thành và ghép từ hai chữ cái đầu tên thủ đô của 4 nước Đông Á (Bejing, Seoul, Tokyo và Hanoi).

Đông Á là một khu vực có truyền thống văn hóa - văn minh lâu đời và có nhiều giá trị nhân văn có thể khai thác để nâng cao chất lượng GD đại học trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta có mong muốn giáo dục nói chung trong đó có giáo dục đại học phát triển nhanh và theo hướng hội nhập, tiến tới đẳng cấp quốc tế. Do vậy, các cuộc gặp gỡ, hội thảo, giao lưu với các đại học hàng đầu quốc tế cũng là một trong những kênh để có thể nhanh chóng tiếp cận được vị thế đó.

PV: Việc “ngồi cùng chiếu” với 3 đại học hàng đầu của Đông Á có thể xem là vinh dự, nhưng đem GDĐH của Việt Nam ra bàn với họ, một đất nước mà nếu sánh cùng 3 quốc gia trên thì giáo dục đại học còn phải làm được nhiều điều. Như vậy, liệu có vênh quá không khi mà đẳng cấp của họ là mục tiêu ta đang hướng tới, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Chênh cũng là tất yếu, điều kiện dạy, học, cơ sở vật chất ta không bằng họ, nhiều cái ta phải học họ. Nhưng ta cũng có mà cái các đại học đó có thể tiếp thu kinh nghiệm. Phải thấy rằng, một số lĩnh vực Khoa học cơ bản, các ngành khoa học trái đất; khoa học môi trường và KHXH&NV của ta không thua kém gì họ. Thực tế là các đại học này đã mời và có nhiều giáo sư của ta thường xuyên sang các nước đó dạy về lịch sử Đông Nam Á; Việt Nam học…. Như vậy, ta cũng là đối tác học thuật của họ và ngược lại. Cần phải thấy “cái chiếu” này là nơi cùng học hỏi và bổ sung cho nhau về học thuật.

Tất nhiên, nếu so sánh với họ về đẳng cấp thì quả thật với điều kiện một nước nghèo, đầu tư cho GD&ĐT còn hạn chế như Việt Nam mà đòi hỏi GDĐH Việt Nam có ngay đẳng cấp quốc tế, hay đòi ngang bằng với các đại học trên là điều không tưởng. Nhưng cũng cần phải thấy rằng, châu Á có rất nhiều đại học lớn nhưng họ thừa nhận Việt Nam có nghĩa là họ đánh giá cao ta. Họ cũng tìm thấy cái lợi thì họ mới tìm đến với ta, còn ta có điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản lý, học thuật, khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên sang giảng dạy và học tập tại 3 đại học lớn đó - đây cũng là cách để ta ngồi gần với họ.

Thêm nữa, việc có một Diễn đàn quốc tế được tổ chức thường niên mà tên một đại học của Việt Nam cùng gắn với 3 đại học hàng đầu của Châu Á thì vị thế giáo dục đại học của ta sẽ được nâng cao hơn.

Việc ĐHQG Hà Nội “ngồi cùng chiếu” với 3 đại học hàng đầu châu Á và có thứ hạng cao trên thế giới, tự nó cũng đã nói lên rằng đây không phải chỉ là hình thức 

Sự kết nối của học thuật và chia sẻ kinh nghiệm
Sự kết nối của học thuật và chia sẻ kinh nghiệm

PV: Nói vậy, mối liên kết giữa ĐHQG Hà Nội và 3 đại học chủ chốt Đông Á là bình đẳng, các bên cùng có lợi?

GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Đúng vậy, có thể nói hình thức liên kết này có ích cho mỗi đại học và giá trị của các đại học ấy lại được nhân lên trong ý tưởng chung. Đến nay, sự liên kết của 4 đại học hàng đầu Đông Á đã bắt đầu được biết đến trong khu vực và quốc tế. Để sự liên kết này thực sự có hiệu quả, Giám đốc và các cấp quản lý của 4 đại học luôn có ý thức tạo điều kiện cho các hoạt động có tính chất chuyên môn của các nhà khoa học và các đơn vị thành viên trong các quan hệ hợp tác song phương và đa phương.

Cụ thể, ở một số lĩnh vực như khoa học trái đất, khoa học môi trường, KHXH&NV… đã có những chuyển động tích cực trong hợp tác. Thực tế cho thấy các nhà chuyên môn đã bắt đầu có tiếng nói chung. Nếu có sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau thì sự nghiên cứu về từng nước - đặc biệt là trong nghiên cứu về Việt Nam học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Nhật Bản học - sẽ được nâng cao, và đã có những hợp tác như vậy giữa Trường Đại học ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) với Đại học Tokyo, với Đại học Quốc gia Seoul… ĐHQG Hà Nội cũng đã tiếp cận được đẳng cấp quốc tế ở một số ngành học, ở một bộ phận sinh viên. Đó là chúng ta chọn cách đi hiệu quả, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn để đạt chuẩn mực quốc tế ngay trong điều kiện hiện nay.

Thêm nữa, nhiều năm qua ĐHQG Hà Nội đã có hẳn một chiến lược nâng cao vị thế thông qua quan hệ quốc tế chứ không phải chỉ còn là tài trợ, học bổng; mà vấn đề quan tâm là hợp tác với các trường đại học danh tiếng trên thế giới để trao đổi học thuật, học hỏi những kinh nghiệm mà các đại học lớn đó có được, để từ đó nâng tầm của mình lên. Đây là chủ trương đúng với trọng trách mà Chính phủ giao cho ĐHQG Hà Nội.

Từ những lý do trên, tôi xin nhấn mạnh ở đây: Việt Nam mong muốn tham gia diễn đàn không chỉ hình thức mà là học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ và phát huy ảnh hưởng của mình. Đó là mục tiêu lâu dài của ĐHQG Hà Nội trong việc tham gia Diễn đàn này. Chính vì lẽ đó, tôi cũng mong muốn xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước nên có sự nhìn nhận thấu đáo về việc này.

PV: Thưa giáo sư, Diễn đàn lần thứ 14 này do Đại học Bắc Kinh đăng cai, những trao đổi mang tính học thuật sẽ là gì, và có  những bàn thảo về phát triển GD đại học liên quan?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Mỗi Diễn đàn đều có một chủ đề riêng, Diễn đàn lần thứ 14 này có chủ đề là “Ảnh hưởng của Khoa học và Công nghệ đến sự phát triển và điều kiện sống của con người”, trong đó các diễn giả đến từ 4 đại học sẽ có những tham luận chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan. Cũng sẽ có 3 tiểu ban chuyên môn riêng hội nghị bàn về các vấn đề đặt ra cho quản lý giáo dục đại học hiện nay như việc điều hành quản lý các nhà trường, kinh nghiệm kết hợp tiến bộ khoa học vào giảng dạy giáo dục đại cương cũng như đưa ra những quan điểm nhìn nhận kinh điển tổng quan về giáo dục.

Nhưng với chủ đề nào thì các hội nghị đều nhấn mạnh đến vai trò tiên phong, dẫn dắt của mỗi đại học đến với sự phát triển của khoa học, giáo dục và phồn vinh của mỗi quốc gia, đồng thời phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Đông Á trong quá trình hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn giáo sư !

Bạch Ngọc Dư (từ Bắc Kinh, Trung Quốc)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ