Vì sao Xiaomi làm cả thế giới công nghệ khiếp sợ

Cách đây một thập kỷ, cái tên mới nổi khiến cả làng công nghệ phải kiêng nể chính là Google. Sau đó là đến Facebook, gã khổng lồ mạng xã hội có số lượng người sử dụng lớn nhất thế giới.

Vì sao Xiaomi làm cả thế giới công nghệ khiếp sợ

Và năm nay, Xiaomi, một cái tên trước kia ít người biết đến, đã trở thành mối lo cho nhiều ông lớn công nghệ.

Trong vô số những hãng sản xuất smartphone mới nổi ở thị trường Android, Xiaomi không chỉ vươn lên dẫn đầu mà còn cạnh tranh mạnh mẽ với những nhà sản xuất smartphone lớn khác.

Theo trang phân tích Statista, thị phần của Xiaomi trên thị trường di động toàn cầu đã tăng lên 5,3% trong năm 2014 so với 2,1% của năm trước.

Một lý do quan trọng cho thành công bất ngờ của Xiaomi đó là hãng này tự thiết kế cả hardware và firmware chạy trên nền phần mềm mã nguồn mở của Android.

Giao diện MIUI của Xiaomi có tốc độ và thiết kế tương đương với các hệ điều hành của điện thoại iPhone hay các sản phẩm cao cấp của Samsung nhưng lại có mức giá chỉ bằng phân nửa.

Hầu hết những hãng bán điện thoại Android bị phụ thuộc vào những mẫu thiết kế tương tự nhau do các hãng sản xuất bên thứ ba cung cấp như Foxconn.

Chiến dịch đơn giản của Xiaomi đó là: sản phẩm chất lượng cao với giá thành thấp. Và chính chiến dịch này đe dọa mô hình kinh doanh của rất nhiều những cái tên lớn nhất trong làng công nghệ như:

Samsung

Rất nhiều sản phẩm của Xiaomi được bán tại Trung Quốc, dẫn đến việc thị phần của hãng này tăng từ 5% lên 15% trong đầu năm nay. Trái lại, thị phần của Samsung đã giảm từ 19% xuống còn 12%.

Theo IDC, số lượng smartphone của Samsung bán ra tại thị trường Trung Quốc giảm 22% trong năm 2014, trong khi con số này của Xiaomi tăng 187%.

Samsung luôn là một cái tên thường xuyên xuất hiện tại những nền kinh tế mới nổi. Thế nhưng tháng 1 vừa rồi, Xiaomi tuyên bố sẽ tiến tới Brazil, Nga và nhiều thị trường mới nổi khác. Sau khi bán sản phẩm tại Ấn Độ vào tháng 7 vừa rồi, Xiaomi đã nắm giữ 4% thị phần và tính đến tháng 12, công ty này tăng thêm 1,1 tỷ USD tổng giá trị.

Apple xuất hiện với tư cách là kẻ thống trị phân khúc smartphone chất lượng cao. Với việc Xiaomi tung ra các sản phẩm điện thoại thời trang có mức giá thấp, Samsung sẽ bị kẹt giữa iPhone và các dòng máy Android giá thành thấp.

Hiện nay, Xiaomi đang hướng “họng súng” của mình đến một thị trường chủ chốt khác của Samsung đó là TV. Trong tháng 11, Xiaomi đã chi 200 triệu USD cho Midea Groups, một nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng. Ngoài ra Xiaomi còn cho biết, công ty sẽ chi 1 tỷ USD để phát triển hệ sinh thái dành riêng cho TV của hãng.

GoPro

Cách đây ít lâu, Xiaomi thông tin về việc họ sẽ tiến vào thị trường Mỹ nhưng không để bán smartphone mà là các sản phẩm như vòng đeo sức khỏe, tai nghe, và các phụ kiện khác.

Đầu tháng vừa rồi, Xiaomi thông báo sẽ bắt đầu bán Yi Camera, một loại camera hành trình độ phân giải cao 1080p với các tính năng tương đương với loại camera Hero đang bán chạy nhất của GoPro.

Nhưng giá của Yi chỉ 64 USD, tức là bằng một nửa so với giá của dòng sản phẩm Hero. Chiếc camera 16 megapixel của Yi còn vượt trội hơn cả camerea của Hero với khả năng chụp 60 ảnh một giây. Lại một lần nữa chiến lược chất lượng cao, giá thành thấp được áp dụng.

Tại Mỹ, GoPro là một thương hiệu mạnh hơn Xiaomi rất nhiều. Nếu điều này thay đổi, GoPro sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc giảm giá sản phẩm Hero, hoặc nhìn thị phần của mình bị “ăn tươi nuốt sống”.

Cổ phiếu của GoPro đã sụt giảm 39% trong năm nay do lo ngại công ty này khó có thể giữ được tốc độ tăng trưởng. Có thể nói, Xiaomi càng bán được nhiều camera bao nhiêu thì mối lo ngại này càng lớn lên bấy nhiêu.

Google

Bạn nghĩ rằng khi Xiaomi, một công ty chuyên bán smartphone chạy trên nền tảng Android đang làm ăn phát đạt thì Google sẽ được hưởng lợi nhờ những khoản thu lớn từ quảng cáo.

Nhưng bạn hãy nhớ rằng, các dịch vụ và ứng dụng mobile của Google đều bị chặn hoặc đe dọa bị chặn tại Trung Quốc nên những công ty trong nước như Alibaba và Baidu đã học cách hợp tác với điện thoại Android mà không cần API của Google.

Google chưa bao giờ “có chân” tại thị trường Trung Quốc. Điều chưa rõ đó là vai trò của các ứng dụng Google là gì trên những smartphone Xiaomi được bán bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, Google tỏ ra không khoan nhượng với những công ty sử dụng nền tảng Android nhưng không sử dụng dịch vụ của Google. Còn Phó Chủ tịch Xiaomi (cựu nhân viên của Google), ông Hugo Barra cho biết Xiaomi có thể sẽ không xuất khẩu kho ứng dụng được dùng cho các khách hàng Trung Quốc tới các thị trường mới.

Apple

iPhone 6 rất phổ biến ở Trung Quốc cũng như trên toàn cầu và Apple dường như vẫn miễn nhiễm khỏi những đe dọa từ phía Xiaomi.

Nhưng biết đâu đấy chỉ vài năm nữa, hãng sản xuất Trung Quốc này sẽ cạnh tranh với những sản phẩm tốt nhất và đoạt ngôi vương của thung lũng Silicon.

Hệ điều hành MIUI trẻ hơn rất nhiều so với hệ điều hành iOS của Apple. Nhưng dù Apple đang dẫn trước, Xiaomi cũng đã nhanh chóng phát triển cho mình một loại giao diện không chỉ xứng tầm so sánh với iOS mà nó còn được thiết kế để sử dụng trên rất nhiều các thiết bị từ di động, máy tính bảng và cả thiết bị đeo.

Việc mở rộng sản phẩm của Xiaomi cũng rất giống Apple: Một chiếc TV console thông minh có thể stream nội dung kỹ thuật số, một chiếc máy fitness tracker có thể dễ dàng biến thành smartwatch, tai nghe kiểu dáng thời trang và thiết kế kim loại.

Thậm chí trong tuần vừa rồi, Xiaomi còn cho ra mắt chiếc xe điện cao cấp, một ý tưởng phù hợp với thời đại và phù hợp với xu hướng sản xuất của những công ty lớn nhất thế giới.

Các tính năng trên chiếc điện thoại mới nhất của Apple không quá khác biệt so với các sản phẩm hàng đầu khác trên thị trường. Nếu điều này xảy ra thêm một lần nữa, và những trải nghiệm trên sản phẩm của Xiaomi tiến gấn hơn nữa đến mức tương đương với các sản phẩm của iPhone, Xiaomi sẽ sớm có được một chút thị phần của Apple.

Xiaomi chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn trên còn đường của mình, giống như việc công ty này bị kiện về vi phạm bằng sáng chế tại Ấn Độ hay bị cho là ăn cắp dữ liệu người dùng.

Các đối thủ có thể sử dụng chiêu “bằng sáng chế” để làm chậm bước tiến của gã khổng lồ Xiaomi, nhưng công ty có giá 45 tỷ USD này cùng kế hoạch IPO của mình sẽ sớm gom đủ tiền để tự sở hữu các bằng sáng chế và không lo bị kiện. Vậy còn điều gì cản chân được họ?

Theo ITC News/ Time

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.