Còn nửa tháng nữa mới đến mùa thu hoạch trám đen nhưng một số thương lái đã tìm về khu vực Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Kạn để mua hạt.
Người dân cho biết, việc thu mua quả, hạt và nhựa trám vẫn diễn ra theo mùa. Song 2 năm trở lại đây, không chỉ có thương lái địa phương mà cả thương lái Trung Quốc cũng sang tìm mua. Họ thường săn tìm loại hạt từ 2 cm trở lên. Giá mua lẻ loại này lên đến 100.000 đồng một hạt, còn bán theo kg là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Gom hàng bán cho thương lái nhưng phần lớn người dân không biết về giá trị của loại hạt này. Theo anh Lê Đức Toàn, chủ đồi trồng trám ở Vĩnh Phúc, trám đen hạt to chỉ có loại mọc tự nhiên lâu năm trong rừng, nhưng năng suất rất thấp. Trám trồng ở địa phương là loại ghép, nhanh cho thu hoạch hơn.
Gần đây, khi thấy thương lái từ các nơi về mua loại này, nhiều người kéo nhau vào rừng nhặt về bán, song số lượng kiếm được rất ít. "Nông dân trồng trám để thu hoạch quả tươi. Còn hạt có giá trị rất thấp. Gần đây, thấy thương lái về thu mua hạt to giá cao, tôi cũng chọn những quả to nhất để lấy hạt bán. Tuy nhiên, 3 ha trám chỉ thu được khoảng 2-3 kg", anh Toàn cho biết thêm.
Ông Trần Văn Dũng, chủ rừng trám 2 ha ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, hạt trám thông thường có kích cỡ 1-1,2 cm, hiếm loại nào to trên 2 cm. Mọi năm, đến mùa thu hoạch, ông thường tách lớp thịt quả bán giá 150.000 đồng/kg.
|
Thương lái Trung Quốc sang tìm mua, săn tìm loại hạt trám đen từ 2 cm trở lên. |
Còn hạt, ông đem phơi khô, bán cho thương lái trong nước chỉ 30.000-35.000 đồng/kg. "Thấy giá cao nên tôi nhặt hạt bán, chứ không biết họ mua về làm gì", ông Dũng cho hay.
Anh T., ở Vĩnh Phúc cũng đăng tin thu mua hạt trám trên trang cá nhân. Nhưng loại to từ 2 cm trở lên anh chỉ thu với giá 40.000 đồng/kg hoặc 20.000-30.000 đồng một hạt. Anh bật mí, sau khi gom từ người bán lẻ, anh bán cho thương lái Trung Quốc giá 100.000 đồng hoặc 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Cũng nhờ làm đầu mối cho thương lái bắt đầu từ mùa trám năm trước, anh thu lời khá. "Năm nay, mặc dù chưa đến mùa nhưng một thương lái Trung Quốc đã gọi điện đặt hàng, với số lượng không giới hạn", anh T. cho hay. Còn chị Vũ Thị Dung ở Lạng Sơn cũng chia sẻ, năm trước, người Trung Quốc đến chợ Đông Kinh hỏi mua hạt trám loại to với giá 100.000 đồng một hạt. Nhiều người dân địa phương đã kéo nhau vào rừng tìm hạt này về bán.
Đại diện một công ty dược ở Sapa từng đăng tin mua hạt trám đen to với số lượng 1.600 tấn, giá là 720.000 đồng/kg thông tin, hạt trám có nhiều tác dụng. Nhân hạt (màu trắng) thơm, ngậy nên thường để làm nhân bánh, ép tinh dầu.
Vỏ hạt rất cứng, màu đẹp và bền, sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ như vòng đeo tay, hạt vòng có giá trị tương đối cao. Đơn vị này cho biết thu mua số lượng lớn để làm sản phẩm dược liệu và cung cấp nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ cho một số doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, hạt trám phải đủ các tiêu chuẩn khắt khe như có đường kính hạt 2-3 cm với trám đen và từ 1,5 cm với trám trâu. Ngoài ra, các tiêu chí khác là vỏ hạt sạch, hạt già, đầu hạt không nứt, vỏ xanh - sạch và không đen thâm... Sau một năm thử nghiệm, số lượng không đáng kể, khó đạt tiêu chuẩn của mối hàng, nên công ty đã ngừng lại việc thu mua. Theo ông Hoàng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), cây trám chỉ được trồng nhỏ lẻ theo một số hộ dân, chưa phải cây trọng điểm trong vùng.
Cũng vì thế, mức giá bán các sản phẩm quả, nhựa, hạt… đều theo thỏa thuận giữa người bán và mua. Đại diện địa phương này cho rằng, việc thương lái thu mua nhỏ lẻ trong một vài hộ gia đình , chưa phổ biến nên hiện chính quyền chưa nhận được phản ánh của người dân về việc thương lái lạ tới thu mua hạt trám với giá cao.
Ông Trương Mạnh Dũng, đại diện ban quản lý chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) phủ nhận việc thương lái Trung Quốc tới thu mua hạt trám với giá cao ở chợ. “Chợ Đông Kinh chỉ kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng gia đình như quần áo, dày dép; không buôn bán hàng lâm thổ sản”.
Tác dụng thông thường của hạt trám
Trám có nhiều loài khác nhau: trám trắng, trám đen, trám hồng. Quả trám còn gọi thanh quả hay cảm lãm (fructus canarii), được thu hái khi chín; có thể dùng tươi hoặc đem muối, sau đó phơi khô, hoặc sấy khô để chế các món ăn, có lợi cho hầu họng.
Thành phần hóa học, quả trám chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu... và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo.
Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc. Được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả xanh có tác dụng giải độc. Quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh. Ngày dùng 6 - 12g, dưới dạng nhai nuốt nước, hoặc dạng nước sắc.
|
Quả trám vừa là thực phẩm vừa là một vị thuốc. |
Một số cách trị bệnh từ quả trám:
Trị đau họng, sưng amidan, ho, miệng khô, khát nước
Quả trám rửa sạch, bỏ hạt, nấu với nước, nấu 2 - 3 lần, mỗi lần đun sôi 1 giờ, để lắng, gạn bỏ cặn, lọc qua vải xô, cô thành cao 2:1, thêm đường đủ ngọt, ngày uống 2-3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 5-10ml. Có thể uống nhiều ngày liền cho đến khi hết các triệu chứng.
Trị lỵ
Quả trám tươi khoảng 90g, để nguyên hạt sắc với nước (2 - 3 lần), gộp dịch chiết, cô lại lấy cao, theo tỷ lệ 1:1, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Khi uống cần kiêng ăn các thứ tanh: cua, cá, lòng trắng trứng... Có thể uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.
Trị đau nhức xương khớp
Vỏ trám hồng, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, sắc nước uống, ngày 10 - 12g, chia 3 lần sau bữa ăn. Có thể thay vỏ bằng lá trám.
Trị đau răng, sâu răng
Quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với một ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ răng đau. Hoặc lấy vỏ thân cây trám trắng cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng phơi khô, sắc lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ chanh, rễ cây trẩu hoặc rễ cà dại.
Trị lở sơn
Vỏ cây trám, cạo bỏ lớp bần, thái nhỏ, nấu nước tắm, ngày 2 lần.
Trị tràng nhạc (loa lịch):
Hạt trám, hạt gấc, vỏ quả mướp đắng, đốt thành than, tán bột mịn, trộn đều với dầu thực vật hoặc mỡ lợn, bôi vào chỗ đau.
Trị nứt nẻ kẽ ngón và gót chân khi trời rét
Hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.
Trị hóc xương cá
Quả trám trắng hoặc trám đen, nhai giập nuốt dần lấy nước; hoặc lấy 5 quả trám, sắc lấy nước, ngậm và nuốt dần. Hoặc chỉ lấy phần thịt quả trám, giã nát, ép lấy nước, uống dần. Hoặc lấy hạt quả trám, đốt tồn tính, rễ cây đậu ván trắng, thái nhỏ. Cả hai tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 4 - 6g. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với trường hợp bị hóc các xương cá nhỏ.