Sởi lây lan nhanh qua đường hô hấp và tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng, môi trường sinh hoạt. Trẻ nhỏ mắc sởi có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm về sức khỏe.
Nguy cơ tử vong
Ngày 22/3, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 14 - 21/3), toàn thành phố ghi nhận 182 trường hợp mắc sởi tại 26 quận, huyện, 88 xã phường, thị trấn; 1 trường hợp tử vong.
Trường hợp tử vong là bệnh nhi sinh năm 2021 (44 tháng tuổi) tại Nam Từ Liêm. Trẻ không tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Ngày 10/3, trẻ bắt đầu có dấu hiệu khởi phát bệnh. Đến ngày 17/3, trẻ có dấu hiệu khó thở nhiều, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Tình trạng bệnh nhi diễn biến nặng, được điều trị tích cực (thở máy, lọc máu, ECMO), song không cải thiện. Trẻ tử vong ngày 18/3 với chẩn đoán shock không hồi phục/ suy đa tạng/ viêm phổi ARDS-bão cytokine/ sởi.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã cấp cứu thành công bé gái một tuổi, nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục, co giật, phát ban toàn thân do sởi, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiên lượng nặng.
Ngay lập tức, trẻ được cấp cứu hạ sốt và chống co giật, hỗ trợ hô hấp, khí dung, điều trị viêm phế quản. Bác sĩ truyền dịch, bổ sung điện giải do mất nước nặng kèm sát khuẩn miệng, giảm đau, hỗ trợ ăn uống, sử dụng kháng sinh liều cao. Do biến chứng sởi, trẻ bị ngứa da, nhiễm khuẩn tiết niệu, phải liên tục theo dõi.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, 4.027 trường hợp dương tính với sởi. Theo Bộ Y tế, sởi là bệnh lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Bệnh dễ lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, và còn qua trung gian như bàn tay, mặt bàn, ghế, môi trường sinh hoạt có chứa virus.
Nhận định xu hướng dịch, Bộ Y tế cho hay, đa số trường hợp mắc bệnh sởi ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vắc-xin hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, nhưng có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.
Dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng sởi thấp.
Tuy nhiên, trên cơ sở triển khai quyết liệt hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như khoanh vùng, dập dịch và tiêm chủng vắc-xin... tình hình dịch bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát; sẽ từng bước được khống chế để hạn chế lây lan, bùng phát và số trường hợp mắc bệnh.
Trong bối cảnh này, các trường học đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, từ tổ chức họp phụ huynh, gửi tin nhắn qua nhóm trên mạng xã hội đến việc giáo viên chủ nhiệm trực tiếp trao đổi với phụ huynh về tình trạng tiêm chủng của con em mình.
Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống cho học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường. Tại buổi tuyên truyền, các cán bộ y tế đã cung cấp thông tin chi tiết về đường lây truyền, triệu chứng, biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi. Đồng thời, học sinh được hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng ngừa cá nhân.
Tại Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã thực hiện các nhiệm vụ để ngăn chặn dịch bệnh. Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời, yêu cầu toàn thể giáo viên, nhân viên cần thực hiện các biện pháp một cách đồng bộ, theo đúng phân công.
Nhà trường cũng gửi thông báo về tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn phường và tuyên truyền cách phòng tránh tới giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm gửi đến phụ huynh học sinh qua nhóm Zalo lớp.

Ba giai đoạn của bệnh sởi
Theo ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh sởi thường diễn tiến qua ba giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các triệu chứng tương tự cảm cúm như sốt, ho, ngạt mũi, mắt đỏ, viêm long và tiêu chảy. Đây là giai đoạn dễ lây lan nhưng khó nhận biết do chưa xuất hiện ban sởi.
Tiếp theo, giai đoạn phát ban được đặc trưng bởi các nốt ban đỏ xuất hiện từ sau chân tóc, lan xuống mặt, cổ, thân mình và các chi. Trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi trong giai đoạn này. Cuối cùng là giai đoạn ban bay, khi các ban mờ dần, để lại các vết loang lổ trên da trước khi trẻ hồi phục hoàn toàn.
Để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh sởi, BS Lê Thị Thu Hiền khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ hai mũi vắc-xin sởi theo lịch tiêm chủng quốc gia. Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc phát ban, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Ngoài ra, cách ly bệnh nhân sởi, vệ sinh môi trường sống và rửa tay thường xuyên là các biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, biến chứng của sởi thường xuất hiện khi bệnh không được phát hiện, điều trị sớm hoặc trên cơ địa đặc biệt như có bệnh nền tim mạch, phổi, thận… Trong đó, viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng và phổ biến nhất của bệnh sởi, gây nguy hiểm đặc biệt.
Viêm phổi thường xảy ra muộn sau khi phát ban hoặc trong giai đoạn phát ban. Biểu hiện bao gồm sốt cao, khó thở, râm ran phế quản, chỉ số bạch cầu tăng cao. Biến chứng này thường do bội nhiễm vi khuẩn, có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tiêu chảy cấp là biến chứng phổ biến thứ hai của sởi, thường xuất hiện ở giai đoạn khởi phát bệnh hoặc sau khi cơn sốt và ban sởi giảm. Do virus sởi gây rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ đi phân lỏng, có dịch nhầy hoặc máu, kèm mất các chất điện giải quan trọng như natri, kali, clorua.
Trẻ mắc tiêu chảy thường biểu hiện mắt trũng, miệng khô, ít tiểu, khóc không nước mắt. Nếu không được bù nước và điện giải kịp thời, trẻ có nguy cơ dẫn đến sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.
Ngoài ra, tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng còn tổn hại niêm mạc ruột, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và suy yếu miễn dịch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn như Shigella, E.coli bội nhiễm, khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài và khó điều trị hơn.
Một biến chứng nguy hiểm khác là viêm não. Đây là biến chứng hiếm, với tỷ lệ tử vong khoảng 20%, thường xuất hiện sau phát ban từ 3 - 6 ngày. Viêm não do sởi ở giai đoạn khởi phát biểu hiện bằng sốt cao, nhức đầu, co giật, hôn mê, rối loạn ý thức và thậm chí là liệt một bên người hoặc liệt một bên chi.
Trẻ lớn, đang tuổi đi học, là nhóm dễ mắc biến chứng này. Việt Nam từng ghi nhận bé trai 9 tháng tuổi bị biến chứng viêm não do sởi sau sốt cao, khó thở và nổi ban, với diễn tiến nhanh. Khi nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2014, bé rơi vào hôn mê, co giật, tổn thương phổi nghiêm trọng, nhiều lần nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, sởi còn dẫn đến suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch. Đây là hai biến chứng thường bị phụ huynh xem nhẹ do không biểu hiện tức thì. Sốt cao kéo dài, kèm theo tiêu chảy và ăn uống kém, khiến trẻ mắc sởi sụt cân, suy dinh dưỡng và suy giảm hệ miễn dịch.
Virus sởi còn gây tổn thương hệ tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là protein và vitamin A. Từ đó, khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
Ngoài ra, virus sởi phá hủy kháng thể cũ, gây “mất trí nhớ miễn dịch”, làm giảm 20 - 70% khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Điều này khiến trẻ dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như cúm, lao, ho gà, bạch hầu, phế cầu và tụ cầu. Tình trạng suy giảm miễn dịch có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng, thậm chí tới hơn một năm sau khi mắc sởi.
Hai biến chứng này không chỉ gây nguy cơ tử vong mà còn làm trẻ kém phát triển về thể chất, để lại hậu quả lâu dài. Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe trẻ cẩn thận sau khi mắc sởi, đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu suy dinh dưỡng và nhiễm trùng.
Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh sởi, trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi cần được tiêm đầy đủ, đúng lịch. Các nhóm tuổi khác (6 - 9 tháng, 1 - 10 tuổi) cần được tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng. Thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Ngoài ra, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày.