Vì sao những cơn bão ngày càng hung dữ?

GD&TĐ - Có lẽ người ta không thể quên những gì mà siêu bão Haiyan đã tàn phá Philippines. Các nhà khoa học có chung một câu hỏi: Phải chăng bão ngày càng mạnh lên do khí hậu biến đổi? Dù họ vẫn chưa tìm ra mối quan hệ nhân-quả, nhưng họ khẳng định những cơn bão trong tương lai sẽ ngày càng mạnh hơn.

Vì sao những cơn bão ngày càng hung dữ?

Ngay sau khi bão Haiyan tàn phá Philippines, một bộ phận báo chí quốc tế đã khăng khăng cho rằng hiện tượng Trái Đất nóng dần lên là nguyên nhân khiến bão Haiyan hoành hành ác liệt như thế. Sydney Morning Herald, một tờ báo nổi tiếng ở Úc đã đăng bài viết khẳng định: “Theo các nhà khoa học, khí hậu biến đổi đã ảnh hưởng đến bão Haiyan”.

Nhà khí hậu học Kevin Trenberth ở Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc gia Mỹ khẳng định: “Chúng ta có thể kết nối rõ mối liên hệ giữa cơn bão Haiyan với hiện tượng biến đổi khí hậu. Thực ra thì mực nước biển cũng như nhiệt độ đại dương đã tăng mạnh trong những năm qua trong khu vực của Philippines, từ đó biến khu vực này thành một vùng nguy hiểm”.

Trong khi đó, đài phát thanh France Inter (Pháp) ghi nhận cứ mỗi lần có thiên tai dữ dội như bão Haiyan thì báo chí lại quy cho biến đổi khí hậu. Tình trạng này đã từng xảy ra với bão Katrina năm 2005 hay bão Sandy năm 2012.

Thực tế cho thấy bão, siêu bão và các cơn bão nhiệt đới thu hút phần lớn năng lượng của chúng từ sự ấm lên của biển. Giáo sư Will Steffen của trường Đại học Quốc gia Australia, nói: "Chúng ta biết nhiệt độ mặt nước biển ấm lên khá nhiều trên khắp hành tinh, vì vậy sự biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp vào bản chất của cơn bão". Một yếu tố quan trọng khác là sự khác biệt nhiệt độ giữa mực nước biển và đỉnh của cơn bão, bởi vì sự chênh lệch nhiệt độ này tạo thành động lực thúc đẩy hình thành bão. Các nhà khoa học nghĩ rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng sự khác biệt này.

Một nghiên cứu năm 2013 của giáo sư Kerry Emmanuel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đồng ý rằng những cơn bão mạnh nhất sẽ tăng lên, nhưng các cơn lốc xoáy nhỏ hơn cũng sẽ gia tăng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra "các cơn bão nhiệt đới gia tăng mạnh tại phía tây Bắc Thái Bình Dương", ví dụ như nơi bão Haiyan xảy ra.

Năm 2011, một báo cáo tổng hợp từ Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã kết luận rằng tốc độ gió trung bình trong các cơn bão có khả năng tăng, cũng như tần số xuất hiện các cơn mưa có lượng nước lớn, nhưng báo cáo cũng lưu ý sự khó khăn của việc kết nối những thay đổi trong những sự kiện thiên nhiên phức tạp như như lốc xoáy với biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng gần đây nhất của biến đổi khí hậu chính là cơn bão Harvey. Các nhà khoa học nhận định, biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đóng góp khoảng 30% lượng mưa bão Harvey trút xuống Texas, Mỹ. Cụ thể, bão Harvey đang gây lụt lịch sử, phá vỡ kỷ lục lượng mưa ở Texas khi trút tổng cộng 127 cm nước xuống thành phố Houston ở hạt Harris, bang Texas và các khu vực lân cận.

Theo các nhà khoa học, bão Harvey hay các cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh thêm do biến đổi khí hậu. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và metan từ hoạt động của con người làm nóng bầu không khí. Sự bay hơi vì vậy diễn ra nhanh hơn và làm tăng độ ẩm của khí quyển. Sức mạnh của các cơn bão do đó được tăng cường.

Khi được so sánh với những cơn bão gây thiệt hại lớn tại Houston trong những năm qua, Harvey vẫn đứng vào hàng chưa từng thấy. Các nhà khoa học dự báo đây là loại hình thời tiết khác thường sẽ xảy ra nhiều hơn khi Trái Đất đang ấm lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.