Vì sao những cơn bão muộn đổ bộ vào miền Nam dễ thành thảm họa?

Ít kinh nghiệm và chủ quan là những nguyên nhân khiến thiệt hại ở miền Nam thảm khốc hơn khi có bão đổ bộ.

Vì sao những cơn bão muộn đổ bộ vào miền Nam dễ thành thảm họa?

Miền Nam là nơi ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân ít có kinh nghiệm ứng phó với những cơn bão lớn và thường chủ quan trước diễn biến thời tiết là những nguyên nhân khiến thiệt hại tại đây trở nên thảm khốc nếu có bão đổ bộ.

vi sao nhung con bao muon do bo vao mien nam de thanh tham hoa? hinh 1
Người dân đau đớn nhìn tài sản mất hết vì bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào Nha Trang (Khánh Hòa) vào năm 2017.

Bão xuất hiện vào dịp cuối năm không phải là điều hiếm gặp trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Tuy nhiên việc bão đổ bộ vào Nam Bộ lại là điều khá hiếm hoi vì nơi này ít chịu ảnh hưởng của bão lũ. Chính vì vậy, những cơn bão đổ bộ vào miền Nam thường được xếp vào cấp thảm họa vì diễn biến phức tạp và sức tàn phá khủng khiếp của nó.

Nhắc về những cơn bão khủng khiếp đổ bộ miền Nam không thể không kể đến siêu bão Linda năm 1997. Tối 2/11/1997, bão Linda đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9 và duy trì cường độ khi ở trên đất liền.

Việt Nam là quốc gia bị siêu bão Linda tàn phá khủng khiếp với khoảng 3.000 người chết và mất tích, 1.232 người bị thương, khoảng 200.000 ngôi nhà bị tàn phá. Trong đó, Cà Mau là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 1.000 người chết và mất tích.

vi sao nhung con bao muon do bo vao mien nam de thanh tham hoa? hinh 2
Mưa kèm gió lớn trong cơn bão 9 đang tàn phá nhiều khu vực ở TP.HCM và Vũng Tàu.

Một cơn bão khác đổ vào Nam Bộ dịp cuối năm cũng đạt cấp độ thảm họa là bão Durian (bão số 9) xảy ra vào ngày 1/12/2006. Sức gió tối đa tại vùng gần tâm bão đạt 150 km/giờ, giật trên 185 km/giờ.

Trước đó, bão được dự báo đi vào Nam Trung Bộ nhưng do có không khí lạnh từ phía Bắc tác động nên bão bị đẩy xuống Nam Bộ. Cơn bão này khiến 105 người chết và mất tích, làm bị thương 409 người tại 12 tỉnh thành mà nó đi qua. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu chịu thiệt hại nặng nề nhất với 44 người chết và mất tích, 173 người bị thương.

Tháng 11/2017, lần thứ 2 trong năm Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải đưa ra cảnh báo đạt ở mức cấp độ rủi ro thiên tai bậc cấp 4, gần sát với mức nguy hiểm cao nhất khi cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào các tỉnh từ Phú Yên - Ninh Thuận, đặc biệt là khu vực Nha Trang (Khánh Hòa).

Bão số 12 đã làm 107 người chết, 16 người mất tích và 342 người bị thương. Hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm đổ bộ vào Nha Trang, với sức gió cao nhất của bão đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn.

Hiện tại, các tỉnh phía Nam từ Bình Thuận đến Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đang phải căng mình đối phó với cơn bão số 9 (bão Usagi). Tính đến trưa ngày 25/11/2018, bão đi vào đất liền và gây mưa lớn kèm gió mạnh cho các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau khi vào đất liền, cơn bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Hiện các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre vẫn đang tiếp tục căng mình đối phó với bão./.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ