Vì sao người mắc Covid-19 mất khứu giác?

GD&TĐ - Mất mùi hay mất vị giác là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc Covid-19. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có 60 - 80% bệnh nhân Covid-19 có những thay đổi về mùi vị.

Sơ đồ về hệ khứu giác và tác động của Covid-19. Ảnh: PGS.TS Trần Huỳnh.
Sơ đồ về hệ khứu giác và tác động của Covid-19. Ảnh: PGS.TS Trần Huỳnh.

Trong khi đó, có khoảng 10% bệnh nhân mất mùi trong nhiều tuần.

Nguyên nhân Covid-19 gây mất mùi

Mất khứu giác là tình trạng phổ biến ở nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Lý giải về tình trạng này, PGS.TS Trần Huỳnh - Bệnh viện Đại học California Northstate (Mỹ) cho biết: “Virus SARS-CoV-2 thường vào bên trong tế bào thông qua thụ thể ACE2 (hay còn gọi la cổng ACE2).

Các protein cầu gai nhận ra thụ thể ACE2 nên bám vào nhanh, giúp virus vỏ sáp nhập vào vỏ tế bào. Virus chuyển gen vào bên trong, gây nhiễm bệnh tế bào. Thụ thể ACE2 có nhiều trên nhiều loại tế bào trong cơ thể nhiều, nhất là các tế bào ở hệ hô hấp. Đây cũng là lý do virus SARS-CoV-2 thường thâm nhập cơ thể qua hệ hô hấp”.

Theo chuyên gia này, tế bào thần kinh khứu giác nằm trong mũi không có thụ thể ACE2. Vì vậy, virus SARS-CoV-2 thường không thể tấn công và gây nhiễm, làm tổn thương tế bào khứu giác. Tuy nhiên, tế bào khứu giác nằm giữa các tế bào hỗ trợ thần kinh. Những tế bào này có thụ thể ACE2. Khi SARS-CoV-2 xâm nhập, các tế bào này dễ bi tấn công trước do nằm ở vùng mũi và trong đường hô hấp.

“Các tế bào hỗ trợ thần kinh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển tín hiệu mùi vị lên não. Tổn thương các tế bào này khiến vùng khứu giác không hoạt động, không gửi tín hiệu thần kinh lên não, gây mất mùi”, PGS Huỳnh cho biết.

Tuy nhiên, các tế bào hỗ trợ thần kinh có thể thay thế sau khi cơ thể khỏi bệnh. Trong khi đó, tổn thương ở tế bào thần kinh thường khó phục hồi. Vì vậy, đa số bệnh nhân Covid-19 thường phục hồi mùi vị một thời gian sau khi cơ thể hết bệnh. PGS Huỳnh dẫn chứng, có khoảng 63% bệnh nhân Covid-19 phục hồi mùi sau 5 tuần. 95% bệnh nhân Covid-19 phục hồi mùi sau 6 tháng.

“Chữa trị triệu chứng hô hấp Covid-19 càng sớm thì khả năng phục hồi mùi càng nhanh”, chuyên gia nhấn mạnh.

Giải thích về cơ chế ngửi của con người, bác sĩ Huỳnh cho biết, cơ thể có thể cảm nhận khoảng 1.000 tỉ mùi khác nhau, từ mùi thơm, dễ chịu, cho đến mùi khó chịu. Đồng thời, có thể tạo ra “trí nhớ mùi”.

Điều trị mất mùi bằng bài tập

Cuối tháng 4/2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã bổ sung các triệu chứng giúp nhận diện nhiễm Covid-19, bao gồm đau cơ, đau đầu và mất khứu giác hoặc vị giác. Trước đó, trên trang web của CDC liệt kê 3 triệu chứng chính có thể gặp phải khi mắc Covid-19 là khó thở, sốt và ho.

Tuy nhiên, theo PGS Huỳnh, người mắc Covid-19 tuyệt đối không nên uống thuốc Steroid để chữa mất mùi. Đây là thuốc được chấp thuận để chữa Covid-19 loại trung bình hoặc nặng. Chuyên gia này lý giải, thuốc Steroid dùng để ức chế hệ miễn dịch. Do đó, thuốc có thể giảm hiệu ứng viêm sưng lên tế bào thần kinh khứu giác và ngăn ngừa việc mất mùi.

Tuy nhiên, PGS Huỳnh dẫn chứng, một nghiên cứu tổng hợp mới đây cho thấy, dùng thuốc uống Steroid để chữa mất mùi là không hiệu quả. Ngoài ra, hội miễn dịch dị ứng châu Âu cũng khuyến cáo không nên dùng Steroid để điều trị mất mùi.

Thay vào đó, PGS Huỳnh cho biết, người bệnh có thể chữa trị, phục hồi chức năng thần kinh khứu giác bằng các bài tập đơn giản. Dùng trí nhớ não bộ kết hợp với các mùi quen thuộc để giúp cơ thể học lại cách ngửi mùi. Chuyên gia này lưu ý, các tế bào thần kinh khứu giác vẫn chưa bị tổn thương do Covid-19. Do đó, người bệnh có thể phục hồi nhanh dù tập từ từ.

Trước hết, bệnh nhân có thể học ngửi 4 - 6 mùi mỗi ngày. Mỗi lần đưa lên mũi ngửi từ 20 - 30 giây. Sau đó, mọi người có thể nhắm mắt, nhớ lại mùi này trước kia thơm hay khó chịu thế nào.

Chuyên gia khuyến cáo người bệnh bắt đầu bằng các mùi đơn giản, quen thuộc, như: Mùi nước hoa, kem cạo râu... Sau đó là các mùi khó chịu như mùi nước tiểu hay mắm tôm. Lặp lại bài tập nhiều lần trong ngày và tập ngay khi mới bắt đầu mất mùi sẽ giúp phục hồi khứu giác nhanh hơn.

Trong khi đó, các tế bào vị giác có nhiều tế bào hỗ trợ và bảo vệ, nhiều mạng lưới mạch máu thần kinh. Đồng thời, ít bị tổn thương hơn tế bào khứu giác. Vì vậy, bệnh nhân Covid-19 thường bị mất mùi trước khi mất vị. Chuyên gia gợi ý, người bệnh có thể áp dụng bài tập tương tự như cách lấy lại mùi: Nếm đồ ăn và nhớ lại vị trước kia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.