Vì sao ngủ nhiều vẫn buồn ngủ?

GD&TĐ - Chứng rối loạn giấc ngủ mà trước đây các nhà khoa học tin là hiếm gặp có thể phổ biến hơn so với suy nghĩ ban đầu.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến hơn so với giả định chung.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến hơn so với giả định chung.

Tình trạng này được biểu hiện bằng cảm giác buồn ngủ vào ban ngày mặc dù đã có một đêm ngon giấc.

Dễ dàng ngủ gật

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu giấc ngủ của gần 800 người và phát hiện ra rằng, 1,5% trong số này có thể mắc chứng mất ngủ vô căn. Đây là một tình trạng suy nhược thần kinh khiến mọi người cảm thấy cần ngủ quá mức, đồng thời khiến người ngủ nhiều, nhưng vẫn cảm thấy buồn ngủ suốt cả ngày.

1,5% đó tương đương với 12 người tham gia nghiên cứu. Đây là một tỷ lệ cao hơn đáng kể so với các nghiên cứu trước đây đề xuất. Chẳng hạn, ước tính có khoảng 37 người trên 100 nghìn người được chẩn đoán mắc bệnh này ở Mỹ vào năm 2021 - tương đương 0,037% dân số.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể chưa được nhận biết do thiếu nhận thức. Tiến sĩ David Plante - đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư tâm thần học tại Trường Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho biết, tình trạng này chỉ được phát hiện khi kiểm tra giấc ngủ một cách kỹ lưỡng.

Những nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Thần kinh học, có thể giúp nâng cao nhận thức về chứng rối loạn giấc ngủ. Tiến sĩ Plante chia sẻ: “Kết quả của chúng tôi chứng minh rằng, chứng mất ngủ vô căn là tương đối phổ biến. Vì vậy, có thể có sự khác biệt lớn giữa số người mắc chứng rối loạn này và số người tìm cách điều trị. Cần có những nỗ lực hơn nữa để xác định, chẩn đoán và điều trị cho những người bị suy giảm chứng mất ngủ vô căn”.

Tiến sĩ Plante và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu về kiểu ngủ của 792 người từ nghiên cứu Wisconsin Sleep Cohort đang diễn ra. Họ đồng thời nghiên cứu các rối loạn giấc ngủ ở 1.500 người tại Wisconsin, cũng như xem xét dữ liệu từ hai loại xét nghiệm trong phòng thí nghiệm mà các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán chứng mất ngủ vô căn.

Nhóm đã đo đa giấc ngủ. Trong đó, các chức năng cơ thể như hoạt động của não và nhịp tim được đo trong khi ngủ. Người tham gia cũng cần thực hiện bài kiểm tra độ trễ khi ngủ nhiều lần. Qua đó, nhằm đánh giá tốc độ ngủ trong những giấc ngủ ngắn ban ngày.

Các nhà nghiên cứu cũng hỏi người tham gia những câu như họ cảm thấy mệt mỏi thế nào trong ngày, ngủ trưa bao lâu và thường ngủ bao lâu vào ban đêm, cả khi họ làm việc vào ngày hôm sau và khi không làm việc.

Dựa trên những dữ liệu này và sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán hiện tại đối với chứng mất ngủ vô căn, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng, 12 người có thể mắc phải tình trạng này. Những người này thường cảm thấy buồn ngủ trầm trọng hơn vào ban ngày, ngay cả khi họ ngủ trong cùng một khoảng thời gian hoặc lâu hơn những người khác.

Trung bình, những người này ngủ nhanh hơn khoảng chín phút vào ban đêm và nhanh hơn sáu phút vào ban ngày so với những người được cho là không mắc bệnh. Họ cũng đạt điểm cao hơn trong một cuộc khảo sát về cơn buồn ngủ, bao gồm các câu hỏi về khả năng ngủ gật khi ngồi hoặc nói chuyện.

Trung bình, những người mà các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng mắc chứng mất ngủ vô căn đạt được khoảng 14 điểm trong cuộc khảo sát. Trong khi đó, số điểm ở những người không mắc bệnh này là 9. Điểm dưới 10 thường có nghĩa là buồn ngủ ở mức độ trung bình trong ngày.

Nhiều người thường xuyên buồn ngủ dù đã có một đêm ngon giấc.

Nhiều người thường xuyên buồn ngủ dù đã có một đêm ngon giấc.

Các triệu chứng mãn tính

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về tình trạng buồn ngủ ban ngày của 10 trong số 12 người mắc chứng mất ngủ vô căn. Nhóm phát hiện ra rằng, hầu hết 10 người này đã trải qua tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức trong khoảng 12 năm.

Điều đó đồng nghĩa rằng, các triệu chứng của họ là mãn tính. Nhưng nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, cơn buồn ngủ này cuối cùng đã biến mất ở 4 trong số 10 người. Theo TS Plante, điều đó cho thấy tình trạng rối loạn giấc ngủ đôi khi có thể thuyên giảm.

Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu điều gì dẫn đến sự thuyên giảm tình trạng rối loạn ở những trường hợp này, và xác nhận các phát hiện ban đầu về mức độ phổ biến tiềm ẩn của chứng mất ngủ vô căn, cũng như điều tra kiểu ngủ ở nhiều người hơn. Ví dụ, nghiên cứu chỉ xem xét những người đang làm việc. Tuy nhiên, những người mắc chứng mất ngủ vô căn đôi khi có thể gặp khó khăn trong việc tìm hoặc duy trì việc làm.

Tiến sĩ Plante cho biết: “Nghiên cứu bổ sung cũng có thể làm rõ nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ vô căn và dẫn đến các phương pháp điều trị mới”. Các phương pháp điều trị hiện tại chỉ làm giảm bớt những triệu chứng của tình trạng này thay vì điều trị nguyên nhân cơ bản của nó. Ví dụ, thuốc kích thích có thể được kê đơn để giúp bệnh nhân tỉnh táo trong ngày.

Trước đó, một nghiên cứu cho thấy, những vấn đề về giấc ngủ mà người mắc bệnh tim thường gặp phải có thể xảy ra do tổn thương một nhóm dây thần kinh điều hòa cả tim và não. Bệnh tim có thể làm cản trở quá trình sản xuất hormone ngủ melatonin trong não.

Nguyên nhân là do tổn thương một nhóm dây thần kinh chi phối hoặc liên quan tới hạch giao cảm trên cùng (SCG). Được tìm thấy ở cổ, những dây thần kinh này là một phần của hệ thống thần kinh tự trị, có chức năng điều chỉnh các quá trình không tự nguyện trong cơ thể, chẳng hạn như nhịp thở và nhịp tim.

Các dây thần kinh có nguồn gốc từ SCG kết nối với cả tim và tuyến tùng - cấu trúc não nhỏ chịu trách nhiệm sản xuất melatonin. Do đó, các vấn đề về tim có thể giải thích tại sao cơ chế sản xuất melatonin của cơ thể lại không hoạt động đúng hướng.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chất hoặc phân tử cụ thể có thể liên quan đến chứng ngủ nhiều. Song, họ tin rằng, chất hoặc phân tử này có tương tác với một chất được gọi là axit y-aminobutyric (GABA), chịu trách nhiệm thúc đẩy giấc ngủ trong não bộ. Thuốc an thần được sử dụng trong phẫu thuật cũng hoạt động trên dựa trên GABA để gây mê trong khi phẫu thuật.

Các yếu tố nguy cơ khiến một người có thể phát triển chứng ngủ nhiều bao gồm: Căng thẳng; tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn; tiền sử nhiễm virus; tiền sử chấn thương đầu; tiền sử gia đình mắc chứng ngủ nhiều; tiền sử bệnh trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, rối loạn lưỡng cực, bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.