Vì sao mưa lũ lớn xảy ra dồn dập ở miền Trung?

Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định, dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền nước ta kết hợp với không khí lạnh và gió mùa Đông Bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn là những nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lớn dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Lũ lớn, ngập lụt là do điều kiện địa hình đặc thù của các lưu vực sông ở miền Trung như các sông thường ngắn, có độ dốc lớn do đó thời gian tập trung lũ thường rất nhanh. Ngoài ra, khu vực này có vùng đồng bằng rất nhỏ và hẹp, lại thường bị chắn bởi các roi cát dọc theo bờ biển, do đó làm giảm sự tiêu thoát lũ. Ngập lụt của trận lũ trước chưa giảm hết trận sau đã đến dẫn tới ngập sâu và kéo dài.

“Hiện nay đang trong mùa mưa lũ chính ở khu vực miền Trung, do đó việc xuất hiện mưa, lũ trong giai đoạn này là phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, việc xảy ra mưa với cường độ và tổng lượng lớn, kéo dài đã khiến cho mực nước đỉnh lũ tại nhiều trạm đã vượt giá trị lịch sử trong thời gian qua”, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm đánh giá.

Tiến sĩ Mai Văn Khiêm cho biết, ngay từ đầu năm 2020, trên cơ sở phân tích diễn biến khí quyển, đại dương toàn cầu và khu vực, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có bản tin đặc biệt nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Bắt đầu từ giữa năm 2020, trong các bản tin dự báo mùa (phát hành tháng 5 và tháng 6/2020) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã bắt đầu đưa ra những nhận định đầu tiên về một mùa bão dồn dập vào cuối năm, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ. Trong tháng 10, Trung tâm đã liên tiếp đưa ra các bản tin dự báo tình hình mưa rất lớn và kéo dài ở Trung Bộ. Trong các bản tin dự báo, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được cảnh báo ở cấp độ 2-3.

Mưa lũ, sạt lở đất từ ngày 6/10 đến ngày 25/10 tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm 130 người chết, 18 người mất tích. Trong đó, 3 tỉnh có số người chết nhiều nhất là: Quảng Trị 50 người, Thừa Thiên Huế 31 người, Quảng Bình 19 người.

Mưa lũ, sạt lở đất từ ngày 6/10 đến ngày 25/10 tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm 130 người chết, 18 người mất tích. Trong đó, 3 tỉnh có số người chết nhiều nhất là: Quảng Trị 50 người, Thừa Thiên Huế 31 người, Quảng Bình 19 người.

Đặc biệt, trong bản tin cảnh báo ngày 15/10, Trung tâm đã nhận định sẽ xuất hiện đợt lũ lớn và đặc biệt lớn, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Bản tin ngày 18/10 nhận định tình hình rất khẩn cấp, Trung tâm đã nâng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét và sạt lở lên cấp 4. Các dự báo sát với thực tế, là kết quả của việc đầu tư vươn tầm quốc tế của nhà nước cho ngành Khí tượng thủy văn.

Với tư cách là thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong các đợt thiên tai gần đây, Ban Chỉ đạo cũng triển khai nhiều hình thức truyền tin mới như nhắn tin chủ động tới các thuê bao trong vùng cảnh báo nguy hiểm của thiên tai, đưa ra các cảnh báo sớm tới các địa phương.

“Có thể nói, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Ngay cả các nước tiến tiến trên thế giới cũng thường xuyên chịu thiệt hại về người và của do thiên tai trong những năm gần đây và chúng ta cũng đã có những chia sẻ thiệt hại với các nước... Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục có sự phối hợp, hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân trong mọi tình huống thiên tai có khả năng đe dọa tới tới tính mạng và tài sản của người dân để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai”, ông Mai Văn Khiêm nói.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện thêm khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung những ngày cuối tháng 10 và trong tháng 11, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn.

Các đợt rét đậm, rét hại có thể xuất hiện sớm hơn trung bình, từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ