Vì sao mắt người có màu xanh lam

GD&TĐ - Nhiều người dân châu Âu có đôi mắt màu xanh lam nhưng đây không phải màu mắt phổ biến trên thế giới. Thực tế, không có mắt màu xanh lam.

Người dân Bắc Âu thường có đôi mắt màu xanh lam đặc trưng.
Người dân Bắc Âu thường có đôi mắt màu xanh lam đặc trưng.

Màu mắt không có thật

Cứ 4 người Mỹ thì một người có đôi mắt màu xanh lam. Ở Anh, cứ 7 người thì có 3 người mắt màu xanh. Tại Hà Lan, cứ 5 người thì 3 người có mắt màu xanh và ở Iceland, tỉ lệ là 3 trên 4.

Ở một số quốc gia, chúng ta có thể thường xuyên bắt gặp những người có đôi mắt màu xanh lam nhưng đây không phải hiện tượng dễ gặp. Màu xanh lam không phải là màu sắc phổ biến trong tự nhiên, ngay cả ở những loài côn trùng, sinh vật biển hay thực vật. Ở động vật có vú, màu xanh lam thậm chí còn hiếm hơn nhưng màu mắt người lại là một câu chuyện khác.

Ông Gary Heiting, bác sĩ nhãn khoa tại trung tâm chăm sóc sức khỏe mắt All About Vision, Mỹ, khẳng định không có màu mắt xanh lam. Màu mắt phụ thuộc vào số lượng sắc tố melanin trong mống mắt.

Trên thực tế, sắc tố melanin duy nhất là màu nâu, không có màu hạt dẻ hoặc màu xanh lá cây, màu xanh lam. Nhưng số lượng melanin trong mống mắt là khác nhau nên khi ánh sáng đi vào mắt sẽ cho ra những màu sắc khác nhau.

Cụ thể, ánh sáng đi vào giác mạc là ánh sáng trắng hoặc ánh sáng khả kiến chứa phổ màu cầu vồng từ xanh lam đến đỏ. Khi ánh sáng đi qua mống mắt, ánh sáng xanh lam sẽ tán xạ nhiều hơn các màu khác nên nó bị phản xạ trở lại.

Nếu trong mống mắt có ít hạt sắc tố melanin thì chúng ta sẽ thấy đôi mắt người có màu xanh lam. Ngược lại, nếu hạt sắc tố melanin trong mắt nhiều, chúng ta sẽ thấy màu nâu hoặc đen.

Các màu khác trong ánh sáng, đặc biệt là màu đỏ, ít tán xạ hơn và đi vào mống mắt giữa các sợi, chất nhờn và tế bào. Nhìn chung, màu mắt là kết quả của sự tán xạ một số màu sắc dưới ánh sáng và phụ thuộc vào số lượng melanin có trong mống mắt. Mắt nâu có lượng melanin cao nhất và mắt xanh lam có ít nhất.

Đôi mắt màu xanh lam được ví như bầu trời. Ánh sáng Mặt trời chiếu tới bầu khí quyển của Trái đất là ánh sáng khả kiến gồm dải 7 màu từ xanh lam đến đỏ. Trong đó, ánh sáng xanh bị tán xạ nhiều hơn so với các màu khác nên chúng ta nhìn thấy bầu trời màu xanh lam.

Theo các nhà nghiên cứu, con người sinh ra vốn đã có nhiều melanin trong mống mắt và việc mắt màu xanh lam là kết quả của quá trình tiến hóa. Cụ thể, đột biến di truyền đã ảnh hưởng đến gen OCA2 trong nhiễm sắc thể của một số người, tạo ra gen HERC2. Gen này ức chế quá trình gen OCA2 tạo ra melanin trong mống mắt khiến số lượng melanin bị giảm, làm mắt chuyển từ màu nâu sang màu xanh lam.

vi sao mat nguoi co mau xanh lam.jpg
Nhiều em bé khi sinh ra có đôi mắt màu xanh lam.

Màu mắt không di truyền

Các nhà khoa học lưu ý màu mắt thường không di truyền. Màu mắt bị ảnh hưởng bởi 16 gen khác nhau nên số lượng melanin trong mống mắt của mỗi người là khác nhau và ít di truyền từ đời này sang đời khác. Do đó, những cặp vợ chồng có đôi mắt màu xanh lam chưa chắc sẽ đẻ con có màu mắt tương tự.

Đơn cử, Hoàng tử Anh William và vợ, Kate Middleton, đều có đôi mắt màu xanh lá. Con gái họ, Công chúa Charlotte, có đôi mắt màu xanh lá nhưng anh trai cô bé, Hoàng tử George, lại có đôi mắt màu nâu thẫm.

Ngoài ra, không phải ai cũng sẽ mang đôi mắt màu xanh lam suốt đời. Một số em bé mới sinh có đôi mắt màu xanh lam do lượng sắc tố melanin trong mống mắt chưa đầy đủ như người trưởng thành nhưng nếu melanin tiếp tục được sản xuất, đôi mắt của đứa trẻ sẽ dần dần chuyển sang màu nâu hoặc đen.

Melanin trong mống mắt không chỉ quyết định màu mắt, mà còn giúp bảo vệ mặt sau của mắt khỏi những tổn thương do bức xạ của tia cực tím. Vì mắt màu xanh lam có ít melanin hơn các màu mắt khác nên những người sở hữu màu mắt này có thể nhạy cảm với tia cực tím và ánh sáng xanh lam hơn. Do đó, hầu hết những người có mắt màu xanh lam đều được bác sĩ khuyên nên thận trọng khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời.

Dù vậy, hiện nay chưa có lý giải chính xác vì sao người dân châu Âu, đặc biệt là những người có nguồn gốc Bắc Âu, lại có đôi mắt xanh lam phổ biến hơn người dân ở những châu lục khác. Ngoài lý do về gen HERC2, có giả thuyết cho rằng màu mắt xanh là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên trong môi trường ít ánh sáng Mặt trời. Những người có màu mắt sáng như xanh lá, xanh lam có thể hấp thụ ánh sáng tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.

Ngoài ra, nguyên nhân có thể kể đến là tính đặc trưng vùng miền. Màu mắt xanh lam thường phổ biến hơn ở khu vực Bắc Âu do sự kết hợp của yếu tố di truyền trong cộng đồng qua hàng nghìn năm. Cần lưu ý rằng, hồi năm 2006, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch xương người sống cách đây 7 nghìn năm tại phía Tây Bắc Tây Ban Nha. Trích xuất ADN để giải trình tự bộ gen của hóa thạch này cho thấy người châu Âu cổ đại có mắt màu xanh, tóc đen và da nâu sẫm.

Đôi mắt màu xanh không phải một món quà đặc biệt từ thiên nhiên. Như GS Hans Eiberg, Khoa Y học Tế bào và Phân tử, Đại học Copenhagen, Đan Mạch nhận xét, đôi mắt màu xanh lam cho thấy thiên nhiên còn rất nhiều bí ẩn. Thiên nhiên liên tục xáo trộn bộ gen của con người, tạo ra những nhiễm sắc thể mới và những thay đổi trong cơ thể con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.