Vì sao không nên áp đặt con?

GD&TĐ - Không ít gia đình áp đặt con từ những vấn đề nhỏ nhất. Trẻ không được quyền ra quyết định dù là món ăn mình thích, hay quần áo mình muốn mặc.

Khi cha mẹ áp đặt quá mức, trẻ có thể cảm thấy mặc cảm. Ảnh minh họa: ITN
Khi cha mẹ áp đặt quá mức, trẻ có thể cảm thấy mặc cảm. Ảnh minh họa: ITN

Việc cha mẹ áp đặt con quá mức cũng có thể làm mất đi sự tự tin của con; Đồng thời, khiến con cảm thấy thiếu lòng tin vào khả năng của bản thân.

Những hậu quả nghiêm trọng

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn đảm bảo sự an toàn cho con. Có lẽ vì vậy, cha mẹ tin rằng một vài nguyên tắc và luật lệ cần tuân thủ sẽ đảm bảo con có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh đã trở nên áp đặt quá mức khi yêu cầu trẻ phải tuân theo mọi yêu cầu mình đưa ra.

Thực tế, việc cha mẹ áp đặt và gây áp lực cho con quá mức có thể phản tác dụng. Đồng thời, có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Trần Hà Linh (học sinh lớp 8 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, bố mẹ luôn mong muốn em được vào một trường THPT chuyên. Để đạt được ước muốn đó, bố mẹ cho em ôn thi những môn học mà bản thân không hề yêu thích.

Vì vậy, Hà Linh luôn cảm thấy rất áp lực khi phải học những môn như thế. Song, vì bố mẹ em cho rằng, nếu đỗ vào trường chuyên, em sẽ có cơ hội học tập tốt để trở thành kỹ sư theo mong ước bấy lâu. Vì thế, Hà Linh đành phải chấp nhận.

Cùng tình cảnh như Hà Linh, Đỗ Huy Anh (học sinh lớp 9 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ước mơ của em là trở thành đầu bếp. Tuy nhiên, bố mẹ cho rằng, phải học kế toán, tài chính… thì mới có nhiều cơ hội việc làm tốt, lương cao. Do vậy, bằng mọi giá, bố mẹ bắt Huy Anh theo học kế toán trong tương lai.

Tuy nhiên, nam sinh chia sẻ, em cảm thấy mất hết hứng thú với học tập vì không được làm những điều mình thích.

Trường hợp của Hà Linh và Huy Anh không phải là hiếm. Thậm chí, không ít gia đình áp đặt con từ những vấn đề nhỏ nhất, kể cả trong suy nghĩ. Trẻ không được quyền ra quyết định dù chỉ là với món ăn mình thích, hay quần áo mình muốn mặc.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS Khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh - Chủ tịch HĐQT Học viện Minh Trí Thành cho biết, trong quá trình dạy con, việc cha mẹ áp đặt quá mức có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, khi cha mẹ áp đặt quá mức, trẻ có thể cảm thấy mặc cảm vì phải sống dưới những kỳ vọng và ý kiến của người khác. Việc cha mẹ không lắng nghe và hiểu những mong muốn thực sự của con cũng khiến trẻ cảm thấy bị lạc lõng và không được quan tâm. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm tới những gì con đang trải qua. Ảnh minh họa: ITN.

Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm tới những gì con đang trải qua. Ảnh minh họa: ITN.

Ngoài ra, việc cha mẹ áp đặt còn khiến trẻ khó có thể tự do bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên. Trẻ có thể sẽ che giấu những cảm xúc thật để tránh bị đánh giá hoặc phê phán.

Điều này sẽ tạo ra một bức tường tâm lý giữa cha mẹ và con. Từ đó, khiến mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng và xa cách.

Lâu dần, mỗi khi gặp khó khăn hoặc mắc sai lầm, trẻ sẽ cảm thấy lo sợ và tự nhận thấy mình kém cỏi. Thái độ độc đoán của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến tư duy của trẻ. Điều này có thể làm hạn chế khả năng tự do lựa chọn và đưa ra quyết định của trẻ.

Kết quả là, trẻ có thể trở nên phụ thuộc vào người khác, thiếu lòng tin vào bản thân và cảm thấy bất an khi phải đối mặt với các thử thách trong cuộc sống. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tương lai của trẻ, hạn chế sự phát triển cá nhân và khả năng thích nghi trong xã hội.

“Kỹ năng tương tác xã hội thường được hình thành thông qua các kinh nghiệm hằng ngày. Nếu cha mẹ luôn áp đặt trong các tình huống xã hội, con sẽ không được học cách tương tác và giải quyết vấn đề”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết.

Bên cạnh đó, việc bị áp đặt quá mức còn có thể hạn chế trẻ tự khám phá bản thân, tự tìm hiểu sở thích và cá nhân hóa các mối quan hệ xã hội. Khi không có không gian để thể hiện bản thân, trẻ có thể cảm thấy không thoải mái và khó đồng thuận với người khác.

Trẻ bị cha mẹ áp đặt quá mức cũng có thể đối mặt với các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn nhân cách… Những rối loạn này có thể gây trở ngại cho quá trình học tập, ảnh hưởng đến lối sống lành mạnh và tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Kết quả là chất lượng cuộc sống của trẻ sẽ bị giảm đáng kể.

Vì sao không nên áp đặt con? ảnh 2

Thay vì áp đặt, cha mẹ nên thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu và ý kiến của con. Ảnh minh họa: ITN.

Cân bằng sự tự do và trách nhiệm

Do đó, để tránh việc áp đặt quá mức khi nuôi dạy con, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho rằng, cha mẹ cần lắng nghe và ghi nhận cảm xúc của con. Đồng thời, nên tạo không gian cho con thể hiện ý kiến và cảm xúc của mình một cách tự do. Hãy lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng mà trẻ muốn chia sẻ. Bởi, ghi nhận cảm xúc của trẻ cũng là một cách để xây dựng mối quan hệ yêu thương, thấu hiểu giữa cha mẹ và con, đồng thời trẻ sẽ cảm thấy được quan tâm và tôn trọng. Điều này sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phát triển của trẻ trong tương lai.

“Thay vì gây áp lực cho con, cha mẹ nên đề ra những nguyên tắc rõ ràng và giải thích tại sao lại có những nguyên tắc đó. Khi hiểu rõ những quy tắc của cha mẹ, con sẽ tự động tuân thủ và sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về các quyết định trong cuộc sống”, ThS Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.

Ngoài ra, trong trường hợp trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên cảnh báo trước khi đưa ra hình phạt. Điều này có nghĩa là thông báo cho trẻ biết về hậu quả hoặc hình phạt mà con sẽ phải chịu nếu không tự giác thay đổi hành vi của mình. Bằng cách này, trẻ sẽ có cơ hội tự điều chỉnh và thay đổi hành vi một cách tích cực. Điều này cũng giúp trẻ phát triển ý thức về trách nhiệm và học cách đối diện với hậu quả về hành động của mình.

Nếu trẻ không tuân thủ lời cảnh báo và tiếp tục vi phạm, cha mẹ nên thực hiện hình phạt như đã thông báo trước. Việc thực hiện hình phạt theo lời cảnh báo giúp trẻ nhận ra rằng, cha mẹ nói là làm và tạo ra sự đồng nhất trong việc áp dụng quy tắc.

Tuy nhiên, phụ huynh cần đảm bảo rằng, hình phạt vẫn phù hợp với tình huống và không gây tổn thương về cảm xúc.

Theo chuyên gia này, thay vì áp đặt, cha mẹ nên thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu và ý kiến của con mỗi khi phải đưa ra một quyết định hoặc lựa chọn quan trọng. Đây cũng là một cách để thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với con.

Nếu có sự khác biệt trong ý kiến giữa cha mẹ và con, hãy thương thảo và tìm cách đạt được sự đồng thuận. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về quyết định của cha mẹ. Đồng thời, cũng giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về quan điểm cũng như suy nghĩ của con.

Cha mẹ cũng nên trao phần thưởng mỗi khi con làm tốt. Những phần thưởng này không nhất thiết phải là vật chất mà có thể là lời khen hoặc lời động viên tích cực để giúp trẻ định hướng hành vi đúng đắn.

Bên cạnh đó, việc cho phép con có sự lựa chọn là một cách hiệu quả để trẻ phát triển khả năng ra quyết định và tự quản lý. Khi được tự lựa chọn, trẻ sẽ cảm nhận sự quan tâm và tôn trọng từ cha mẹ. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng quan trọng như tư duy logic, trách nhiệm và khả năng đối diện với các tình huống thay đổi.

Bên cạnh đó, cân bằng sự tự do và trách nhiệm của trẻ là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy và hỗ trợ con phát triển một cách toàn diện.

Khi cha mẹ tạo ra một môi trường cân bằng giữa sự tự do và trách nhiệm, trẻ sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng tự quản lý. Trẻ cũng sẽ học được cách chịu trách nhiệm với các hành động và quyết định của mình.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ không nên làm con khó xử hay chỉ trích quá mức. Thay vào đó, hãy tận dụng cơ hội này để giúp trẻ hiểu rõ hơn về lý do tại sao hành vi đó là không tốt.

Cha mẹ cũng nên cung cấp cho trẻ những bài học để rút ra từ sai lầm. Khi cha mẹ hỗ trợ con nhìn nhận sai lầm như là cơ hội để học hỏi, trẻ sẽ phát triển một tư duy tích cực và linh hoạt trong việc đối mặt với cuộc sống.

Một yếu tố quan trọng khác là phụ huynh cần duy trì mối quan hệ lành mạnh với con. Duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con đòi hỏi sự cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Thay vì chỉ ra lệnh và muốn con làm theo ý mình, cha mẹ cần tự trở thành tấm gương tốt để trẻ học và noi theo.

“Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm tới những gì con đang trải qua. Bằng cách này, con sẽ cảm thấy yêu thương và chấp nhận, giúp tự tin về bản thân hơn. Điều này cũng giúp con cảm nhận được sự gắn kết với cha mẹ, khiến mối quan hệ gia đình trở nên tốt hơn”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Mikhail Bogdanov.

Tiết lộ cuộc thảo luận Moscow với HTS

GD&TĐ -Các nhà ngoại giao Nga tại Damascus đã gặp đại diện của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm đối lập đã nắm quyền ở Syria, để thảo luận một số vấn đề.