Vì sao hơn 5.000 công nhân ở Nghệ An đình công?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau nhiều lần đối thoại, hơn 5.000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) vẫn tiếp tục đình công vì chưa tìm được tiếng nói chung.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nói chuyện với công nhân vào sáng 4/10. Ảnh: Diệu Hoa
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nói chuyện với công nhân vào sáng 4/10. Ảnh: Diệu Hoa

Kêu gọi công nhân trở lại làm việc

Sau 4 ngày đình công, đến chiều 5/10, hơn 5.000 người lao động của Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) vẫn chưa đi làm trở lại.

Trước đó, sau bữa cơm trưa 2/10, hơn 5.000 công nhân của Công ty Viet Glory không vào làm việc mà tập trung đòi quyền lợi. Nắm được thông tin, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp, cùng chính quyền huyện Diễn Châu có mặt để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Cụ thể, công nhân yêu cầu tăng lương cơ bản; lời nói, hành động của cán bộ cần thực hiện đúng chuẩn mực giao tiếp. Công nhân nữ mang thai từ tháng thứ 7 trở lên được về sớm hơn một giờ.

Ngoài ra, người lao động cũng đề nghị công ty kiểm tra lại máy chấm công. Nếu công nhân đi làm bình thường có chấm công nhưng không có dữ liệu chấm công thì phải xem xét bổ sung giờ chấm công cho công nhân, không được ghi cảnh cáo.

Theo các công nhân, phía công ty yêu cầu họp quá nhiều. Do đó, người lao động đề nghị công ty điều chỉnh lại giờ họp trong khoảng thời gian làm việc, ngoài giờ tan ca không được phép đề xuất họp.

Hiện tại sản lượng mục tiêu của nhà máy cao, công nhân đề nghị phía công ty điều chỉnh lại sản lượng cho phù hợp.

Ngoài ra, công nhân đề nghị công ty tính thưởng tháng 13 theo thời gian làm việc thực tế, không được khấu trừ theo thời gian nghỉ phép. Đồng thời yêu cầu tăng số lượng công nhân hưởng độc hại, nặng nhọc và tăng phụ cấp độc hại, nặng nhọc.

Một nữ công nhân cho biết, ngoài 8 vấn đề nêu trong bản kiến nghị gửi lãnh đạo công ty ngày 2/10, người lao động muốn thương lượng tăng thêm các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, thâm niên làm việc.

“Bộ phận phun keo giày da đang làm thủ công. Với những người chưa thi tay nghề, công việc hàng ngày vất vả nhưng không được hưởng tiền nặng nhọc. Tôi mong các cấp kiến nghị để công nhân được hưởng khoản này”, nữ công nhân nói.

Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, Ban lãnh đạo Công ty Viet Glory đã có văn bản thông báo gửi cho người lao động. Theo đó, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp không thể điều chỉnh tăng mức lương cơ bản.

Lý do lương tối thiểu vùng III Diễn Châu là hơn 3,6 triệu đồng, trong khi mức lương hiện tại hơn 4,1 triệu đồng, phù hợp với quy định pháp luật. Phía công ty mong cán bộ công nhân viên thông cảm và chia sẻ.

Một số kiến nghị liên quan đến thái độ làm việc của cán bộ quản lý, máy chấm công, chế độ họp... đã được công ty tiếp thu và điều chỉnh.

Doanh nghiệp này cũng quyết định tăng mức thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà máy để đảm bảo thu nhập cho người lao động và phù hợp với tình hình hiện tại.

Trong khi đó, 2 kiến nghị liên quan đến việc tăng số lượng người được tính độc hại, tăng phụ cấp độc hại và thưởng tháng 13 được lãnh đạo công ty hứa sẽ xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Không đồng tình với thông báo của công ty, từ ngày 3 đến 5/10, hàng nghìn người lao động của Công ty Viet Glory tiếp tục đình công. Từ sáng sớm, các công nhân tập trung trước cổng nhà máy, đến khoảng 8 giờ thì ra về, không vào sản xuất.

Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory đình công đòi quyền lợi. Ảnh: Diệu Hoa

Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory đình công đòi quyền lợi. Ảnh: Diệu Hoa

Đình công gây thiệt hại cả đôi bên

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết, Công đoàn đang kêu gọi công nhân sớm trở lại làm việc để duy trì thu nhập. Bởi vì, nếu nghỉ việc quá 5 ngày cho phép, doanh nghiệp sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng thì người lao động sẽ thiệt thòi, cơ quan chức năng khó bảo vệ.

Trong khi đó, đa phần công nhân của Công ty Viet Glory là chị em phụ nữ, trong đó có nhiều người có gia đình, phải nuôi con cái ăn học. Việc công nhân nghỉ việc trong thời gian dài làm mất đi nguồn thu nhập của gia đình, làm nghiêm trọng thêm tình hình.

Bên cạnh đó, công ty cũng phải chịu nhiều thiệt hại khi các đơn hàng ký kết với đối tác không thực hiện đúng tiến độ. Làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của địa phương.

Theo ông Công, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã làm việc với đại diện các dây chuyền, gửi 8 ý kiến đề nghị tăng lương, điều chỉnh mức khoán sản lượng... của công nhân lên Ban lãnh đạo Công ty Viet Glory.

Doanh nghiệp đã có văn bản trả lời, tuy nhiên đến nay người lao động vẫn chưa phản hồi rằng giải quyết như vậy được hay chưa. Do vậy, LĐLĐ và chính quyền rất muốn lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh sẽ đề nghị UBND huyện Diễn Châu thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện việc sử dụng lao động của Công ty Viet Glory để trả lời thỏa đáng cho người lao động. Khi có kết luận, nếu phía doanh nghiệp làm sai thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu sửa đổi.

Theo một lãnh đạo địa phương, tổng thu nhập trung bình của công nhân tại nhà máy Viet Glory (bao gồm lương, tăng ca và phụ cấp…) mỗi tháng từ 6 triệu đồng trở lên. Đây là mức lương chấp nhận được so với mặt bằng lương chung ở một huyện nông thôn như Diễn Châu.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, việc công nhân có các kiến nghị tăng lương là quyền lợi chính đáng. Cơ quan chức năng cũng đã đối thoại và mong muốn công ty giải quyết các kiến nghị để công nhân sớm quay trở lại làm việc.

“Công ty TNHH Viet Glory hoạt động từ năm 2019 với 100% vốn nước ngoài. Doanh nghiệp này có hơn 5.000 công nhân, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu. Đây không phải lần đầu tiên người lao động tại Viet Glory đình công. Trước đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 và 2022, hàng nghìn công nhân tại đây cũng đình công đòi tăng lương, tăng phúc lợi. Ban lãnh đạo công ty sau đó phải đồng ý tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, tăng trợ cấp xăng xe, tiền ăn…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.