Vì sao gần 200 tàu chở khách lòng hồ Hòa Bình nằm im?

GD&TĐ - Cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình vừa 'tuýt còi' 63% tổng số tàu, thuyền thường xuyên vận hành trên lòng hồ Hòa Bình vì không đủ điều kiện hoạt động.

Hành khách đang lên thuyền khách du Xuân lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình.
Hành khách đang lên thuyền khách du Xuân lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình.

Tổng kiểm tra phương tiện đường thủy

Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân trên lòng hồ Hoà Bình rất lớn, nhất là từ khoảng 8 giờ - 10 giờ hàng ngày và gia tăng vào dịp cuối tuần. Số phương tiện bảo đảm điều kiện theo quy định hiện hành không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Để bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch, chở khách trên lòng hồ Hòa Bình, ngày 31/1, cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình đã ra quân tổng kiểm tra các phương tiện đường thủy.

Quá trình kiểm tra, xác định có 169/267 tàu (63%) chở khách trong khu vực lòng hồ chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ tàu và các đơn vị liên quan kiên quyết không cho các tàu chưa đủ điều kiện được xuất bến.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái (Sở GTVT tỉnh Hoà Bình) cho biết: Quá trình kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện 3 phương tiện thủy nội địa tự ý cập bến vào trả khách tại khu vực bến Tiến Anh.

Trong đó, 2 phương tiện không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đăng ký; 1 phương tiện có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hiệu lực.

Cũng tại bến Tiến Anh, tổ công tác phối hợp kiểm soát 26 phương tiện xuất bến, kết quả: 5 phương tiện có Giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa theo quy định; 2 phương tiện trọng tải đến 12 khách có giấy đăng ký, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực; 19 phương tiện không có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa.

Tại khu vực bến dân sinh thuộc xã Thung Nai (bến Vinasin) có 14 phương tiện tự ý xếp khách, xuất bến trái phép. Toàn bộ các phương tiện xuất bến trái phép đều được lực lượng trên bờ thông báo kịp thời tới lực lượng Cảnh sát đường thủy ngoài luồng tuyến để có biện pháp phối hợp ngăn chặn, xử lý.

Theo bà Hiền, lực lượng làm nhiệm vụ đã lập biên bản làm việc ghi nhận hiện trạng, yêu cầu đại diện chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết chỉ được đưa phương tiện tham gia kinh doanh vận tải khách khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt gần 170 tàu, thuyền chở khách không đảm bảo điều kiện về đăng ký, đăng kiểm.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt gần 170 tàu, thuyền chở khách không đảm bảo điều kiện về đăng ký, đăng kiểm.

Cần các giải pháp an toàn…

“Có sự chênh lệch khá cao trong tiêu chuẩn các phương tiện thủy nội địa giữa các vùng miền. Vì vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các cảng, bến thủy nội địa trên khu vực Hồ Hòa Bình chủ yếu hoạt động tự phát, chưa được công bố, đưa vào hoạt động (mặc dù đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn, đề nghị làm thủ tục công bố bến theo quy định) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, ảnh hưởng đến an toàn đường thủy nội địa”, ông Bùi Đức Hậu nói.

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hoà Bình cho biết: Hiện nay, các phương tiện thủy hoạt động vận tải hành khách trên lòng hồ Hòa Bình (thuộc tuyến sông Đà) là tuyến đường thủy nội địa quốc gia chưa được cấp đăng ký.

Hơn 60% số phương tiện hiện chưa được cấp Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đã hết hạn hoạt động chưa được cấp lại. Phần lớn các phương tiện này hoạt động trên luồng nhánh Bình Thanh.

Theo ông Hậu, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 1 trạm bờ AIS (tại trụ sở đội Thanh tra - An toàn số 9 - Âu Cơ, Hòa Bình) và chưa lắp đặt trạm VHF. Tuy nhiên, hệ thống các trạm bờ AIS và phần mềm nghiệp vụ thu nhận tín hiệu, quản lý hiện trạng AIS của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý, do một số khó khăn nên đã tạm dừng hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu TNGT và tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy, Sở GTVT Hòa Bình đã trình UBND tỉnh đề xuất với Bộ GTVT một số nội dung.

Trong đó, tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, Cảng vụ Đường thủy khu vực II hỗ trợ quản lý đối với các bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa, đặc biệt đối với tuyến nhánh Bình Thanh cho đến khi tỉnh Hòa Bình bố trí được biên chế và có đơn vị cảng vụ trực thuộc để quản lý.

Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT hỗ trợ, thường xuyên kiểm tra hoạt động của cảng, bến, phương tiện thủy nội địa trên hồ Hòa Bình; đình chỉ hoạt động các cảng, bến không đủ điều kiện an toàn.

Chỉ cấp giấy phép ra vào bến cho các phương tiện có đủ điều kiện theo quy định. Kiên quyết không để các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm đón khách và vận chuyển khách du lịch trên hồ Hòa Bình...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ