Vì sao Evusheld không phải là "siêu vắc-xin" ngừa Covid-19?

GD&TĐ - Evusheld không phải là vắc xin. Thực tế, Evusheld tạo ra hệ miễn dịch thụ động, cơ chế hoạt động giống trẻ em nhận kháng thể từ người mẹ.

Evusheld chưa được cấp phép sử dụng ở nhóm đang điều trị Covid-19.
Evusheld chưa được cấp phép sử dụng ở nhóm đang điều trị Covid-19.

Trong khi đó, vắc xin sinh ra kháng thể để ngăn ngừa virus. Các kháng thể đó được tạo ra từ bên trong chính tế bào của người tiêm vắc-xin.

Evusheld là thuốc

Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông tin khuyến cáo về thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld mới được cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Y tế cho biết, Evusheld là thuốc, không phải vắc-xin. Evusheld không dùng thay thế cho vắc-xin Covid-19 đối với những trường hợp có thể tiêm chủng.

Bản chất, Evusheld gồm 11 liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và 1 liều kháng thể đơn dòng cilgavimab. Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ đánh giá thỏa đáng và sàng lọc chặt chẽ trước khi được xác định là người sử dụng phù hợp. Cũng theo Bộ Y tế, Evusheld được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 2/3.

Qua đó, nhằm đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị Covid-19, đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain...

Theo Bộ Y tế, hiện, Evusheld chưa được cấp phép sử dụng ở nhóm đang điều trị Covid-19, hoặc dự phòng sau phơi nhiễm ở những người đã tiếp xúc với F0. Tại Việt Nam, Evusheld được cấp giấy phép nhập khẩu để sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh. Người bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh thông tin về tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc. Cơ sở chỉ được sử dụng thuốc khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà.

“Như vậy, Evesheld là thuốc, không phải là “siêu vắc-xin”. Không được phép sử dụng Evusheld để dự phòng Covid-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc-xin”, khuyến cáo của Bộ Y tế nêu.

Vắc xin vẫn là lựa chọn hàng đầu

FDA cho phép điều trị dự phòng Covid-19 bằng Evusheld ở người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi, có cân nặng từ 40kg trở lên. Nhóm này gồm những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng do tình trạng sức khỏe hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch; người không đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc-xin, không đủ điều kiện tiêm ngừa do bị ung thư máu hoặc các bệnh ung thư khác đang được hóa trị.

Ngoài ra, FDA khuyến nghị sử dụng Evusheld cho người đang dùng thuốc sau khi cấy ghép nội tạng; người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch do các bệnh tự miễn như xơ cứng bì toàn thể, viêm khớp dạng thấp hoặc người bị phản ứng nghiêm trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19.

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) nhận định, người dân cần hiểu rõ Evusheld là gì, nhóm người nào thực sự cần, khi nào cần, để có lựa chọn đúng đắn. Theo chuyên gia này, điều quan trọng cần nhớ là, các vắc xin Covid-19 vẫn là lựa chọn hàng đầu. Thực tế, chỉ nên lựa chọn Evusheld khi không thể sử dụng bất cứ vắc xin Covid-19 nào hiện nay.

Chuyên gia này dẫn chứng, trang web chuyên về các thông tin ung thư www.cancer.net khẳng định: Evusheld không phải là một thứ có thể thay thế vắc-xin. Vắc-xin là biện pháp tốt nhất để chống lại bệnh Covid-19. Ngoài ra, bản thông báo về việc cấp phép sử dụng cho Evusheld trên trang của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nêu:

Vắc xin đã được chứng minh là biện pháp bảo vệ tốt nhất hiện có để chống lại bệnh Covid-19.

Do đó, TS Vũ khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin “đa chiều” trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Đặc biệt nhất là những quyết định tốn kém hoặc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. TS Vũ giải thích, thông thường, vắc-xin chứa kháng nguyên có thể giúp cơ thể nhận biết virus thật như thế nào.

Tuy nhiên, Evusheld không chứa bất kỳ kháng nguyên nào của virus SARS-CoV-2. Thay vào đó, Evusheld chứa kháng thể để nhận biết virus. Hai kháng thể đó là tixagevimab và cilgavimab. Cả hai kháng thể này tiêm cùng lúc ở hai vị trí khác nhau với thể tích 1,5 ml nên phải tiêm vào vùng cơ lớn để dễ hấp thu. Vị trí tiêm sẽ ở mông.

“Bình thường, virus SARS-CoV-2 sử dụng gai trên bề mặt protein S để tương tác với bề mặt thụ thể trên tế bào của chúng ta. Sự tương tác này giúp virus tấn công vào tế bào. Khi tiêm Evusheld, kháng thể bám lên gai của virus để ngăn cản sự tương tác giữa virus với tế bào của con người. Từ đó, ngăn virus xâm nhiễm vào cơ thể”, chuyên gia giải thích.

Theo TS Vũ, hiệu quả của Evusheld tương tự các loại vắc xin Covid-19 hiện có. Evusheld có tác dụng giúp giảm sự lây nhiễm của virus. Điều đó có thể khiến nhiều người nghĩ Evusheld là “siêu vắc xin”. Tuy nhiên, TS Vũ khẳng định Evusheld không phải là vắc xin.

Thực tế, Evusheld tạo ra hệ miễn dịch thụ động, cơ chế hoạt động giống trẻ em nhận kháng thể từ người mẹ. Trong khi đó, vắc-xin  sinh ra kháng thể để ngăn ngừa virus. Các kháng thể đó được tạo ra từ bên trong chính tế bào của người tiêm vắc xin.

“Kháng thể thụ động từ tiêm Evusheld không tác động tới hai tế bào B và tế bào T trong cơ thể. Đây là hai tế bào tạo hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng ngăn cản virus tấn công cơ thể và gây bệnh nặng hơn. Vì vậy, Evusheld không được coi là vắc xin. Nó hoàn toàn không tác động tới hệ miễn dịch B và T”, chuyên gia lý giải.

Theo TS Vũ, Evusheld được FDA cấp phép khẩn cấp từ tháng 12/2021 với mục tiêu ngăn cản lây nhiễm. Evusheld được khuyến cáo tiêm cho người không mắc virus và những người không tiếp xúc với nguồn lây Covid-19. Evusheld sử dụng trên người suy giảm miễn dịch vừa và nặng như bệnh nhân HIV, người bị ung thư máu, ghép tuy, ghép tạng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ