Vì sao dự án nhà ở nằm 'đắp chiếu hơn 15 năm trên đất vàng' ở Tây Hồ Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dự án Khu nhà ở phường Phú Thượng được UBND TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng sau hơn 15 năm vẫn chưa được triển khai.

Phối cảnh dự án. (Nguồn: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải)
Phối cảnh dự án. (Nguồn: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải)

Dự án Khu nhà ở phường Phú Thượng (ngõ 46, đường Nguyễn Hoàng Tôn, cụm 13, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án - được UBND TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng sau hơn 15 năm vẫn chưa được triển khai.

"Mọc” thêm tầng, căn hộ thương mại… trên giấy

Tài liệu bạn đọc cung cấp cho thấy, ngày 25/9/2003, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 2934 chấp thuận nguyên tắc cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải được lập dự án sử dụng đất theo quy hoạch tại cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Ngày 4/5/2007, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000021 cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải để thực hiện Dự án Khu nhà ở cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Diện tích đất dự kiến sử dụng 11.022m2.

Mục tiêu đầu tư là để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải và góp phần chỉnh trang đô thị.

Dự án có 5.370m2 đất để xây dựng nhà ở, hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất (1.808m2 đất để xây dựng nhà ở có vườn; 3.562m2 đất để xây dựng nhà chung cư cao 11 tầng, còn lại là đất xây dựng nhà trẻ và diện tích đường giao thông nội bộ, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật).

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 146 tỉ đồng (trong đó có vốn tự có của nhà đầu tư và vốn huy động của người mua nhà).

Ngày 21/1/2019, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có Văn bản số 383 chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của dự án với quy mô diện tích đất khoảng 11.276m2 (trong đó đất làm đường quy hoạch khoảng 1.786m2 - khi thực hiện mở đường phải bàn giao lại theo quy định của Nhà nước và thành phố; đất lập dự án khoảng 9.490m2) gồm: Nhà ở chung cư cao tầng, thấp tầng, nhà trẻ và sân vườn hạ tầng kèm theo.

Mục tiêu điều chỉnh nhằm sớm chỉnh trang đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân tái định cư bằng căn hộ chung cư tại chỗ (bố trí 48 căn hộ tái định cư từ tầng 5 đến tầng 8 tại một tháp chung cư của dự án), tăng diện tích sàn xây dựng với chức năng công cộng - thương mại - dịch vụ, tăng số lượng diện tích tầng hầm (3 tầng hầm) để nâng cao hạ tầng kỹ thuật khu vực, qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất phù hợp với quy hoạch khu vực và gia tăng đóng góp vào nghĩa vụ ngân sách thành phố.

Ngày 7/12/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5459 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu nhà ở cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo quyết định điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự kiến lên 1.085,74 tỉ đồng (20% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và 80% vốn vay và huy động hợp pháp khác). Đặc biệt về quy mô dự án được điều chỉnh bao gồm 2 khối nhà cao 33 tầng với 3 tầng hầm chung.

Tổng số 520 căn hộ (472 căn hộ thương mại và khoảng 48 căn hộ dự kiến tái định cư) và 13 lô nhà ở thấp tầng...

Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh từ quý IV/2020 - quý IV/2023.

Phía trong dự án đang được sử dụng làm bãi đỗ xe.

Phía trong dự án đang được sử dụng làm bãi đỗ xe.

Dân không đồng thuận phương án đền bù

Ghi nhận thực tế, hiện nay trong diện tích đất của dự án vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận phương án đền bù, giải phóng mặt bằng nên vẫn tiếp tục sinh sống tại đây.

Một số các hộ dân khác đã chuyển đi, các công trình xây dựng đã được tháo dỡ, một phần đất dự án vẫn được làm bãi trông giữ xe, còn lại là các phần đất trống cỏ mọc um tùm.

Vị trí dự án được các chuyên gia bất động sản đánh giá là “khu đất vàng”. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đến nay vẫn “án binh bất động”. Điều này không những gây lãng phí, mất mỹ quan, mà còn gây bức xúc cho người dân.

Theo phản ánh, nhiều năm qua các hộ dân sinh sống tại tổ 55, cụm 9, phường Phú Thượng, cho rằng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ liên quan đến việc thu hồi đất. Điều này dẫn đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Từ năm 2009, UBND quận Tây Hồ ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân. Song, trên thực tế không phải hộ dân nào cũng nhận được quyết định thu hồi đất.

Đến năm 2022, nhiều hộ dân mới có phương án bồi thường, nhưng áp dụng giá đất để bồi thường từ thời điểm năm 2016.

Cũng theo người dân, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải trước đây được cổ phần hóa từ Công ty Đầu tư và Xây dựng nhà ở GTVT thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công ty này không còn là doanh nghiệp Nhà nước.

Nhiều nguyên vật liệu vứt ngổn ngang làm ảnh hưởng đến môi trường.

Nhiều nguyên vật liệu vứt ngổn ngang làm ảnh hưởng đến môi trường.

“Chúng tôi đề nghị làm rõ việc giao đất cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải thực hiện dự án có thông qua thủ tục đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư hay không? Trong khi có phần đất bị thu hồi trước đó thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty Ô tô số 2 là doanh nghiệp Nhà nước, là tài sản Nhà nước”, người dân đặt ra nhiều câu hỏi trong tính pháp lý của dự án.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, đại diện UBND phường Phú Thượng cho biết, sau khi có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, dự án tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình này không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực nên dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng kéo dài.

“Đến nay, đã có 16 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng ngoài thực địa. Còn 11 hộ với diện tích khoảng 2.000m2, đang đi vào giai đoạn thực hiện quy trình cưỡng chế thu hồi đất. Dự kiến cưỡng chế thu hồi đất trong năm 2023”, đại diện UBND phường Phú Thượng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ