Đặng Văn Lâm là bài học để VFF kì vọng về những nhân tố X như Filip Nguyễn
Ngược về năm 2010, NHM bóng đá Việt Nam chợt nghe tin một thủ môn gốc Việt về đầu quân cho U19 Việt Nam. Khi đó, Đặng Văn Lâm gây được những sự chú ý nhất định nhờ hình thể khá to cao và khuôn mặt ưa nhìn.
Nhưng rồi, tất cả cũng chỉ đọng lại như thế. Bởi lẽ, loanh quanh khoảng thời gian ấy, cũng có vài cái tên từ nước ngoài về Việt Nam thử sức, nhưng không ai thành công.
Ngay cả những cầu thủ nhập tịch, vốn đã khẳng định tên tuổi tại V.League mà trong đôi lần hiếm hoi được thử sức ở ĐTQG Việt Nam còn vì nhiều lý do mà chẳng đâu vào đâu, thì lấy gì đặt niềm tin từ các tài năng trẻ mà thông tin còn rất mịt mờ?
Quả thật, câu chuyện sau đó xảy ra với Đặng Văn Lâm không ngoài những hoài nghi của NHM lẫn giới chuyên môn. Thủ môn này lặn ngụp tới tận năm 2015 không hề có một chút tia sáng hy vọng.
Nhưng bất ngờ, trong lần thu hết quyết tâm trở lại Việt Nam một lần nữa, thi đấu cho Hải Phòng, mọi thứ thay đổi 180 độ với Đặng Văn Lâm. Từ chàng thủ môn to cao nhưng lớ ngớ, Văn Lâm hóa thành chốt chặn đáng tin cậy bậc nhất V.League. Ấy là tấm giấy thông hành để Văn Lâm lên ĐTQG, rồi tỏa sáng rực rỡ dưới thời HLV Park Hang-seo.
Câu chuyện của Đặng Văn Lâm là bài học lớn cho VFF. Rằng các tài năng đầy tiềm ẩn từ nước ngoài về Việt Nam là một nguồn cung cấp cầu thủ cực kì đáng quý.
Chưa nói về tố chất của những tài năng này, nhưng họ đã được rèn luyện ở nhiều lò đào tạo danh tiếng trên khắp thế giới. Đấy là miếng bánh đã được chuẩn bị sẵn, mà VFF chỉ cần sàng lọc, sơ chế là có thể đưa vào sử dụng.
Cho tới bây giờ, Văn Lâm vẫn chưa thể quên được khoảng thời gian khó khăn, trong lần đầu tiên tìm về Việt Nam thử sức. |
Văn Lâm càng tỏa sáng, thầy Park càng lo thiếu... thủ môn
Nghe tưởng như vô lý nhưng đây lại là câu chuyện có thật, kể từ khi Đặng Văn Lâm rời Hải Phòng đầu quân cho Muangthong United.
Chật vật ở nước ngoài, Văn Lâm về Việt Nam tìm thấy vinh quang và giờ lại rời đi để tìm kiếm những thách thức mới. Đấy là điều tốt cho Văn Lâm, về cả việc nâng cao chuyên môn lẫn các chế độ đãi ngộ và đấy dĩ nhiên cũng là điều tốt cho ĐTQG Việt Nam.
Thế nhưng bất cập ở chỗ vì đang chơi cho một CLB nước ngoài nên Văn Lâm sẽ không dễ về ĐTQG Việt Nam, nếu không phải lịch thi đấu của FIFA.
SEA Games (mở thêm 2 suất hơn tuổi) hay AFF Cup đều là những giải đấu quan trọng của Việt Nam, và đều không thuộc lịch thi đấu của FIFA. Thế nên, nguy cơ chúng ta mất Văn Lâm ở các sân chơi này là rất lớn.
Tài năng đang đưa Văn Lâm đi tới những nền bóng đá phát triển hơn, nhưng vì thế việc trở về thi đấu cho ĐTQG Việt Nam cũng khó khăn hơn. |
Nói đâu xa, tại AFF Cup 2018 vừa rồi, dù Thai League đang trong giai đoạn nghỉ, CLB Buriram đã buộc hậu vệ Stephan Palla phải trở về để... tập luyện. Trong khi đó, 5 cầu thủ Thái Lan khác của Buriram là Tedsungnoen, Hemviboon, Wiriyaudomsiri, Haiprakhon và Supachai Jaided vẫn tiếp tục đá AFF Cup như thường.
Lúc này đây, Văn Lâm đang ở Thái Lan, và sự đối chọi giữa bóng đá Thái với Việt Nam dĩ nhiên cao hơn nhiều giữa Voi chiến với Philippines. Ai mà biết nếu Đặng Văn Lâm vẫn chơi ở Thai League, điều gì sẽ xảy ra tại AFF Cup 2020...
Trong trường hợp Văn Lâm chuyển tới một nền bóng đá khác, có thể còn cao cấp hơn Thai League, nhờ liên tục tỏa sáng ở xứ Chùa vàng, mọi thứ cũng sẽ không bớt khó khăn. Nếu Văn Lâm cứ chơi tốt, là trụ cột của đội bóng, không CLB nào muốn nhả anh về ĐTQG khi không buộc phải làm vì vướng FIFA days.
Thế nên, Đặng Văn Lâm càng tỏa sáng thì HLV Park Hang-seo sẽ càng cần có những thủ môn xuất sắc khác. Nếu một cái tên khác có thể vượt được Văn Lâm thì khỏi phải bàn. Còn nếu kém hơn đôi chút thì đấy sẽ là sự dự phòng cực kì đáng quý.