Vì sao dân muốn chạy khỏi khu tái định cư ở Thái Nguyên?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi nhận tiền hỗ trợ, người dân chỉ xây nhà tạm trên diện tích đất được giao ở khu tái định cư (TĐC) rồi quay về nơi ở cũ...

Hiện trạng hoang hóa tại Khu tái định cư xã Văn Yên.
Hiện trạng hoang hóa tại Khu tái định cư xã Văn Yên.

Khu tái định cư vắng dân

Đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra từng ngày tại Khu tái định cư xã Văn Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Đây được xem là dự án TĐC có mức đầu tư, quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Đại Từ.

Dự án Khu TĐC xã Văn Yên ban đầu được phê duyệt với mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 38 tỷ đồng, vốn từ ngân sách Nhà nước, đến nay đã giải ngân hết.

Dự án được phê duyệt và triển khai trên diện tích quy hoạch hơn 3ha, khởi động năm 2013, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Thái Nguyên) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là di dời 116 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét của 5/15 thôn xóm tại xã Văn Yên.

Những hộ dân này được các xóm thống kê, báo cáo gửi lên UBND xã xét duyệt để cấp suất TĐC. Khi được duyệt, mỗi hộ dân sẽ được cấp 1 lô đất có diện tích hơn 150m2 và số tiền 20 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nơi ở mới.

Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, dù cơ sở hạ tầng tại khu TĐC như đường, điện đều đã hoàn thiện, nhưng chỉ có một số ít hộ dân chuyển về sinh sống.

Ghi nhận thực tế tại dự án cho thấy một số lô đất xuất hiện tình trạng cỏ dại mọc um tùm, rêu phong bám loang lổ trên các mảng tường. Những lô đất không có người ở này được người dân tận dụng làm nơi trồng trọt, chăn nuôi gia cầm. Khung cảnh nhếch nhác, ô nhiễm hiện lên thấy rõ.

Theo một hộ dân sinh sống tại đây cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, tuyên truyền người dân đến sinh sống, nhưng khu tái định cư hiện tại vẫn thưa vắng người. Các lô đất bỏ không thường xuyên là nơi tụ tập của các đối tượng nghiện ngập, trộm cắp.

Những ngôi nhà 'tí hon' được dựng lên với mục đích hợp thức hóa để nhận tiền hỗ trợ.

Những ngôi nhà 'tí hon' được dựng lên với mục đích hợp thức hóa để nhận tiền hỗ trợ.

Vì sao dân không mặn mà với nơi ở mới?

Một khu TĐC với cơ sở hạ tầng khang trang, nhưng người dân hàng chục năm qua vẫn không mặn mà” với việc chuyển đến sinh sống gây tò mò cho nhiều người.

Cư dân được cấp đất tại Dự án Khu TĐC xã Văn Yên phần đa đều là những hộ dân sinh sống trên địa bàn xóm Mây (xã Văn Yên). Nơi đây có một con suối lớn chảy qua, mùa mưa lũ nước suối dâng cao, dòng nước chảy mạnh gây ngập đường, nguy hiểm cho cuộc sống của người dân.

Nguy hiểm, nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết bám trụ lại nơi ở này, không đến khu TĐC. Lý do là ở khu TĐC họ thiếu đất sản xuất.

Ông N.V.Q. (xóm Mây) cho biết, gia đình được cấp lô đất hơn 100m2. Diện tích đất này chỉ đủ để dựng một ngôi nhà, còn lại gia đình ông Q không có đất để canh tác. Vì lý do trên, ông Q. cùng gia đình đã quyết định bám trụ lại xóm Mây.

“Mùa mưa lũ, nước có dâng lên nhưng do chúng tôi đã sinh sống quen tại đây rồi nên vẫn thấy bình thường. Hơn nữa, dù nước có ngập cũng chỉ trong một vài ngày, còn phần lớn thời gian trong năm không bị ảnh hưởng gì. Ở đây chúng tôi có đất canh tác, sản xuất chứ đến khu tái định cư không có đất thì lấy gì mà làm ăn”, ông Q. cho biết.

Dự án Khu TĐC xã Văn Yên, sau khi được phê duyệt, bên cạnh diện tích đất, người dân sẽ được hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chi trả sau khi khảo sát thấy hộ dân có tiến hành xây dựng nhà trên mảnh đất được cấp.

Tuy nhiên, để có được số tiền trên, nhiều hộ dân đã tìm cách chống chế là bỏ chi phí vài triệu đồng dựng tạm một căn nhà với diện tích rất nhỏ và vào “sống tạm” vài ngày. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, chi trả tiền, họ lại trở về nơi cũ để sinh sống.

Điều này dẫn đến một thực tế là phần lớn những căn nhà nhỏ được xây chống chế đó hiện đang ở trong tình trạng “cửa đóng, then cài” và hoàn toàn không có người ở.

Theo một người dân sinh sống tại đây, trước khi rời đi, một số người còn treo quần áo cũ lên sợi dây căng trước nhà. “Làm như vậy để khi có người đến kiểm tra, nhìn từ bên ngoài họ sẽ nghĩ ngôi nhà này vẫn có người đang sinh sống”, người dân chia sẻ.

Một ngôi nhà lấp sau bụi cây cỏ dại.

Một ngôi nhà lấp sau bụi cây cỏ dại.

Ông Vũ Văn Luận (Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên) xác nhận có tình trạng nhiều nhà xây xong tại khu tái định cư bỏ hoang, người dân nhận đất xong thì không ở mà chuyển về nơi ở cũ từ nhiều năm nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên là do tại khu TĐC thiếu đất canh tác. Trong khi đó, nếu chuyển về nơi ở mới, ruộng đất tại nơi ở cũ sẽ phải bỏ hoang do quãng đường đi lại giữa hai địa điểm khá xa, từ 5 - 7km.

“Bên cạnh đó, đất làm nhà nơi TĐC đa phần diện tích nhỏ, không phù hợp với tập quán sinh sống của người dân nên họ ngại chuyển đến. Hiện, khu TĐC chỉ có khoảng hơn 20 hộ dân chuyển đến sinh sống”, ông Luận cho biết.

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền xã Văn Yên thường xuyên vận động, tuyên truyền đến các hộ dân đã nhận đất và làm nhà tại khu TĐC thì cần chuyển về sinh sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.