Vì sao đại học hàng đầu luôn đứng vững trên bảng xếp hạng quốc tế?

GD&TĐ - Hàng năm, các tổ chức xếp hạng uy tín đều cập nhật kết quả xếp hạng các trường ĐH thế giới. 

Trường ĐH Harvard
Trường ĐH Harvard

Những phản ứng mà ta có thể thấy là khá ngược đời. Một mặt, các nhà quản lý và giảng viên ra sức xem xét những bằng chứng nhỏ nhất làm ảnh hướng đến việc tiến lên hay thụt lùi của các trường, mặt khác, tất cả mọi người đều biết rằng danh sách 10, 20 hay 50 trường ĐH hàng đầu sẽ vẫn hầu như không đổi từ xưa tới giờ. Vì sao vậy?

Các trường ĐH “đã và đang ưu tú”... từ 100 năm nay

Nhà xã hội học Kieran Healy ở Trường Duke (Hoa Kỳ) cho biết từ năm 1911 đã có sự phân loại các trường ĐH thành 4 hạng từ thấp đến cao.

Khi ông so sánh thang bậc này với kết quả xếp hạng mới nhất của tổ chức xếp hạng U.S. News&World Report thì thấy rằng có tới 16/20 trường ĐH hàng đầu nước Mỹ thuộc bảng xếp hạng năm 2011 nằm trong danh sách các trường hạng nhất năm 1911. Một kết quả xếp hạng được giữ vững gần một thế kỷ!

Học giả John Quiggin nhận định một cách trào phúng với tờ Insider rằng: “Danh sách năm 1911 sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên nếu nó được dùng làm cơ sở cho bảng xếp hạng sắp tới của U.S. News. Với những ai muốn tìm lời giải cho câu hỏi “cái gì đã làm nên một trường ĐH ưu tú?” thì câu trả lời sẽ là “nó đã và đang ưu tú từ 100 năm nay”.

Ông nói tiếp: “Bây giờ ta hãy thử so sánh chỉ số Dow Jones trung bình của các doanh nghiệp năm 1911, gồm những công ty lớn như American Smelting and Refining Company (hiện nay là Asarco), U.S. Rubber (hiện nay là Uniroyal), và U.S. Steel.

Một vài doanh nghiệp trong số này đã biến mất dần dần, một số khác vẫn đang tồn tại như là một bộ phận của những công ty lớn hơn, duy chỉ có General Electric là vẫn còn nằm trong danh mục chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán. Tuyệt đại đa số các công ty trên sàn chứng khoán Dow Jones ngày nay chưa hề tồn tại vào năm 1911.

Vậy cái gì đã tạo ra sự ổn định bền vững đến kỳ lạ trong thứ hạng của các trường ĐH hàng đầu so với sự không ổn định của các doanh nghiệp lớn, và các tổ chức phi lợi nhuận khác? Quan trọng hơn là, điều này có ý nghĩa gì đối với việc quản lý các trường đH và việc xây dựng chính sách cho GDĐH?”.

Những nhân tố làm nên sự “bền vững”

Có nhiều đặc điểm của trường ĐH giúp giải thích kết quả này. Trước hết, không như các doanh nghiệp, các trường ĐH hầu như chẳng bao giờ giải thể và hiếm khi sáp nhập. Tất cả 14 trường ĐH tạo thành Hiệp hội các Trường Đại học Hoa Kỳ vào năm 1900 hiện nay vẫn đang tồn tại.

Hai là, các trường ĐH được thiết kế thành “đơn vị chỉ một trụ sở”. Tuyệt đại đa số các trường ĐH chỉ có một trụ sở, hoặc nhiều lắm là hai cơ sở đào tạo chính, với vài ba chi nhánh ngoại vi không mấy quan trọng.

Tuy nhiên, cũng tồn tại một số ngoại lệ, chẳng hạn như University of California trong thực tế là một hệ thống ĐH với những trường trực thuộc gắn kết với nhau thông qua hệ thống quản trị có chung một nền tảng và nguyên tắc, như mô hình ĐHQG ở Việt Nam.

Khu tự học ở Thư viện của ĐH Harvard (Mỹ)
Khu tự học ở Thư viện của ĐH Harvard (Mỹ) 

Những yếu tố cơ cấu ấy đặt ra một phạm vi giới hạn cho quy mô khả thi của một trường ĐH. Theo các tính toán về quản trị, một cơ sở đào tạo không thể chứa nổi 40.000 sinh viên mà không rơi vào tình trạng khủng hoảng về mặt kinh tế, bởi những giới hạn về quy mô của giảng đường.

Trường ĐH công lập lớn nhất trong bảng xếp hạng của Times Higher Education đạt tới quy mô đó trong thập niên 1970, và số sinh viên của họ vẫn giữ ổn định cho đến ngày nay.

Các trường ĐH tư tinh hoa vận hành ở một quy mô nhỏ hơn nhiều, thường là từ 3.000 đến 5.000 sinh viên, và hầu hết đã duy trì quy mô đó từ những năm 1950 đến nay.

Những yếu tố này đã loại trừ nhiều cơ chế của thị trường, một cơ chế vốn dĩ sẽ khen thưởng ta bằng những thành công hay trừng phạt ta bằng những thất bại. Một trường ĐH ưu tú thường không tạo ra cơ sở mới hay thậm chí không mở rộng quy mô tuyển sinh.

Một vài trường ĐH Hoa Kỳ đã thử tìm cách phá vỡ nguyên tắc này bằng việc thiết lập những chi nhánh quốc tế, ví dụ như Trường ĐH Yale đã thử mở phân hiệu tại Singapore và New York University tại UAE, nhưng kết quả là thất bại.

Sự phát triển của hệ thống ĐH, vì thế, diễn ra chủ yếu thông qua thành lập hẳn những trường ĐH mới, hoặc nâng cấp những trường cao đẳng, trường nghề lên quy mô ĐH.

Ít nhất là trong giai đoạn ban đầu, những trường ĐH mới hầu như lúc nào cũng có địa vị thấp hơn hẳn trong thang bậc đẳng cấp với những trường có bề dày lịch sử. Sáng lập một trường ĐH nghiên cứu mới như trường hợp University of California ở Merced, là một sự kiện hiếm hoi.

Những sự kiện trên đây đã đủ để giải thích phần nào về mức độ ổn định trong vị trí xếp hạng của các trường ĐH hàng đầu. Không có một lịch sử tồn tại dài lâu, và rất ít khả năng mở rộng, con đường duy nhất giúp các trường ĐH non trẻ có thể thay đổi vị trí xếp hạng của mình là tạo ra đột phá trong chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Nó nhất thiết là một quá trình tiệm tiến và cần có thời gian.

Nền tảng cho sự ổn định

Tuy những đặc điểm có tính chất thiết chế trên đây có thể giải thích vì sao địa vị tương đối của các trường không thay đổi bao nhiêu từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, nhưng thật là quá nghịch lý khi mức độ ổn định của vị trí các trường ĐH trên bảng xếp hạng quốc tế hầu như không đổi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Theo học giả John Quiggin, về mặt thống kê, chúng ta có thể sử dụng nguyên lý trung bình cộng để đánh giá sự biến thiên của vị trí các trường.

Điều này có nghĩa là, nếu một trường ĐH đang có cương vị cao thì một lúc nào đó sa sút về chất lượng, có thể do lãnh đạo yếu kém hoặc những quyết định tuyển dụng sai lầm, nhiều khả năng nó sẽ hồi phục qua thời gian. Ngược lại, một trường có địa vị thấp nếu có làm tốt trong một vài năm thì cũng khó mà duy trì cương vị ấy dài lâu.

Nhân tố cốt yếu giải thích cho nghịch lý bảo toàn vị trí của các trường ĐH hàng đầu là sự tồn tại bền vững của nhiều loại tài sản vô hình, trong đó quan trọng nhất là con người và uy tín.

Các trường ĐH có đẳng cấp cao và có truyền thống lâu dài như Harvard, Stanford, Cambridge bao giờ cũng có rất đông cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên và cựu giảng viên, các nhà nghiên cứu đối tác gắn bó với nó. Bên cạnh những lợi ích hiển nhiên như nguồn tiền tài trợ, những người này còn đóng vai trò như một biểu tượng động viên tinh thần sinh viên, đem lại cơ hội việc làm cho người tốt nghiệp.

 

Điều hòa nghịch lý của phân tầng hệ thống

Có một câu hỏi lớn cần đặt ra, đó là liệu thứ bậc ổn định ấy có lợi hay có hại cho sứ mạng giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường với tư cách là một tổng thể? Nếu như có hại, liệu ta có thể làm được gì?

Với hoạt động nghiên cứu, những thuận lợi trong việc phân tầng là hiển nhiên. Các trường trên đỉnh thang bậc của hệ thống đã và đang tiếp tục tạo ra những ấn phẩm khoa học trên các tập san hàng đầu, giành được giải Nobel và mọi loại giải thưởng khác,… Tuy thế, có khá nhiều trường hợp cho thấy sẽ có lợi hơn khi cương vị tinh hoa vĩnh cửu này bị thách thức bởi những quan điểm bên ngoài.

Với đào tạo ĐH, kinh nghiệm Hoa Kỳ cho thấy một hệ thống phân tầng cao độ sẽ không đem lại kết quả tốt. Cạnh tranh giành cương vị sẽ kích thích các trường có thứ hạng cao hạn chế việc tuyển sinh để đảm bảo đào tạo chất lượng cao cho một số nhỏ, dĩ nhiên là với học phí cao ngất.

Còn những trường sinh sau đẻ muộn bước vào hệ thống với một cương vị thấp, một hệ thống thang bậc quá dốc và quá ổn định khiến cho số sinh viên phải theo học những trường nghèo sẽ chiếm tỉ lệ ngày càng tăng, và những trường này phải chật vật khó khăn lắm mới duy trì được chất lượng tối thiểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ