Trong một lần cùng con đến dự sinh nhật nhà bạn, nghe bạn của con kể chuyện, chị Hương (ở phố Hoa Bằng, Hà Nội) sửng sốt nghẹn ngào khi biết cô con gái lớp 2 của chị bị bạn cùng lớp bắt nạt, bắt đổ bim bim xuống đất rồi nhặt ăn trong 2 tuần nay.
Nghe chuyện, chị Hương mới hiểu sao thời gian gần đây con chị từ chối những đồ ăn nhẹ như gói bim bim, hộp sữa chị chuẩn bị cho con ăn thêm vào buổi chiều với lý do “Con không đói”.
Nói chuyện với con, chị Giang hỏi: “Vì sao chuyện xảy ra trong một thời gian lâu thế mà không nói với mẹ, với cô giáo?”. Con chị lí nhí giải thích: “Con sợ bạn ấy đánh con”.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều clip học sinh đánh nhau tung lên mạng. Tuy nhiên, điều mà dư luận ít quan tâm là những “khoảng lặng đáng sợ” trong các đoạn clip đó. Ví như trong clip nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn bè đánh “hội đồng” gần đây nhất, thái độ cam chịu của nạn nhân là một điều thật khó hiểu.
Hay nói như một nhà tâm lý: “Khi xem clip, thấy có một khoảng thời gian trống nhóm bạn không đánh, nhưng cô bé bị đánh cũng không bỏ chạy hay có ý định bỏ chạy. Điều này cho thấy kỹ năng tự vệ của nạn nhân hoàn toàn không được trang bị, thụ động chịu trận”.
Cũng phải nói thêm rằng, trận đòn diễn ra trước khi clip được tung lên mạng 2 tháng, nhưng suốt thời gian đó nạn nhân không hề hé răng kể với gia đình, giáo viên mà vẫn luôn nói dối rằng bị ngã cầu thang.
Do các em hay do người lớn?
Người viết có một người bạn sinh sống ở Đức và có cậu con trai 8 tuổi rất nghịch. Nghỉ hè về thăm ông bà ngoại ở Việt Nam, cậu bé đá bóng làm vỡ lư trầm trên bàn thờ. Ông ngoại bực quá cầm roi ra dọa đánh, ai ngờ cậu bé nói dõng dạc với ông bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Nếu ông đánh cháu, cháu sẽ gọi cảnh sát!”.
Nghe câu chuyện này, nhiều người Việt Nam sẽ thấy lạ tai, thậm chí cho rằng cậu bé hỗn láo. Điều này xuất phát từ lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt” được cả người lớn và trẻ con Việt Nam chấp nhận như một cách hành xử bình thường.
Nhưng với cậu bé sinh ra và lớn lên ở Đức kia, ngay từ nhỏ cậu đã được giáo dục để hiểu rằng không được phép dùng bạo lực với trẻ em và trẻ em có quyền được bảo vệ khi bị đe dọa hoặc xâm hại. Thế nên, câu cậu bé nói với ông ngoại như vậy thể hiện việc cậu hiểu rất rõ quyền được bảo vệ của mình.
Từ đó cũng thấy rằng tại sao các nạn nhân trong những clip học sinh đánh nhau lại thụ động, không phản kháng. Không đơn giản là do thiếu bản lĩnh mà chính là do các em chưa được tuyên truyền, giáo dục đầy đủ về quyền trẻ em để từ đó hình thành được ý thức mình được quyền gọi cảnh sát hay gọi người lớn khi bị đe dọa, xâm hại.
Tuy nhiên, nhận thức về quyền trẻ em không tự nhiên đến với các em. Trẻ em chỉ có thể nắm được quyền của mình nếu được người lớn phổ biến, giáo dục và đặc biệt, được người lớn tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm túc.
“Hành trình gian nan” của quyền trẻ em trong luật
Khi tiến hành xây dựng Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào năm 2015, cơ quan chức năng đã lấy ý kiến của đại diện học sinh 10 trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn Hà Nội về quyền trẻ em.
Kết quả cho thấy phần lớn các em “chưa bao giờ được là mình”, phải làm những điều theo sự sắp xếp của gia đình, nhà trường và không được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình; các em không biết được quyền lợi của mình, đồng thời không biết tới Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.
Sự thực này chứng tỏ một điều rằng, dù Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990 và ngay sau đó đã có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 1991 cùng những lần sửa đổi sau này với những quy định tương đối đầy đủ về quyền trẻ em, nhưng việc thực hiện trong thực tế vẫn là một “hành trình gian nan”.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ngoài Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, các quyền của trẻ em còn được quy định rải rác trong 22 đạo luật khác nhau, chính sự dàn trải này làm hạn chế thực thi quyền trẻ em trong thực tế.
Còn theo ông Nguyễn Phú Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương thì việc không có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thực hiện quyền trẻ em nên quyền lợi của trẻ em đang bị ảnh hưởng và còn nhiều tồn tại…
Ở một góc độ tiếp cận khác, TS Nguyễn Thị Kim Quý, chuyên gia cố vấn của đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em, Bộ LĐ - TB&XH nhận định: “Thực tế hiện nay, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn rất kém, nhiều người làm cha mẹ không hiểu biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định và liên tục vi phạm.
Chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, thậm chí đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư để họ hiểu, nhận thức rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phải làm sao để xóa bỏ tư tưởng ở một số bộ phận gia đình, coi con cháu như là một cái gì đó thuộc “quyền sở hữu” của mình”.
Các quyền của trẻ em được quy định trong luật
Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyền sống chung với cha mẹ; Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; Quyền được chăm sóc sức khoẻ; Quyền được học tập; Quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch;
Quyền được phát triển năng khiếu; Quyền có tài sản; Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội. Nhiều người làm cha mẹ không hiểu biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định và liên tục vi phạm.