Vì sao có trẻ rất tự tin nhưng có trẻ lại hay xấu hổ?

Nếu như một cô bé tự tin bước tới nói chuyện với người lạ mà không đắn đo, thì rất có thể cô bé đó là người Israel. Còn nếu một cậu bé rất ngại phải tham gia một bữa tiệc, thì có lẽ là cậu đến từ Nhật Bản hay Đài Loan. 

Vì sao có trẻ rất tự tin nhưng có trẻ lại hay xấu hổ?

Người hay xấu hổ luôn có phản ứng sợ hãi thái quá trước các tình huống giao tiếp; tuy nhiên, cách dạy dỗ phù hợp có thể làm thay đổi điều này.

Người ta cho rằng trẻ em Israel tự tin nhất thế giới, trong khi các cô cậu bé người Nhật Bản và Đài Loan là nhóm trẻ em hay xấu hổ nhất. Còn trẻ em Mỹ và Anh nằm ở nhóm giữa.

Cách giải thích phổ biến nhất là: Xã hội phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân hơn phương Đông, do đó khuyến khích sự tự thể hiện bản thân nhiều hơn.

Hàng loạt nghiên cứu cho thấy cách nuôi dạy của cha mẹ và đặc thù văn hóa là hai yếu tố quyết định đứa trẻ có trở thành nhút nhát không. Các chuyên gia còn đang tranh cãi về một yếu tố thứ ba nữa: gene di truyền.

Bộ não của những người nhút nhát vốn có phản ứng khác với não của người tự tin trong các tình huống giao tiếp xã hội. Giống như mọi bộ phận khác trong cơ thể, bộ não của chúng ta cũng được xây dựng dựa trên những thông tin di truyền mã hóa trong ADN; nghĩa là rất có thể cũng có một loại “gene xấu hổ”.

Thế nhưng tính xấu hổ cũng không phải hoàn toàn do gene quyết định. Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ em có xu hướng ngại ngùng trước đám đông đều có thể thay đổi nếu được giáo dục đúng cách.

Có thật do di truyền?

Tính di truyền không đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp người ta đột nhiên trở nên nhút nhát khi đã trưởng thành. Bị những kẻ “đầu gấu” bắt nạt ở trường học, bị anh/chị/em ăn hiếp, được bố mẹ bảo vệ chăm bẵm quá mức cần thiết, chuyện tình cảm đổ vỡ… đều có thể dẫn đến tính nhút nhát.

GS Bernardo Carducci (ĐH Indiana, Mỹ) tuyên bố: “Tính e dè được định hình bởi ba yếu tố chính: tập trung quá nhiều vào bản thân, luôn tự đánh giá tiêu cực về bản thân và hay suy nghĩ tiêu cực thái quá. Cả ba đặc điểm đó đều liên quan đến sự tự nhận thức của mỗi người.

Thường thì trẻ em dưới 18 tháng tuổi chưa thể tự đánh giá về bản thân như thế. Bởi lẽ mỗi người không thể sinh ra là đã biết đánh giá về bản thân, cho nên chúng ta cũng không thể mang tính xấu hổ ngay từ khi ra đời được”.

Tuy nhiên, ông cũng đồng ý rằng cứ 5 trẻ em sinh ra thì có 1 em mang tính rụt rè. Những em bé này thường đạp chân và khóc to khi có tiếng động đột ngột.

Khi bắt đầu biết đi, các em thường sợ hãi nép sau chân mẹ khi nhìn thấy người lạ, khi lớn hơn thì thích ở một mình hơn là chơi với bạn bè. Các em chỉ thích chơi gần bố mẹ hoặc người chăm sóc. Và tới một lúc nào đó, các em sẽ bị coi là “nhút nhát”. Cái “mác” này thường sẽ gắn chặt với một người và tạo nên cái vòng luẩn quẩn: người đó nhận thức về “cái mác” của mình và sẽ tiếp tục cư xử theo đúng như vậy. Họ tin rằng bản thân mình không có khả năng giao tiếp xã hội, vì thế họ càng thu mình lại, bỏ qua các cơ hội nâng cao khả năng giao tiếp.

Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ không nên “gán” cho con mình một tính xấu nào đó.

Bạn thuộc nhóm nào?

Nhát thể hiện rõ rệt: Cảm thấy căng thẳng về cách cư xử của mình trong các tình huống giao tiếp xã hội, lo lắng rằng mình sẽ nói gì đó sai hoặc cư xử vụng về, hay sợ rằng mình sẽ “hoàn toàn đóng băng” và không biết nói gì.

Nhát “ngầm”: Sự lúng túng, vụng về trong giao tiếp không thể hiện rõ ra ngoài, nhưng cảm thấy rất căng thẳng, xuất hiện các triệu chứng về tâm lý như tim đập nhanh và căng cơ.

Sợ giao tiếp: Che giấu nỗi sợ hãi trong giao tiếp và cảm thấy bị ám ảnh về mọi thứ, chẳng hạn về bộ quần áo đang mặc; có thể đi kèm với cảm giác tự thấy mình không có giá trị gì.

10 cách để vượt qua sự nhút nhát

1. Làm các bài tập về nhịp thở và giảm sự căng cứng cơ (chẳng hạn liên tục nắm chặt tay lại rồi thả lỏng).

2. Đừng uống rượu bia hay thuốc kích thích để giải tỏa, sẽ nhanh chóng mất tác dụng.

3. Tập cách bắt chuyện với những người mà bạn chỉ gặp chóng vánh trong các tình huống không căng thẳng, chẳng hạn như khi đang đi mua sắm.

4. Để có thể kéo dài một cuộc trò chuyện, bạn phải có chuyện gì đó để nói. Hãy đọc nhiều và nghe các chương trình tin tức. Cố gắng đặt các câu hỏi mở, như “Anh nghĩ gì về XYZ…?”

5. Luyện trước các chủ đề có thể cần phải nói tới. Đứng nói trước gương ở nhà.

6. Cư xử lịch thiệp, chẳng hạn lấy đồ uống cho một vị khách nào đó tại bữa tiệc, làm tăng tối đa cơ hội giao tiếp thành công.

7. Chấp nhận rằng bạn không phải là “cái rốn của vũ trụ”: những người khác thường cũng chỉ tập trung vào bản thân họ mà thôi.

8. Nếu như ai đó chấm dứt một cuộc trò chuyện với bạn, thì cũng đừng nghĩ rằng họ thấy bạn nhàm chán.

9. Đừng cảm thấy bị xúc phạm khi bị từ chối. Bạn không cần phải thân mật với tất cả mọi người.

10. Hãy tự tìm ra không gian yêu thích của bạn: có thể bạn sẽ thích tham gia một lớp học vẽ hơn là tới một quán bar.

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ

Nếu con bạn đang có các dấu hiệu nhút nhát, hãy cố gắng tạo ra các tình huống giao tiếp, chẳng hạn đưa con đi dạo trong công viên và trò chuyện với những gia đình có con nhỏ khác.

Cố gắng thể hiện sự bình tĩnh và tự tin trong giao tiếp: con cái bạn cần phải nhìn thấy bạn tới bắt chuyện với những ông bố bà mẹ không quen biết một cách thoải mái và dễ dàng.

Hãy chỉ cho con cách tiếp xúc với các trẻ em khác, khuyến khích con chơi cùng chúng. Khi con đã bắt nhịp với các bạn, hãy lùi ra xa hơn để bọn trẻ chơi với nhau.

Hãy cố gắng kiểm soát sự lo lắng của chính bạn: không thể tránh hoàn toàn sự lo lắng, nhưng đừng để nó tạo thói quen lo sợ cho con bạn.

Theo songmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: