Theo đó, bộ tiêu chí gồm mười phần. Trong đó, một số tiêu chí tạo được nhiều sự quan tâm là tiêu chí 1: Giáo viên, cán bộ, nhân viên trực tiếp tại cơ sở giáo dục phải có mã QR xanh thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế TPHCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid.
Trường hợp không có mã QR thì phải xuất trình giấy tờ sau: Người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; hoặc đã tiêm chủng đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; hoặc đã tiêm mũi 1 đối với vắc-xin phòng Covid-19; tiêm hai mũi ít nhất 14 ngày sau tiêm.
Bên cạnh đó là các tiêu chí về khoảng cách trẻ em, học sinh, học viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong phòng làm việc từ 1m trở lên và khoảng cách trẻ em, học sinh, học viên, giáo viên ngoài phòng làm việc từ 2m trở lên.
Phải thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc nước sát khuẩn trước khi vào lớp; học sinh (trừ mầm non), học viên, giáo viên phải đeo khẩu trang khi làm việc, học tập; tất cả đều được kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế khi vào trường và được phân luồng, đảm bảo đi một chiều khi vào trường; các cơ sở giáo dục phải có tổ an toàn Covid-19...
Theo đó, nếu cơ sở giáo dục đạt 8 - 10 tiêu chí được đánh giá mức độ an toàn cao (cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học); Đạt 6 - 7 tiêu chí: Mức độ an toàn (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học. Trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 8 tiêu chí thành phần); Đạt dưới 6 tiêu chí thành phần thì chưa đảm bảo an toàn (cơ sở giáo dục chưa được tổ chức hoạt động giáo dục, phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 6 tiêu chí thành phần mới được tổ chức dạy học).
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM) - cho rằng, ông tán thành bộ tiêu chí do TP vừa ban hành. Điều ông quan tâm là: Thứ nhất, 100% CB, GV, NV của nhà trường phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin; Thứ hai, Ban Phòng chống Covid từng trường phải thực sự hiệu quả và phải có chế độ cho họ; Thứ ba, trang bị đủ các thiết bị phục vụ cho công tác phòng dịch như bồn rửa tay bằng xà phòng, dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang y tế…; Thứ tư, không sử dụng máy lạnh; Thứ năm, nếu tách lớp thì phải cho nhà trường chủ động hợp đồng giáo viên ngoài biên chế và thành phố hỗ trợ thêm ngân sách.
Còn thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) - cho rằng, việc đón học sinh trở lại so với bộ tiêu chí mà TP vừa ban hành là phù hợp sát với thực tế tại các địa phương. Qua đối chiếu, nhà trường đạt 8 tiêu chí (1, 4, 5, 6, 8, 9, 10). Tuy nhiên, theo thầy Phạm Trung Hữu, các tiêu chí này dễ thực thi, áp dụng đối với các vùng thật sự xanh. Đồng thời, hiện học sinh chưa được tiêm vắc-xin để phòng chống Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm càng cao và khả năng lây lan có thể nhanh chóng. Do đó, để đảm bảo an toàn thì cần có thêm giải pháp điều trị hiệu quả khi học sinh bị nhiễm Covid.
“Điểm này cần phải xem xét lại vì số ca mắc Covid-19 vẫn còn nhiều. Đặc biệt tâm lý phụ huynh cũng chưa muốn cho con mình mạo hiểm khi trở lại trường, tuy có sự kiểm tra và đảm bảo an toàn, nhưng khi có sự cố thì các em sẽ được ai chăm sóc? Do đó, để đảm bảo an toàn thì cần có thêm giải pháp điều trị hiệu quả khi học sinh bị nhiễm Covid” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.