Biệt thự cũ của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) ở Hồng Kông đã bị đập bỏ bất chấp một chiến dịch kéo dài hàng thập niên bởi những người hâm mộ của huyền thoại kung fu quá cố để bảo tồn địa điểm lịch sử này.
Công việc phá dỡ tòa nhà hai tầng ở số 41 đường Cumberland, Cửu Long đã hoàn thành vào ngày 28/9/2019.
Chỉ có một bức tranh khảm do Lý Tiểu Long để lại trên bức tường bên ngoài biệt thự và bốn khung cửa sổ từ tòa nhà cũ sẽ được lắp đặt ở công trình mới.
Joey Lee Man-lung, Phó chủ tịch ủy ban quản lý của Quỹ từ thiện Yu Panglin sở hữu ngôi nhà, cho biết họ rất hối hận về việc không bảo tồn ngôi nhà sau khi ủy thác không nhận được bất kỳ đề xuất mới nào từ chính phủ để bảo vệ.
Lý Tiểu Long sống ở Hồng Kông khi còn nhỏ sau khi trở về từ Mỹ, nơi ông được sinh ra. Ông dạy võ thuật và đóng vai chính trong nhiều bộ phim để trở thành một ngôi sao toàn cầu.
Lý Tiểu Long đã dành những năm cuối đời cùng gia đình trong biệt thự tại Cửu Long trước khi đột ngột qua đời vào ngày 20/7/1973 ở tuổi 32.
Yu đã mua căn nhà vào năm 1974 với giá khoảng 1 triệu HKD. Trước đây, theo các nhà sử học, ngôi nhà từng được sử dụng như một khách sạn. Vị tỉ phú đã lên kế hoạch bán nó vào năm 2008 để gây quỹ cho các nạn nhân của trận động đất ở Tứ Xuyên, nhưng đã từ bỏ ý tưởng do người hâm mộ hối thúc ông bảo quản tài sản và khôi phục lại.
Yu đã đề nghị tặng ngôi nhà cho Chính phủ Trung Quốc để nó được biến thành bảo tàng Lý Tiểu Long. Ông yêu cầu chính phủ nới lỏng các hạn chế sử dụng đất và cho phép ông xây dựng 2 hoặc 3 tầng hầm để làm bảo tàng dự kiến bao gồm một rạp chiếu phim, trung tâm đào tạo võ thuật, thư viện và phòng triển lãm. Nhưng Yu và các quan chức chính phủ đã không đạt được thỏa thuận, dẫn đến kế hoạch bảo tồn bị hủy bỏ vào năm 2011.
Những tổ chức và CLB người hâm mộ Lý Tiểu Long đã đưa ra một kiến nghị trực tuyến quốc tế vào tháng 7 năm ngoái để kêu gọi Chính phủ Trung Quốc bảo tồn biệt thự cũ của huyền thoại kung fu. Wong Yiu-keung, người đứng đầu CLB Lý Tiểu Long, chỉ trích chính phủ đã từ bỏ kế hoạch bảo tồn ngôi biệt thực, khi có cơ hội tốt để đạt được thỏa thuận gần 10 năm trước. “Chính phủ (Trung Quốc) đã để tất cả người hâm mộ Lý Tiểu Long ở Hồng Kông và trên toàn thế giới thất vọng. Nếu bạn hỏi tôi cảm thấy thế nào về việc phá hủy nhà của Bruce Lee, tôi sẽ lên án chính phủ này”, ông Wong Wong nói.
Trong một bài bình luận sau đó, tờ South China Morning Post viết: “Có một cảm giác thật buồn bã, thậm chí tức giận, khi biệt thự cũ của Lý Tiểu Long ở Cửu Long đã trở thành đống đổ nát, biến mất cùng với những nỗ lực kéo dài hàng thập niên để chuyển đổi tòa nhà thành bảo tàng tôn vinh ngôi sao điện ảnh quốc tế quá cố. Nó nói lên nhiều điều về không chỉ sự khao khát tái phát triển mạnh mẽ của thành phố, mà cả chính sách bảo tồn di sản nửa vời của chính phủ.
Số phận của biệt thự thấp tầng trong khu dân cư cao cấp đã được niêm phong vào năm 2011 sau khi không thể đạt được thỏa thuận giữa chính phủ và một tổ chức từ thiện sở hữu tài sản. Thật là xấu hổ khi không có nỗ lực nào khác được thực hiện để cứu tòa nhà.
Lý Tiểu Long chắc chắn là người đàn ông nổi tiếng nhất của Hồng Kông. Nhưng một bức tượng bằng đồng, cùng với những kỷ vật của ngành công nghiệp điện ảnh khác trên bến cảng ở Tsim Sha Tsui, là lời nhắc nhở duy nhất trong thành phố về nhân vật được xem là biểu tượng kung fu. Trớ trêu thay, không có chỗ cho một bảo tàng ở quê nhà.
Chúng tôi không biết liệu chính quyền có ngưỡng mộ Lý Tiểu Long giống như người dân Hồng Kông và các tổ chức quốc tế hâm mộ ông ấy không. Nhưng việc biệt thự cũ của Lý Tiểu Long bị đập bỏ đã thể hiện nhiều vấn đề trong chính sách của chính phủ khi các đề xuất của bảo tàng không dẫn đến đâu.
Sự tranh cãi về tài trợ và sử dụng đất đã cho thấy sự thiếu ý chí của chính phủ trong việc bảo tồn các địa điểm có ý nghĩa lịch sử hoặc ký ức tập thể trong chính sách bảo tồn di sản cứng nhắc và không hiệu quả”.