Vì sao 4 đối tượng bị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai?

GD&TĐ - Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai, đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố 4 đối tượng.

Ngày 10/1, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng tại Tịnh thất Bồng Lai về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ, vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự năm 2015, bố sung, sửa đổi năm 2017.

Trước đó, các cơ quan của tỉnh Long An nhận rất nhiều đơn tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi sai phạm của một số trường hợp sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa  - Tịnh thất Bồng Lai).

Tịnh thất Bồng Lai - nay đổi tên thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ.
Tịnh thất Bồng Lai - nay đổi tên thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ.

Theo đó, nhiều người dân bức xúc với các hoạt động có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi góp vốn từ thiện và lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân, loạn luân... gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. 

Sau quá trình vào cuộc điều tra, ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 - Bộ Luật năm 2015, bổ sung, sửa đổi năm 2017.

Lực lượng chức năng khám xét Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Tiền Phong.
Lực lượng chức năng khám xét Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Tiền Phong.

Tiếp đó, đến ngày 4/1, nhận được tin báo của nhân dân về việc các đối tượng nhận tiền đóng góp từ thiện có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đức Hòa bắt quả tang và tổ chức khám xét tại Tịnh thất Bồng Lai, làm việc một số trường hợp sinh sống tại đây để xác định sai phạm vi hoạt động của các đối tượng có liên quan. 

Quá trình thực hiện có sự tham gia, chứng kiến của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Kết thúc khám nghiệm, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đức Hòa mời 14 đối tượng có liên quan tại Tịnh thất Bồng Lai về trụ sở huyện Đức Hòa làm việc.

Bị can Lê Tùng Vân. Ảnh: Tiền Phong
Bị can Lê Tùng Vân. Ảnh: Tiền Phong

Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngày 5/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm Lê Tùng Vân (SN 1932); Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990); Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991); Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995) cùng địa chỉ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên. Ảnh: Tiền Phong
Bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên. Ảnh: Tiền Phong

Đồng thời, cơ quan chức năng ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương. Riêng bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp ngăn cấm đi khỏi nơi cư trú. Các quyết định đều được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa phê chuẩn).

Về vấn đề bị can Lê Tùng Vân không bị bắt tạm giam, nhiều luật gia nhận định là phù hợp. Theo luật gia, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là 2 biện pháp ngăn chặn được thực hiện đối với các bị can, bị cáo. Trong đó, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có tính chất nhẹ hơn.

Bị can Lê Thanh Tùng Dương. Ảnh: Tiền Phong
Bị can Lê Thanh Tùng Dương. Ảnh: Tiền Phong

Khoản 4, Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can, bị cáo "là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng".

Đồng thời, trên tinh thần của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và quan điểm áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người già phải là người từ đủ 70 tuổi trở lên.

Bị can Lê Thanh Nhất Nguyên. Ảnh: Tiền Phong
Bị can Lê Thanh Nhất Nguyên. Ảnh: Tiền Phong

Từ 2 căn cứ viện dẫn nêu trên, cộng thêm bị can Lê Tùng Vân năm nay đã 90 tuổi, việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (thay vì bắt tạm giam) đối với người này có thể xuất phát từ yếu tố "người già yếu, có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng".

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ, chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng để xử lý theo đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ