Vi phạm tốc độ, hàng trăm xe ô tô tải bị thu hồi phù hiệu

GD&TĐ - Chỉ trong vòng 1 tháng, nhiều xe ô tô tải ở Thanh Hóa vi phạm tốc độ hàng trăm lần, thậm chí có xe lên đến hơn 900 lần vi phạm.

Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải. (Ảnh: CATH)
Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải. (Ảnh: CATH)

Ngày 22/11, thông tin từ Sở GTVT Thanh Hóa, đơn vị này vừa có quyết định thu hồi phù hiệu của 264 xe ô tô chuyên kinh doanh vận tải do vi phạm tốc độ trong tháng 9. Số phương tiện trên có số lần vi phạm về tốc độ từ 5 lần trở lên/1.000km xe chạy.

Đáng nói, trong 264 xe ô tô vi phạm tốc độ, có nhiều xe vi phạm hàng trăm lần trong tháng 9. Cá biệt, xe tải đầu kéo biển số 36H-069.80 của Công ty TNHH Long Hường (địa chỉ tại Thanh Hóa) vi phạm tốc độ lên đến 903 lần.

Sở GTVT Thanh Hóa đã yêu cầu các doanh nghiệp có phương tiện vi phạm nộp lại phù hiệu và không được sử dụng phương tiện bị thu hồi phù hiệu để tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải, cho đến khi làm lại thủ tục cấp lại phù hiệu.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa và Sở GTVT Thanh Hóa đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường rà soát, theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm của các phương tiện vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định.

Bắt đầu từ ngày 15/11, lực lượng chức năng của Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Sở GTVT Thanh Hóa xử lý vi phạm về lắp đặt, duy trì hoạt động; vi phạm về cung cấp, cập nhật, truyền các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.

Đồng thời, lực lượng chức năng cũng sẽ sử dụng thông tin, dữ liệu khai thác được từ hệ thống giám sát hành trình để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; kiểm soát, truy tìm phương tiện giao thông gây tai nạn bỏ chạy, đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại; truy xuất hành trình di chuyển của phương tiện phục vụ kiểm soát vận tải hành khách, vận chuyển hàng quá khổ, quá tải.

Trung tá Trịnh Xuân Tùng, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm về lắp đặt, duy trì hoạt động; vi phạm về cung cấp, cập nhật, truyền các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; hành vi sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị và các hành vi vi phạm khác nếu có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.