Vì mẹ là mẹ của con

GD&TĐ - Alô! Thành hả? Có về ăn cơm không con? Giọng bà Phấn buồn buồn qua điện thoại.

Vì mẹ là mẹ của con

1.- Con bận gặp khách hàng. Chắc về muộn. Mẹ ăn cơm một mình đi nhé! Vừa dứt câu, tiếng điện thoại cũng cúp rụp. Bà Phấn ngồi lặng lẽ bên bàn ăn, thẫn thờ nhìn xa xăm, bụng chẳng buồn ăn vì thiếu vắng con trai. Đôi mắt già nua của bà rưng rưng hướng ra bên ngoài khung cửa sổ chạng vạng bóng đêm với bao tâm sự. Nhiều khi bà tự nhủ lòng, ước gì con trai cứ mãi là đứa trẻ lên 3, lên 6 thì tốt biết mấy. Bà nghĩ và gượng cười rồi tự trách mình lẩn thẩn.

Chuông đồng hồ điểm 11 giờ đêm, tiếng cửa sắt mới ken két vang lên. Thành ngật ngưỡng bước vào nhà, trên người nồng nặc mùi bia rượu. Bà Phấn bước ra, đỡ và dìu con vào phòng. Cơn say cùng sự mỏi mệt sau một ngày làm việc khiến Thành li bì. Cho đến khi cổ họng khát cháy, Thành mới cố ngồi dậy lê từng bước ra nhà bếp tìm nước uống. Đôi mắt anh bỗng choàng mở khi nhìn thấy mâm cơm vẫn còn nguyên vẹn trên bàn. Mẹ vẫn chưa ăn cơm. Sao mẹ vẫn chưa ăn cơm? Trong sâu thẳm trái tim Thành lúc này bỗng thấy thương mẹ vô cùng. Thành nhẹ nhàng bước đến trước cửa phòng bà Phấn, hé mắt nhìn qua khe cửa, thấy mẹ nằm nhỏ thó trên giường đến tội nghiệp. Anh lững thững bước về phòng mình, lòng chất chứa bao suy tư trĩu nặng.

2. Thành tỉnh giấc khi tiếng chuông đồng hồ báo thức đã réo đến ba, bốn lần. Nghĩ đến cuộc hẹn với đối tác có tiếng liên quan đến dự án quan trọng của công ty sáng nay, anh vội vàng choàng dậy. Sau vài phút vệ sinh cá nhân, quần áo chỉnh tề, anh vội mang cặp táp bước đi.

- Con trai, mẹ đã chuẩn bị bữa sáng mà con thích nhất! Con ăn thử đi! Thành nhìn vào đĩa bánh rán hôi hổi nóng được rưới lên thứ nước mật mía màu vàng sánh, thơm phức mùi gạo nếp quê, dẫu rất muốn ngồi lại ăn với mẹ nhưng vì công việc nên anh lại từ chối.

- Con… con bận đi cho kịp giờ hẹn mẹ ạ! Nói rồi Thành vụt đi ra khỏi cửa như một cái bóng khiến nụ cười trên gương mặt bà Phấn đang rạng rỡ bỗng trầm lắng xuống như buổi trời chiều.

- Ừ… công việc mà. Con cứ đi đi! Bà Phấn buông lời động viên con nhưng kỳ thực, bà thấy lòng mình buồn buồn, trống trải vô cùng.

Bà Phấn từ quê lên thăm con đã được một tuần. Thế nhưng hầu như ngày nào Thành cũng bận việc. Chưa có bữa cơm nào Thành về ngồi chung bàn chung mâm với mẹ. Chỉ tại công việc của con bận quá! Bà Phấn cứ tự an ủi mình như thế mỗi khi ngồi chờ con hết bữa cơm trưa sang bữa cơm chiều cho đến tối khuya.

Sau khi bàn bạc và thống nhất hợp đồng hợp tác giữa hai công ty, Thành có ý mời đối tác dùng bữa cơm trưa, thế nhưng vị giám đốc kia mỉm cười nhìn Thành, từ chối:

- Xin lỗi anh, bữa nay, ông già tớ ở quê lên chơi. Lâu lắm rồi, gia đình mới có một bữa cơm đoàn tụ. Hẹn anh dịp khác! Nghe mấy lời từ chối của khách, anh bỗng đỏ bừng mặt. Anh sực nhớ đến mẹ anh ở nhà. Mẹ anh cũng lên thăm anh đến cả tuần nay, vậy mà chưa một bữa anh ngồi ăn cơm với mẹ. Đúng rồi. Vậy trưa nay, mình sẽ về nhà ăn cơm cùng mẹ. Anh vui vẻ chào tạm biệt đối tác rồi lên xe một mạch về nhà. Nhưng về đến nhà thì chỉ còn mảnh giấy được bà Phấn viết nghuệch ngoạc và đặt ngay ngắn trên bàn. “Thôi. Mẹ ở đây ít buổi được rồi. Mẹ phải về quê. Ở quê còn hương hỏa ông bà tổ tiên rồi ba con nữa. Không bỏ đi lâu được. Con nhớ giữ gìn sức khỏe. Khi nào có thời gian rảnh thì về thăm mẹ. À này… hơn 30 tuổi đầu rồi. Nhanh lấy vợ để mẹ còn có cháu bế bồng, cưng nựng. Mẹ đi chuyến xe ông Bằng quê mình sáng nay. Con yên tâm. Đừng lo cho mẹ”. Thành hối hận. Giọt nước mắt nóng hổi bỗng dưng lăn tròn trên má.

Ba Thành mất khi anh mới lên 3. Tuổi thơ Thành được bù đắp bằng tình yêu thương của mẹ. Mẹ Thành cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó. Vì Thành, bà quyết định ở vậy chứ chẳng tính chuyện đi bước nữa dẫu trong làng cũng có đôi ba người muốn được góp gạo thổi cơm chung cùng bà.

Bà Phấn không đẹp. Ông trời không cho bà nhan sắc nhưng đổi lại cho bà phẩm chất cao quý của một người phụ nữ truyền thống giàu đức hi sinh. Ngày ấy, vì muốn con trai được đến trường như bạn bè, bà Phấn không quản nắng mưa đi mót khoai, mót lúa rồi thì đi dẫm rạ, cắt cỏ thuê cho người làng. Thành nhớ có lần muốn nghỉ học để cùng mẹ san sẻ cảnh khốn khó nhưng bà Phấn đã nhất mực ngăn lại:

- Mẹ dù khổ thế nào cũng không cho con nghỉ học. Con cứ yên tâm học cho tốt. Mọi thứ mẹ có thể tự lo được.

Giờ đã là giám đốc của một công ty do mình tự lập nên, Thành có đủ điều kiện để bù đắp cho mẹ. Thế nhưng khi Thành năn nỉ mẹ lên phố ở cùng, bà chỉ lắc đầu cười:

- Mẹ quen với cuộc sống dưới quê rồi. Vả lại ở đây còn họ hàng, xóm giềng. Cách đây hai năm, Thành có dẫn người yêu về thăm mẹ. Nhưng sau lần ấy, chẳng thấy tăm hơi cô gái ấy đâu nữa. Bà Phấn hỏi lí do, Thành chỉ giải thích bâng quơ. Nghe đâu, cô gái đó chê mẹ Thành không má phấn môi son, áo quần luộm thuộm nên chủ động chia tay. Thành cũng không thiết tha với những cô gái như thế. Anh tập trung cho công việc. Thi thoảng mẹ gợi ý, anh chỉ cười:

- Khi nào tìm được cô gái nào giống mẹ, con mới yêu và quyết định cưới luôn. Tôn trọng quyết định của con trai, bà Phấn không thúc giục cũng không nhắc nhiều đến chuyện lấy vợ của con nữa. Số tiền con trai gửi về mỗi tháng, bà Phấn đều dành dụm cho mỗi khi đau ốm hay có công việc ma chay, hiếu hỉ; phần còn lại bà tiết kiệm để lo cho con sau này.

Dù đã có tuổi nhưng bà Phấn vẫn coi lao động là niềm vui của mình. Bà cuốc mảnh vườn nhỏ lên, trồng mấy thứ rau xanh đem ra chợ bán, còn lại thì dùng làm thức ăn hay cho hàng xóm mỗi khi lỡ bữa. Ở một mình nhưng nhà bà Phấn chẳng mấy khi vắng tiếng người. Mấy người bạn già trong xóm thường xuyên sang chuyện trò. Rồi thì lũ trẻ con quanh đó ngày nào cũng sang sân nhà bà, vừa túm tụm vui đùa quanh gốc ổi vừa nghe bà kể chuyện. Lâu lâu không thấy con về thăm nhà, bà lại lọc cọc bắt xe lên phố thăm con. Nào con gà, nào bó rau hay vài thứ quả trong vườn, bà đều gói ghém đem lên cho Thành như hồi anh còn học đại học.

3.Thành cất vội mảnh giấy mẹ viết bỏ vào cặp rồi lấy điện thoại ra gọi cho nhân viên công ty. Sắp xếp công việc ổn thỏa, anh lên xe phóng một mạch hơn cả trăm cây số về quê.

- Mẹ! Bà Phấn đang lúi húi nấu cơm chiều trong bếp thì nghe giọng Thành từ đầu ngõ vọng vào. Bà vui sướng nhưng không khỏi ngạc nhiên:

- Sao con lại về giờ này?

- Con về với mẹ. Vì mẹ là mẹ của con mà! Con xin lỗi vì đã để mẹ phải buồn lòng. Từ nay con sẽ dành thời gian về thăm mẹ nhiều hơn... Thành chạy đến vòng tay ôm lấy người mẹ yêu quý của mình. Trái tim anh như được sưởi ấm, lòng anh rưng rưng một nỗi niềm hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ