Vi khuẩn có thể sống nhiều năm trong vũ trụ

GD&TĐ - Những nghiên cứu mới đây cho thấy, một số dạng sống phổ biến trên Trái đất có thể tồn tại trong các điều kiện cực đoan của không gian vũ trụ đủ lâu để du hành giữa các thiên thể.

Trạm ISS.
Trạm ISS.

Đó có thể là các vi khuẩn thuộc loại Deinococcus. Vi khuẩn Deinococcus đã tồn tại suốt 3 năm bên ngoài Trạm Vũ trụ quốc tế trong điều kiện vi hấp dẫn, bức xạ vũ trụ cường độ cao và nhiệt độ cực đoan.

Giả thuyết cho rằng, các vi sinh vật có thể du hành giữa các hành tinh (thuyết tha sinh – panspermia), là một trong những thuyết được tranh luận nhiều nhất nếu nói về nguồn gốc sự sống trên Trái đất. Theo thuyết này, sự sống tồn tại trong vũ trụ và được phát tán giữa các hành tinh, các ngôi sao, thậm chí giữa các thiên hà, thông qua các tiểu hành tinh, sao chổi, thiên thạch hoặc bụi vũ trụ.

Khó khăn lớn nhất liên quan đến thuyết tha sinh là khả năng tồn tại của các sinh vật trong không gian vũ trụ, tuy nhiên các nghiên cứu mới chỉ ra rằng điều này là khả thi.

“Nguồn gốc sự sống trên Trái đất là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà khoa học có thể có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số người cho rằng, sự sống là rất hiếm hoi và chỉ xảy ra một lần trong vũ trụ; trong khi đó, một số người khẳng định là sự sống rất phổ biến và chỉ cần có một số điều kiện thích hợp là sự sống xuất hiện. Nếu thuyết tha sinh là khả thi thì sự sống có thể xuất hiện ở khá nhiều nơi” – Tiến sĩ Akihiko Yamagishi ở Trường ĐH Khoa học Sự sống và Dược, thuộc ĐH Tokyo (Nhật Bản), trưởng nhóm nghiên cứu Tanpopo, cho biết.

Vào năm 2018, sử dụng máy bay và khinh khí cầu, Tiến sĩ Yamagishi và nhóm Tanpopo đã phát hiện vi khuẩn Deinococcus trên độ cao 12 km so với mặt đất. Các nhà nghiên cứu nhanh chóng xác định được rằng các vi sinh này tạo ra các quần thể lớn, thường lớn hơn 1 mm và chịu được các điều kiện môi trường khắc nghiệt, chẳng hạn như bức xạ UV.

Để kiểm tra khả năng tồn tại của những vi khuẩn này, các nhà khoa học trong nhóm Tanpopo đã gửi chúng vào không gian vũ trụ. Vi khuẩn bị “nhốt” vào các bình chứa đặc biệt, để ở bên ngoài Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Hằng năm, các nhà thiên văn học trên Trạm ISS kiểm tra tình trạng vi khuẩn, sau đó gửi các bình chứa vi khuẩn về phòng thí nghiệm trên Trái đất.

Từ các nghiên cứu có thể thấy rằng, tất cả quần thể vi khuẩn với kích thước lớn hơn 0,5 mm tồn tại được qua chu kỳ 3 năm trong các điều kiện vô cùng khắc nghiệt của vũ trụ. 

Sử dụng dữ liệu liên quan đến sự sống vi khuẩn sau một, hai và ba năm phơi nhiễm bức xạ, các nhà khoa học xác định được rằng quần thể vi khuẩn với kích thước lớn hơn 0,5 mm có thể tồn tại bên ngoài Trạm ISS từ 15 đến 45 năm. Họ cũng thấy rằng, quần thể vi khuẩn với đường kính 1 mm có thể kéo dài cuộc sống đến 8 năm trong không gian vũ trụ. “Các kết quả cho thấy, vi khuẩn chịu bức xạ thuộc loại Deinococcus có thể sống sót trong hành trình từ Trái đất lên sao Hỏa” – Tiến sĩ  Yamagishi cho biết.

Nghiên cứu của nhóm Tanpopo cung cấp các chứng cứ tốt nhất về khả năng sống của vi khuẩn trong vũ trụ. Đây là nghiên cứu dài hạn đầu tiên, chứng tỏ vi khuẩn có thể tồn tại trong vũ trụ dưới dạng quần thể.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.