Khi bóng đá thăng trầm
Bức tranh kinh tế của VFF phụ thuộc lớn vào thành tích của các đội tuyển quốc gia, bởi nguồn thu chủ yếu của VFF trong những năm qua nằm ở số tiền tài trợ, hợp tác từ các thương hiệu bên cạnh tổ chức sự kiện, các giải bóng đá châu lục do chính VFF đăng cai.
Năm 2016, VFF rơi vào tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo tại đại hội thường niên, VFF chỉ kiếm được 60 tỉ đồng gồm cả hiện vật từ các tài trợ, quảng cáo trong 9 tháng đầu năm. Năm 2016, VFF đã tập trung 12 đội tuyển quốc gia, với trên 20 đợt tập huấn, điều này trở thành gánh nặng lớn.
Lãnh đạo VFF thời điểm đó cho biết với nguồn thu thấp như vậy sẽ không đủ kinh phí hoạt động cho năm tới. Đầu năm 2017, khi Tết Nguyên đán cận kề, đội tuyển Futsal đã tặng lại số tiền thưởng 40.000USD sau chiến tích giành vé dự Futsal World Cup 2016 để chia sẻ và giúp “giải cứu Tết” cho cán bộ, nhân viên VFF.
Ông Trần Anh Tú là Uỷ viên Thường trực VFF đồng thời là ông bầu futsal đã phản ứng khá nhanh trong tình huống này. Tuy nhiên, đó được xem như nốt trầm lớn nhất của bóng đá Việt Nam sau những thành tích tệ hại của các đội tuyển quốc gia.
Với những thành công vang dội trong 2 năm 2018 và 2019, VFF cũng thắng lớn. Ví dụ 2019, doanh thu dự kiến là 165 tỉ đồng nhưng đạt 240 tỉ đồng, tăng trưởng tới gần 150% nhờ vào thành tích ấn tượng của các đội tuyển quốc gia, với lợi nhuận thu về tăng 747%.
Thế nhưng nhiều khả năng, năm 2020 con số này sẽ giảm sâu vì dịch COVID-19. Thế nên việc giảm lương nhân viên chỉ là động thái đầu tiên trong kế hoạch ứng phó với khó khăn, trước bài toán tìm ra giải pháp không thua lỗ. Đây là điều mà VFF lường trước, trong bối cảnh khó khăn chung và bóng đá chịu tác động trực tiếp.
Chờ cú hích cuối năm
Tình trạng khó khăn ảnh hưởng đến cả thế giới, với việc bóng đá đang “đóng băng” thì tất cả kế hoạch chỉ nằm trên giấy, mang tính tham khảo. Bức tranh kinh tế chỉ có thể được nhìn nhận rõ hơn khi bóng lăn trở lại, thế nhưng thời gian thì vẫn chưa thể xác định.
Năm 2020, bóng đá Việt Nam hướng đến 2 giải đấu lớn là AFF Cup và Vòng loại World Cup 2022. Một lãnh đạo VFF cho rằng, đây là 2 sự kiện lớn để hy vọng Đội tuyển Việt Nam có kết quả tốt, tạo cú hích cho bóng đá Việt Nam. Thậm chí, bóng đá còn được trông đợi sẽ tạo ra một hiệu ứng xã hội tích cực để kéo lại không khí ảm đạm do dịch COVID-19 gây ra, tất nhiên với trường hợp các giải đấu được diễn ra đúng lộ trình.
Mới đây, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cũng đề cập đến giải pháp hỗ trợ tài chính cho các liên đoàn Bóng đá thành viên. Người đứng đầu FIFA cũng hướng đến các giải pháp hỗ trợ các Liên đoàn thành viên: “Đầu tiên là xem xét những khó khăn của lịch thi đấu quốc tế. Tôi hiểu rằng các liên đoàn thành viên đang phải bảo vệ đội tuyển quốc gia. Bạn cũng cần tìm cách để cân bằng và bảo vệ các câu lạc bộ, bởi đó chính là sức sống trong môn thể thao của chúng ta. Bên cạnh đó, các hợp đồng của cầu thủ và thời gian chuyển nhượng cũng cần được xem xét, chúng ta cần phải linh hoạt và nhạy bén trong những cách tiếp cận vấn đề”.
Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, người phụ trách mảng tài chính và vận động tài trợ của VFF, cho rằng vấn đề chuyên môn và vận động tài trợ có liên quan mật thiết đến nhau trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Thành tích của các đội tuyển là một phần, cái quan trọng hơn chính là một chương trình hành động có tầm nhìn...