(GD&TĐ) - Những tin đồn đã được xác nhận. Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã đi nghỉ 1 tháng vì lý do sức khỏe. Những kẻ gièm pha đang phao tin số phận của bà rất có thể sẽ đi theo Hugo Chavez và hy vọng đảng “Mặt trận Chiến thắng” của bà sẽ thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 10 tới. Thời gian gần đây, những nhà lãnh đạo cánh tả ở Mỹ - Latinh liên tục ngã bệnh. Không ít ý kiến cho rằng, việc này có bàn tay can gián của CIA...
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner |
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã nhập viện vào thứ bảy tuần trước, sau khi phát hiện chất lỏng trong não. Theo người phát ngôn của Tổng thống Alfredo Skochchimaro, công tác chẩn đoán cho thấy máu đã tụ dưới màng cứng. Kết luận y khoa chính thức cho biết, chấn thương này có thể là hậu quả của lần Cristina Fernandez de Kirchner bị ngã và ngất xỉu vào ngày 12/8 vừa rồi.
Đây không phải là lần đầu tiên sức khỏe của Cristina Fernandez de Kirchner bị đe dọa. Vào năm 2009, cũng với lý do trên, Tổng thống Argentina phải hoãn chuyến thăm Cuba, Tháng 4/2011, vào đêm trước của cuộc bầu cử Tổng thống, Cristina Fernandez de Kirchner hoãn chuyến thăm Mexico, vào tháng 5/2011, bà không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khu vực ở Paraguay...
Các bác sĩ đang tìm mọi cách cứu chữa cho Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, nhưng có lẽ phải mổ hộp sọ. Còn nhớ cách đây 2 năm, Cristina Fernandez de Kirchner phải mổ khối u tuyến giáp, nhưng kết quả sinh thiết khẳng định là u lành tính.
Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đang là cái cớ để truyền thông phương Tây bóp méo, xuyên tạc khả năng lãnh đạo của bà. Còn phe đối lập ở Argentina thì hả hê vì tin rằng Cristina Fernandez de Kirchner khó có thể giúp đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra.
Cristina Fernandez de Kirchner không dùng những lời lẽ mang tính cách mạng như cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, nhưng trong danh sách những Tổng thống Mỹ-Latinh “cần phải loại khỏi quyền lực” của phương Tây, bà xếp thứ 2.
Báo El Periodico (Tây Ban Nha) viết: Cristina Fernandez de Kirchner ngã và bị thương vào ngày hôm sau, sau khi đảng của bà thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của Quốc hội mở. Tờ báo dẫn lời Nelson Castro - tác giả cuốn sách “Bệnh nhân nắm quyền. Sức khoẻ của Tổng thống và những hậu quả” cảnh báo về “trạng thái xúc cảm xấu của Kirchner”, sự sụt giảm tín nhiệm của nữ Tổng thống giữa tầng lớp trung lưu. Theo Nelson Castro thì “căn bệnh này thực sự là tin xấu đối với chính phủ”. Các cuộc thăm dò dư luận xã hội phản ánh cán cân quyền lực không nghiêng về Cristina Fernandez de Kirchner ở những điểm bầu cử lớn như Buenos-Aires.
Tờ báo đối lập Clain viết: Mặc dù bệnh nặng nhưng Tổng thống vẫn có ý tiếp tục nắm quyền. “Trong bí mật tuyệt đối, khả năng uỷ thác quyền hạn vẫn là một trong những bất ổn lớn của chính sách hiện nay”- Clain nhấn mạnh. Clain kết luận: Chỉ số tín nhiệm của Cristina Fernandez de Kirchner và đảng “Mặt trận Chiến thắng” đã lùi vào dĩ vãng.
Thời gian gần đây, Cristina Fernandez de Kirchner đã thanh toán tất cả những khoản nợ của Argentina ở IMF và các quỹ khác. Để hỗ trợ các chương trình xã hội, bà giữ tỷ giá đồng peso và quốc hữu hoá các ngành công nghiệp xuất khẩu. Vào tháng 9/2008, Cristina Fernandez de Kirchner đã nói với người Mỹ rằng Washington phải có kế hoạch “B” cho nền kinh tế của họ chứ không phải Argentina. Giờ đây, câu nói của Cristina Fernandez de Kirchner đã thành sự thật. Mỹ khó có thể thoát khỏi khủng hoảng nợ công, trong khi Argentina đã thoát khỏi khủng hoảng và nền kinh tế của họ đang ung dung tăng trưởng với dự kiến 6% trong năm 2014.
Về chính trị, Cristina Fernandez de Kirchner liên minh chặt chẽ với khối cánh tả ở Mỹ - Latinh gồm Hugo Chavez ở Venezuela, Evo Morales (Bolivia)và Daniel Ortega ở Nicaragua.
Tổng thống Argentina hợp tác với Iran để điều tra vụ nổ bom tại Amia - trung tâm của người Do Thái ở Buenos Aires vào năm 1994; lên tiếng chỉ trích can thiệp của Mỹ và Syria và không ngớt gọi Mỹ là “kẻ hai mặt”.
Đường lối chính trị của Cristina Fernandez de Kirchner tất nhiên làm người Mỹ tức giận.
Và tất cả các cuộc thảo luận về căn bệnh của Cristina Fernandez de Kirchner do truyền thông phương Tây tổ chức không nhằm ngoài mục đích “hạ bệ” uy tín của bà trước thềm cuộc bầu cử quốc hội ở Argentina dự kiến diễn ra vào ngày 27/10 tới.
Duy Long (TH)