Vé VIP, người không VIP

GD&TĐ - Có tiền mua được vé máy bay hạng thương gia nhưng ứng xử văn hóa, văn minh là thứ không bao giờ mua được bằng tiền.

Vé VIP, người không VIP

Năm 2014 tại Hàn Quốc có vụ “hạt macca nổi giận” làm dậy sóng dư luận toàn thế giới. Cho Hyun-ah, con gái của Chủ tịch Tập đoàn hàng không Korean Air, đã nổi giận quát mắng một tiếp viên nam trẻ tuổi trên chuyến bay của KA từ New York, chỉ vì anh này phục vụ cô món hạt macca đựng trong túi thay vì đựng trong đĩa. Quát tháo không đã, cô còn bắt tiếp viên trưởng quỳ xuống rồi lớn tiếng buộc máy bay quay trở lại cổng xuất phát, đuổi tiếp viên trưởng ra khỏi máy bay khiến hàng trăm hành khách bị trễ chuyến.

Hôm sau Cho đã phải cúi đầu xin lỗi trước vô số ống kính phóng viên. Rồi cô bị Bộ Giao thông Hàn Quốc thẩm vấn và cuối cùng bị kết án một năm tù - nhưng chỉ phải ngồi tù 5 tháng trước khi được tại ngoại.

Không chỉ là con gái Chủ tịch Korean Air, Cho còn là Phó Chủ tịch, Giám đốc bộ phận dịch vụ trên máy bay của tập đoàn. Ở cương vị quan trọng như thế, lẽ ra Cho phải là người cư xử lịch thiệp nhất, nhưng cô đã lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để bắt nạt và làm tổn hại đến người khác.

Có một số người có tâm lý khá kỳ lạ, khi nghĩ rằng mình có quyền, có tiền, có thể dựa hơi ai đó, lập tức trở nên coi thường mọi người xung quanh, hành xử đe dọa, thô bạo, tầm thường.

Đó cũng là câu chuyện của một đại gia bất động sản ầm ĩ trên báo chí cuối tuần qua. Bay hạng thương gia, là khách VIP, nhưng người này say rượu, sàm sỡ hành khách nữ, đe dọa tiếp viên, khi bị phản ứng thì dọa dẫm: “Mày có biết tao là ai không”!

Mọi người xung quanh có thể không biết ông ta là ai, nhưng chắc chắn họ biết đó là một người có tiền, nhưng lại thiếu nền tảng văn hóa và nhân cách. Có thể có nhiều tiền để bay trong khoang VIP, nhưng ông ta không tôn trọng mọi người, cư xử như nơi chợ búa, với những hành vi xúc phạm nhất đối với một phụ nữ.

Họ cũng sẽ biết đó là một kẻ nịnh trên nạt dưới. “Mày có biết tao là ai không?” – phát ngôn sừng sộ định khoe về quan hệ với giới chức sắc đã được ghi trong biên bản như bằng chứng không thể chối cãi về một kẻ sẵn sàng quát nạt những người mà họ nghĩ là yếu thế hơn mình, nhưng lại nhũn như chi chi khi đối đầu với sự ứng xử ngay thẳng, kiên quyết.

Đừng nói vì say rượu mà ông ta cư xử như vậy. Một người tự chủ sẽ biết mình có thể thiếu kiềm chế ra sao khi có hơi men để tránh uống dù chỉ một ly, để chặn trước nguy cơ làm phiền người khác, nhất là khi sẽ tham gia hoạt động ở không gian công cộng.

Hành khách này có thể rất giàu có để mua vé bay hạng thương gia, để sở hữu nhiều bất động sản, nhưng hóa ra câu “Những gì không thể mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” vẫn sai. Ứng xử có văn hóa, sống có nhân cách là thứ không bao giờ có thể mua được, mà chỉ có thể trau dồi, tích lũy bằng sự giáo dục, bằng ý thức, bằng trải nghiệm sống.

Cô con gái ông chủ hãng hàng không, đại gia bất động sản kia rất có thể lấn át được người khác ở một khoảnh khắc nào đó, bởi quyền lực mà họ có, hoặc họ nghĩ là họ có, nhưng để

giành được sự tôn trọng, thật ra là thách thức khó hơn nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.