Sức khỏe suy giảm đồng nghĩa với việc thu nhập kém trong khi chi phí để điều trị, bồi dưỡng sức khỏe lại tăng. Vòng luẩn quẩn trên sẽ chỉ được giải quyết khi mọi người cùng quan tâm đến gốc rễ của vấn đề.
Ô nhiễm từ nhà ra ngõ
Biến đổi khí hậu ngày càng để lại hậu quả nặng nề. Là nước đứng thứ 5 về thiệt hại do thiên tai, mỗi năm, nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 - 8 cơn bão với sức tàn phá lớn nhỏ khác nhau.
Trong năm 2016, sau đợt rét đậm kéo dài ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ lại hứng chịu hạn hán kéo dài.
Tiếp đó, bão lũ thay nhau đổ về khiến cuộc sống người dân rơi vào khốn khó. Có thể nói, năm 2016 được coi là năm thiên tai bất thường, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ đông xuân giảm 1,34 triệu tấn.
Không chỉ thiệt hại về kinh tế, thiên tai đi qua để lại cho người dân bao nỗi lo lắng. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Dù là hạn hán hay bão lũ, đi đến đâu cũng cùng cảm nhận là mùi hôi thối, rác thải, xác súc vật có mặt ở khắp nơi.
Nguồn nước, rau cỏ, ruộng đồng đều ô nhiễm tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát trong khi sức khỏe của người dân giảm sút sau những ngày vật lộn với thiên tai.
Môi trường ngoài cộng đồng thì vậy, trong mỗi nhà dân, vệ sinh môi trường cũng là vấn đề nổi cộm. Tình trạng nhà cửa khang trang, sạch sẽ nhưng nơi cần vệ sinh nhất là nhà vệ sinh lại bẩn hoặc không có.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), đến hết năm 2015 mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Cả nước vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường nhất là tại các khu vực miền núi.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn phổ biến. Hoặc ngay tại Hà Nội, ở một số làng người dân không có thói quen xây dựng nhà vệ sinh trong nhà nên nhà giàu, nhà nghèo đều dùng cầu tõm hoặc “xả hơi” ở bãi đất trống trong làng…
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập, làm việc, chất lượng dịch vụ và sự phát triển kinh tế.
Trả giá bằng sức khỏe
Vệ sinh môi trường yếu kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mất đi khoảng 780 triệu USD mỗi năm do vệ sinh môi trường chưa tốt.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường - cho biết: Đã có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần ngăn chặn các dịch, bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, tay chân miệng, góp phần phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.
Một nghiên cứu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới đã chứng minh trẻ em sống trong cộng đồng mà tất cả mọi người đều sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có chiều cao trung bình cao hơn 3,7cm so với trẻ em sống ở cộng đồng có nhiều người còn phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.
Theo ông Friday Nwaigwe - Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - chỉ rõ:
Điều kiện vệ sinh kém đã dẫn đến tỷ lệ cao người mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh giun sán. 1/3 trường hợp trẻ tử vong ở trẻ em Việt Nam liên quan đến suy dinh dưỡng và điều này có liên quan mật thiết đến bệnh tiêu chảy và giun sán.
Xác định, nâng cao sức khỏe người dân, bắt đầu từ nhà vệ sinh và nước sạch, do vậy, UNICEF và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng hợp tác cải thiện nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh cho 30.000 người dân bị thiệt thòi nhất, trong đó có 10.000 học sinh và 15.000 phụ nữ ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn là Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Kon Tum và Gia Lai.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, Hội và UNICEF cùng các đối tác sẽ tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho 24 trường ở 12 xã trong 4 tháng kế tiếp.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương thì cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức, cần truyền thông để nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Quy trách nhiệm rõ ràng để lãnh đạo đơn vị, địa phương quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh tại các cơ quan, trường học, bệnh viện... Không để tình trạng các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành mất vệ sinh.