Về nhà đi con: Chan chứa yêu thương

GD&TĐ - Chiếm sóng VTV1 vào khung giờ vàng từ tháng 4 và đến nay đã đi được hơn một nửa chặng đường, bộ phim truyền hình “made in Việt Nam” Về nhà đi con đã không khiến khán giả cảm thấy lê thê mà trái lại, dường như, ngày mỗi ngày, ai ai cũng đều ngóng, mong xem bố con ông Sơn thương yêu, đùm bọc nhau như thế nào trước biết bao giông bão của cuộc đời…

Về nhà đi con - Người cha luôn là điểm tựa yêu thương
Về nhà đi con - Người cha luôn là điểm tựa yêu thương

Từ điểm tựa yêu thương

Chỉ cần một click chuột trên google với từ khóa Về nhà đi con chưa đầy một giây sẽ có đến hơn 130 triệu kết quả. Những thước phim online, những bài báo, comment của khán giả cùng biết bao lý giải vì sao bộ phim này đang được nhà nhà, người người đón đợi sau một ngày lao động, làm việc, học tập… Cùng với những lý giải về một ekip sáng tạo, tâm huyết từ đạo diễn, quay phim cho đến dàn diễn viên nổi tiếng và khá tròn vai… thì có lẽ chìa khóa của Về nhà đi con còn là những tiếng yêu thương gia đình gần gũi và lay động lòng người…

Có thể, ở những thước phim đầu, khán giả có phần bất bình trước một người bố gia trưởng, trọng nam khinh nữ như ông Sơn. Nhưng, càng bước dần vào mỗi tập phim, khán giả vừa như thấy bóng dáng gia đình mình ở đó, vừa dâng trào cảm xúc, có khi là cảm thông cùng nhân vật, cũng có khi là những khát khao được yêu thương, chở che…

Người đàn ông “gà trống nuôi con” như ông Sơn cũng đã có một thời giống như bao người đàn ông Việt Nam khác, không thoát khỏi cái quan niệm cổ hủ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Khi biết vợ mang thai đứa con thứ ba cũng là gái, ông đã bỏ mặc để rồi chính ông là người gián tiếp gây ra cái chết của vợ mình. Những tưởng, người đàn ông ấy sẽ trượt dài, sẽ buông tay… Nhưng không, cũng từ lỗi lầm ấy mà ông Sơn dành cả phần đời của mình cho 3 cô con gái để nuôi dạy các con bằng cả tâm sức, lòng vị tha và luôn là điểm tựa yêu thương cho các con.

Khi biết cô con gái cả bị sảy thai vì người chồng cờ bạc, cô con gái thứ mang bầu, ông đã không hắt hủi mà rủ rỉ với con rằng: “Thôi, cứ về với bố”; “Không được làm điều dại dột. Cứ về với bố, bố nuôi được cả ba đứa ăn học nên người sao bố không nuôi được cháu bố”. Khi biết cô con gái út chơi điện tử, bỏ thi ông đã không mắng mà chỉ xoa đầu bảo: “Con chính là đứa thông minh nhất nhà, con không học thật phí”. Thật xúc động trước những hình ảnh ông Sơn ngồi lặng lẽ trong phòng khách, bên chiếc bàn kê ở ô cửa sổ đợi các con về; ông Sơn ngập ngừng những bước chân trên cầu thang hướng lên phòng các con; ông Sơn nấu những bát cháo làm lành với con…

Nuôi dưỡng tình yêu gia đình

Ba cô con gái của ông Sơn là Thư, Huệ, Dương - mỗi người mỗi vẻ. Nếu như Huệ hiền lành, nhẫn nhịn, Thư đanh đá, láu cá được ông Sơn tin yêu hơn cả thì cô em út Ánh Dương lại ngang tàng, luôn khiến ông đi hết từ hiểu lầm này đến hiểu lầm khác và luôn sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Luôn là những va chạm chan chát giữa cha và con bất kỳ lúc nào giáp mặt nhưng ẩn sâu trong đó lại là biết bao yêu thương mà mỗi người dành cho nhau nhưng không dám thừa nhận. Ánh Dương về muộn là ông Sơn chờ cho kỳ được rồi mới ngủ. Thấy cha húng hắng ho là Ánh Dương làm vụng lọ chanh muối, vờ để ở gian bếp…

Sự thức tỉnh của người cha ấy trước lỗi lầm năm xưa rất đặc biệt khi một mặt ông cố gắng dạy dỗ cho con mình những nề nếp gia giáo, một mặt ông luôn cố gắng hoàn thiện mình qua những bài học từ chính… các con. Nghe đứa con gái ngang tàng Ánh Dương hét lên: “Sao bố chỉ biết đánh con mà sao không kiên nhẫn hỏi con?”, ông đã giật mình để rồi ngay hôm sau đến tận trường đón con và nhận sai cùng lời xin lỗi. Dẫu chạnh lòng khi luôn là người cuối cùng biết chuyện về các con song ngay hôm sau ông đã hý hoáy tự chơi game để xem trò này có gì mà hấp dẫn bọn chúng thế? Hay ông ngơ ngác hỏi lại đứa con gái út là có câu “thích thì nhích”?... Ông bố khắc khổ ấy luôn bận rộn và bộn bề giữa muôn vàn chuyện lớn, chuyện nhỏ của những đứa con nhưng lại thật dũng cảm khi dám bước qua được biết bao nhiêu khuôn phép xã hội để luôn giữ được những đứa con bên mình khi có trái tim tràn ngập yêu thương để là điểm tựa cho các con trước giông bão cuộc đời.

Và, những đứa con của ông Sơn, có thể mỗi người mỗi tính, mỗi nết nhưng từ điểm tựa yêu thương ấy họ cũng có trái tim biết yêu thương, biết nuôi dưỡng tình yêu gia đình. Nhẫn nhịn sống cùng người chồng ham cờ bạc, cùng cô em chồng tai quái cũng là vì Huệ không muốn bố phải lo lắng cho mình. Chịu mang tiếng là mang thai để lừa gạt cũng là vì với Thư: “Đời tôi sai thì tôi chịu. Nhưng tôi không cho phép ai động đến gia đình tôi. Không cho phép ai làm bố tôi phải khổ”. Còn với Ánh Dương, cô như một người hùng dám đứng ra bảo vệ những người chị của mình không bị ức hiếp và cô cũng luôn không muốn bố phải lo cho mình bất kỳ chuyện gì.

Những hình ảnh mỗi khi gặp sóng gió, gia đình ấy lại quần tụ bên nhau để bao bọc, động viên và cùng tìm hướng giải quyết; những cô con gái gục đầu vào lòng bố sao mà ấm áp, thân thương. Những hình ảnh ấy có lẽ đã lay động và làm rơi nước mắt biết bao khán giả khi ngẫm về cuộc sống bộn bề hôm nay dường như vẫn còn đó những ích kỷ, bon chen mà thiếu vắng lòng bao dung, vị tha, yêu thương từ mỗi thành viên gia đình…

Bộ phim truyền hình Về nhà đi con (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, biên kịch Nguyễn Thu Thủy, Khánh Hà, Thu Trang, Thủy Tiên với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Trung Anh (ông Sơn), Thu Quỳnh (Thu Huệ), Bảo Thanh (Anh Thư), Bảo Hân (Ánh Dương)… lấy cảm hứng từ bộ phim truyền hình Khi người đàn ông góa vợ bật khóc (2013) đang được chiếu trên kênh VTV1 lúc 21 giờ từ thứ 2 đến thứ 6.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ