Số liệu năm 2016 cho thấy, số trẻ em nam là 11,5 triệu người, số trẻ em gái là 10,6 triệu người. |
Theo cuốn sách “Thông tin thống kê giới tại Việt Nam năm 2016” của Tổng cục Thống kê vừa được ra mắt sáng 30/7, tính đến thời điểm ngày 1/4/2016, tổng dân số của Việt Nam đạt hơn 92,4 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với thời điểm ngày 1/4/2015. Trong đó, nam giới có hơn 45,5 triệu người, nữ giới gần 47 triệu người.
Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 68% tổng số dân số. Nhóm dân số dưới 15 tuổi chiếm 24% trong tổng dân dố. Trong đó, tỷ lệ trẻ em nam chiếm 52%, tỉ lệ trẻ em nữ chiếm 48%.
Đáng nói, bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21, ở nhóm dân số dưới 15 tuổi, số trẻ em nam luôn cao hơn số trẻ em nữ.
Cụ thể, số liệu điều tra biến động dân số và KHHGĐ năm 2010 cho thấy, số trẻ em nam là 11,2 triệu người trong khi số trẻ em nữ là 10,2 triệu người. Số liệu năm 2016, số trẻ em nam là 11,5 triệu người, số trẻ em gái là 10,6 triệu người.
Điều này phản ánh phần nào tập quán lạc hậu “trọng nam khinh nữ” và tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng thiếu hụt trẻ em gái sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nữ giới ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai và kéo theo rất nhiều hệ lụy khác như: Tình trạng kết hôn sớm ở nữ giới, gia tăng tệ nạn xã hội, buôn bán trẻ em, phụ nữ, tăng bất bình đẳng giới …
Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng (103 - 107 bé trai/100 bé gái), Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo cụ thể trong các chiến lược, chương trình như: “Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020”; “Chương trình hành động quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020”; đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025” và các văn bản chính sách khác…
Tuy nhiên, để đưa tỷ số sinh về mức tự nhiên trong tương lai sẽ rất cần có những chính sách phù hợp cũng như những hành động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh.