Vàng son và vực thẳm của những thần đồng

GD&TĐ - Thần đồng được xã hội tôn vinh vì đạt nhiều thành tích chói sáng trong cuộc đời ngắn ngủi.

“Bác sĩ tử thần” Jack Kevorkian thực hiện 130 cái chết.
“Bác sĩ tử thần” Jack Kevorkian thực hiện 130 cái chết.

Đôi khi, một thần đồng lớn lên nhưng không còn đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều thần đồng đến giai đoạn trưởng thành lại là hiện thân cho những điều tiêu cực, xấu xa trong xã hội.

Tài năng piano Julian Edgren

Julian Edgren từng nổi tiếng với khả năng chơi đàn piano.
Julian Edgren từng nổi tiếng với khả năng chơi đàn piano.

Thời thơ ấu, Julian Edgren, 26 tuổi, nổi tiếng với tài chơi piano cừ khôi. Anh là thành viên trong câu lạc bộ âm nhạc của Nhạc viện Westminster, bang New Jersey (Mỹ) ngay từ khi còn học trung học.

Nhờ tài năng chơi piano, Edgren trúng tuyển Trường Đại học Princeton danh tiếng nhất nhì nước Mỹ, là thành viên trong câu lạc bộ Piano của trường. Tuy nhiên, Edgren khiến mọi người sửng sốt khi bị đuổi khỏi ĐH Princeton và bị kết tội liên quan đến ma túy.

Vào năm 2015, khi Edgren là sinh viên năm ba của ĐH Princeton, vấn nạn nghiện ma tuý và sử dụng ma túy quá liều ngày càng trở nên phổ biến tại Mỹ và trên thế giới. Những người nghiện ma tuý bị xúi giục, rủ rê bởi những kẻ buôn bán và tàng trữ ma túy trái phép.

Julian Edgren là một trong những “đầu dây” cung cấp ma tuý cho sinh viên ĐH Princeton. Tháng 12/2014, các đặc vụ liên bang đã theo dõi một gói hàng gửi từ nước ngoài cho Edgren, trong đó chứa 7 gam thuốc lắc. Tháng 1/2015, khi đang ký nhận gói hàng cùng hai người bạn, Edgren bị bắt. Cùng thời điểm này, Edgren mang theo người 55 gam cần sa, 5 gam tinh dầu cần sa và khoảng 10g chất gây ảo giác LSD.

Tháng 11/2015, Edgren bị kết án năm năm tù. Tuy nhiên, một năm sau, anh được ân xá. Anh không bao giờ quay lại ĐH Princeton hay tiếp tục theo đuổi sự nghiệp piano.

Huyền thoại cờ vua Bobby Fischer

Bobby Fischer sống ẩn dật sau khi vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Bobby Fischer sống ẩn dật sau khi vi phạm lệnh cấm của Mỹ.

Bobby Fischer (1943 - 2008) là thiên tài cờ vua người Mỹ. Ông thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý người Đức Hans Gerhardt Fischer. Từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện tính cách kiêu ngạo, ngang bướng, bốc đồng và lối sống khác biệt so với nhiều đứa trẻ khác.

Fischer luyện tập chơi cờ vua một mình ngay từ nhỏ do gia đình không ai có thời gian hoặc niềm đam mê với bộ môn này nhiều như ông. Nhờ việc tự luyện, Fischer đã xây dựng cảm nhận về bàn cờ, các nước đi và khả năng suy luận chặt chẽ.

Năm 13 tuổi, Fischer tham gia trận đấu cờ vua với giáo sư đại học Donald Byrne, kiện tướng quốc tế, cựu vô địch giải Mỹ Mở rộng. Trước khi thi đấu, ông đã nghiên cứu những ván cờ và chiến thuật của Byrne và giành chiến thắng trước đối thủ nặng ký. Ván cờ ở tuổi 13 của Fischer được mệnh danh là ván cờ của thế kỷ.

Năm 15 tuổi, Fischer trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất và là ứng viên trẻ nhất cho giải vô địch cờ vua thế giới. Ông tham gia thi đấu và giành chiến thắng trước kỳ thủ người Liên Xô, Boris Spassky. Chiến thắng khiến Fischer được coi như “người hùng” của dân tộc dưới thời chiến tranh lạnh năm 1972.

Năm 1975, kiện tướng Liên Xô Anatoli Karpov đã giành quyền thách thức danh hiệu cờ vua của Fischer. Tuy nhiên, Fischer từ chối đấu với Karpov. Sau đó, Karpov được Liên đoàn Cờ vua thế giới công nhận là vua cờ mới.

Năm 1992, Fischer đến Sveti Stefan (Nam Tư) để tái đấu không chính thức với Spassky dù điều này vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Dù chiến thắng đối thủ, Fischer bị truy nã tại Mỹ vì vi phạm lệnh cấm đến Nam Tư. Từ người hùng, ông trở thành đối tượng truy bắt của cảnh sát.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Fischer thậm chí tuyên bố muốn nhìn nước Mỹ bị xoá sổ. Sự chống đối nước Mỹ này do Fischer luôn tự nhận bản thân là nạn nhân của âm mưu bài Do Thái. Sau tuyên bố trên, ông tiếp tục sống lẩn trốn.

Đến tháng 7/2004, Fischer bị bắt giữ tại Nhật Bản vì sử dụng hộ chiếu giả. Ông phải ngồi tù vài tháng trước khi nhập quốc tịch Iceland vào năm 2005.

Năm 2008, Fischer qua đời ở tuổi 64 vì bệnh thận. Kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, người từng thua Fischer năm 1971 nhận xét: “Fischer bị bàn cờ chi phối suốt cuộc đời và qua đời sau khi đi hết 64 ô”.

“Bác sĩ tử thần” Jack Kevorkian

Sinh ra ở Michigan, Mỹ, Jack Kevorkian (1928 - 2011) bộc lộ tố chất thần đồng ngay từ nhỏ. Cậu bé Kevorkian luôn thắc mắc về mọi thứ xung quanh, nắm rõ các sự kiện và sẵn sàng thể hiện kiến thức cho bất kỳ ai lắng nghe. Năm lớp 6, Kevorkian tự học tiếng Đức và tiếng Nhật. Tốt nghiệp THPT vào năm 1975 ở tuổi 17, Kevorkian đăng ký vào Trường Y thuộc Đại học Michigan. Ông trở thành bác sĩ vào năm 1952.

Trong một chuyến công tác tại Hà Lan, Kevorkian chứng kiến các bác sĩ tiêm “mũi tiêm giải thoát” cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tin rằng đây là cách hành xử nhân đạo, Kevorkian bắt đầu ủng hộ quyền được chết.

Ông tin rằng, người bệnh trong giai đoạn cuối có quyền lựa chọn cái chết cho bản thân. Việc giúp họ được chết sẽ nhẹ nhàng hơn cố gắng cứu chữa và để người bệnh trong đau đớn. Hầu hết, đồng nghiệp đều không tán thành với tư tưởng của Kevorkian, nhận xét ông là người dã man.

Dù không được ủng hộ, Kevorkian vẫn tiếp tục lý tưởng của mình. Ông chế tạo ra “cỗ máy tự tử” Mercitron để giúp các bệnh nhân của mình tìm đến cái chết nhẹ nhàng. Cho đến năm 1998, Kevorkian đã thực hiện 130 cái chết, trong đó có những nạn nhân không ở trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Điều này khiến chính quyền địa phương coi hành động của Kevorkian là một tội ác. Dù vậy, Kevorkian liên tục khẳng định quyền được chết là ngang hàng với quyền được sống và những điều ông làm đều vì bệnh nhân.

Năm 1999, Kevorkian bị kết tội giết người, phải ngồi tù 25 năm. Sau nhiều lần kháng cáo không thành, Kevorkian phải ngồi tù 8 năm. Năm 2007, Kevorkian được ân xá. Dù không quay lại hành nghề y, Kevorkian vẫn chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình trước cái chết. Năm 2011, ông qua đời vì mắc bệnh về tim và thận.

Tài năng bầu dục Aaron Hernandez

Aaron Hernandez tự tử trong xà lim.
Aaron Hernandez tự tử trong xà lim.

Aaron Hernandez (1989 - 2017) sinh ra ở Bristol, bang Connecticut. Ngay từ nhỏ, Hernandez đã nổi tiếng trong thị trấn nhờ kỹ thuật chơi bóng bầu dục xuất sắc. Suốt những năm cấp 2, cấp 3, Hernandez được mọi người yêu mến.

Năm Hernandez 16 tuổi, cha anh qua đời. Theo mẹ của Hernandez, cái chết của cha đã có tác động rất lớn đến Hernandez, nhất là tính khí nổi loạn của anh.

Tuy nhiên, tài năng thiên phú trong lĩnh vực bóng bầu dục đã giúp Hernandez nhận được học bổng từ nhiều trường đại học. Sau khi chơi trong câu lạc bộ của Trường Đại học Florida, Hernandez được NFL (Giải Bóng bầu dục quốc gia tại Mỹ) mời về chơi cho đội tuyển New England Patriots.

Sự nghiệp của Hernandez chấm dứt vào ngày 26/6/2013 khi anh bị bắt vì tội giết người. Nạn nhân là Odin Lloyd, nhân viên làm vườn tại một công ty chăm sóc cây xanh. Đội điều tra tìm thấy điện thoại di động của nạn nhân bị đập nát, vứt ngay sát hàng rào biệt thự của Hernandez. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện dấu vân tay của Hernandez trên trang phục lao động của Lloyd.

Trong quá trình mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện lý lịch của Hernandez không mấy trong sạch. Khi còn là trẻ vị thành niên, Hernandez nhiều lần bị bắt giữ, xử phạt hành chính vì tội gây mất trật tự nơi công cộng. Anh được đặc cách vào Trường Đại học Tổng hợp Miami, bang Florida nhờ thành tích thể thao trong những năm trung học.

Qua điều tra, cảnh sát tiếp tục phát hiện Hernandez có liên quan đến vụ sát hại Daniel Abreu, 29 tuổi, và Safiro Furtado, 28 tuổi. Một nhân chứng khẳng định Hernandez là thủ phạm.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Hernandez thú nhận đã giết Odin Lloyd vì “không thể chịu được dáng vẻ giương giương tự đắc của nạn nhân”. Anh bị kết án tù chung thân. Ngày 19/2/2017, Hernandez đã treo cổ tự tử trong xà lim.

Thần đồng Toán học Ted Kaczynski

Ted Kaczynski bị bắt năm 1996.
Ted Kaczynski bị bắt năm 1996.

Ted Kaczynski sinh năm 1942 tại vùng ngoại ô bang Chicago, Mỹ. Cậu bé Kaczynski vốn trầm tính, nhạy cảm nhưng yêu quý động vật, thiên nhiên.

Tài năng của Kaczynski được bộc lộ từ rất sớm. Năm 6 tuổi, Kaczynski được kiểm tra IQ, cho kết quả trong khoảng 160 và 170. Kaczynski rất yêu thích Toán học và học rất tốt ở bộ môn này.

Kaczynski tốt nghiệp trung học ở tuổi 15, sớm hơn 2 - 3 tuổi so với bạn bè đồng trang lứa. Năm 16 tuổi, ông trúng tuyển Trường Đại học Harvard, Mỹ, thậm chí giành được học bổng. 4 năm sau, Kaczynski tốt nghiệp cử nhân ĐH Harvard, tiếp tục học thạc sĩ và tiến sĩ Toán tại Đại học Michigan vào năm 1964 và 1967.

Dù có thành tích học tập đáng nể phục, Kaczynski luôn là con người cô độc trong mắt mọi người xung quanh. Ông không thích giao tiếp với bạn bè, thường nhốt mình trong phòng riêng, cũng không nhờ đến sự giúp đỡ của giáo sư mà tự làm việc.

Năm 25 tuổi, Kaczynski trở thành giảng viên toán trẻ nhất tại Trường Đại học California nhưng hay bị sinh viên than phiền vì tính thiếu kiên nhẫn. Năm 1969, Kaczynski đột ngột nghỉ việc, bắt đầu một cuộc sống buông thả.

Trong 9 năm tiếp theo, Kaczynski sống trong cô độc, bất chấp sự không hài lòng từ phía gia đình. Ông bày tỏ sự tức giận đối với công nghệ và xã hội hiện đại.

Năm 1978, Kaczynski gửi quả bom tự chế đầu tiên theo đường bưu điện đến cho một giáo sư tại Trường Đại học Northwestern. Quả bom phát nổ khiến một sĩ quan cảnh sát bị thương. Trong những năm tiếp theo, ông gửi 24 quả bom nặc danh qua đường bưu điện đi khắp nước Mỹ khiến 3 người chết và 23 người bị thương. Nạn nhân của ông gồm giảng viên một số trường đại học, Giám đốc Hãng hàng không American Airlines.

Năm 1995, Kaczynski gửi thư nặc danh đến các tòa soạn báo, yêu cầu được đăng tải bài luận mang tên “Xã hội công nghiệp và tương lai của nó” do ông tự viết. Nếu các tòa soạn báo không đồng ý, ông sẽ tiếp tục hoạt động khủng bố của mình. Ông chỉ trích công nghệ hiện đại bào mòn nhân phẩm, huỷ hoại tương lai của loài người.

Một năm sau, Kaczynski bị bắt tại nhà riêng. Cảnh sát phát hiện nguyên liệu chế tạo bom cùng bản phác thảo bài luận “Xã hội công nghiệp và tương lai của nó”. Nhiều bác sĩ tâm thần chẩn đoán Kaczynski mắc chứng tâm thần phân liệt dù ông bác bỏ kết luận này.

Hiện, Kaczynski bị giam giữ tại một nhà tù dành cho tội phạm cực kỳ nguy hiểm tại Florence, Colorado.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.