Vàng mã cháy lên, niềm tin… đi xuống

GD&TĐ - Suốt những ngày vừa qua, ngọn lửa do đốt vàng mã liên tục cháy lên, ở hầu hết các gia đình, ngôi chùa. Ấy là điều dễ hiểu, bởi việc đốt vàng mã trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân (rằm tháng Bảy âm lịch), đã trở thành tập tục truyền đời của người dân Việt Nam, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thấm đẫm giá trị nhân văn, là nét đẹp níu giữ những sợi dây vô hình giữa các thế hệ, giữa những người sống với người đã về bên kia thế giới…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, việc đốt vàng mã trở thành thói quen, thành nghi lễ của người dân. Tiền âm phủ các loại, vàng mã, trang phục, giày dép… thường xuyên được các gia đình dâng cúng tại nhà, ở chùa… rồi đem hóa để những người cõi âm nhận được. Việc làm đó như là sự tưởng nhớ, đáp đền công ơn tiên tổ, cầu mong nhận được những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.

Thế nhưng, ngày càng xuất hiện nhiều những niềm tin thái quá, mù quáng về việc đốt vàng mã với những món “hàng khủng” rất tốn kém. Như ở mùa lễ Vu Lan và rằm tháng Bảy năm nay, những hàng mã rất thời thượng, đắt tiền, như ô tô, trực thăng, siêu xe, “biệt phủ”…, mặc cho những người đã rời xa cõi tạm trong gia đình những người dâng cúng, hóa vàng ấy thậm chí còn không biết đến ô tô, chưa từng lên máy bay… Điều đáng suy ngẫm hơn nữa, khi còn sống, sự đối đãi, chăm sóc các bậc sinh thành, những người thân thuộc lại không được như những gì thấy trong sự cúng lễ, thậm chí là sự ngược đãi, là sự suy đồi về mặt đạo đức…

Điều đáng ngẫm khác, không chỉ không đúng với thuần phong mỹ tục, việc đốt quá nhiều vàng mã “khủng” còn gây tốn kém, lãng phí rất lớn, gây ô nhiễm môi trường… Thậm chí, không ít người mù quáng vay tiền để làm lễ, đốt vàng mã với hy vọng “cầu được, ước thấy”, năm này qua năm khác cuốn vào vòng luẩn quẩn mê muội dù số tiền tiêu tốn nhiều lên, nhưng niềm tin vào cuộc sống thực thì ngày càng đi xuống…

Năm nay, giá các mặt hàng vàng mã không biến động nhiều, ví như căn nhà 2 tầng với đủ đồ dùng cùng “sổ đỏ” giá thấp nhất là 200.000 đồng; “biệt phủ” dát vàng với sân vườn, hàng rào… giá từ 500.000 đồng trở lên; ô tô kèm lái xe giá từ 300.000 đồng đến cả triệu đồng; hay chiếc xe máy phân khối lớn giá khoảng 3 triệu đồng…

Rõ ràng, việc đốt vàng mã nhân ngày rằm, mùng một, những ngày lễ, tết là phong tục, tập quán nhân văn. Nhưng nếu việc quen thuộc này trở lên thái quá, bị biến tướng sẽ trở thành mê tín dị đoan, là việc lợi dụng tâm linh để kiếm tiền bất nhẫn của một số người hành nghề cúng bái… Khi ấy, những ngọn lửa vàng mã cháy bùng lên dữ dội, thì niềm tin vào cuộc sống thực càng đi xuống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ