Thí điểm mở lại xe khách
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10.
Theo Bộ GTVT, Quy định tạm thời này áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương/ khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc. Đối với các địa phương/khu vực nguy cơ và bình thường mới thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.
Kế hoạch khai thác giai đoạn thí điểm, Bộ GTVT thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên theo Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan quan tâm phối hợp với Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trong thời gian các địa phương thực hiện các cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 theo lĩnh vực quản lý.
Các đơn vị đã sẵn sàng
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Bùi Thế Sơn – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở đã thông tin cho tất cả các đơn vị vận tải trên địa bàn và Sở sẽ chỉ đạo theo đúng tinh thần của văn bản, bắt đầu triển khai từ ngày 13/10.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị hoạt động vận tải cũng đã đăng kí để Sở GTVT báo cáo với UBND tỉnh.
Tuy nhiên, các đơn vị vận tải đang có ý kiến về việc chỉ cho phép hoạt động không quá 30% số chuyến trong 7 ngày là hơi ít do dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhiều khó khăn.
Đối với các tuyến nội tỉnh, hoạt động vận tải đã được hoạt động trở lại từ trước và luôn bảo đảm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, hầu hết các lái xe và phụ xe của các đơn vị vận tải đều đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Đợt này, Sở sẽ đề xuất để các đối tượng này được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin.
Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, đơn vị đã thông báo cho các doanh nghiệp về việc triển khai hoạt động trở lại.
Công ty yêu cầu các bến xe trực thuộc (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch và theo đúng tinh thần của văn bản do Bộ GTVT ban hành.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà thì Bộ GTVT tiến hành thí điểm là một tín hiệu đáng mừng cho các đơn vị vận tải. Theo như quy định mới của Bộ thì Công ty Cổ phần Hoàng Hà hàng ngày chỉ có thể chạy 15 chuyến/tuyến/ngày.
Tuy nhiên, theo văn bản của Bộ thì có nhiều điểm mà bản thân các doanh nghiệp khó thực hiện được. Theo đó, điều kiện đối với lái xe và phụ xe phải được tiêm 2 mũi là rất khó. Đơn cử như tại doanh nghiệp của ông Hoàng thì số lượng lái xe được tiêm 1 mũi cũng rất ít, còn lái xe, phụ xe đã được tiêm 2 mũi là không có.
Nguyên nhân dẫn đến việc này là do doanh nghiệp tại khu vực vùng xanh an toàn nên vắc-xin không được ưu tiên tiêm như một số nơi nguy cơ cao.
Trả lời Báo GD&TĐ, Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, ngay chiều ngày 10/10 Hội đã thông tin cho các địa phương về việc triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Bộ.
Đợt thí điểm này, một số khó khăn như vấn đề di chuyển, vận tải, chở hành khác đến và đi từ các địa phương có nguy cơ, nguy cơ cao cũng đã được tháo gỡ, tạo điều kiện hoạt động. Điều này bảo đảm đáp ứng phần nào nhu cầu cho người dân và các đơn vị, tổ chức tại các địa phương.
Theo ông Quyền, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện để các địa phương, các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, để triển khai thí điểm được một cách hiệu quả, đúng quy định về phòng chống dịch thì cần sự phối hợp giữa các cấp, ngành GTVT và Y tế. Đặc biệt, là việc phân luồng, nơi đỗ, bến đỗ, lối ra/vào trong và ngoài bến xe cũng như suốt quá trình vận chuyển hành khách.
“Việc triển khai có hiệu quả hay không cũng phụ thuộc nhiều vào chính các đơn vị vận tải hành khách trong việc tuân thủ quy định phòng chống dịch. Bên cạnh đó, quản lý khách trên xe làm theo hướng dẫn của Bộ y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong suốt quãng đường đi…”, ông Quyền nhấn mạnh.