Theo đó, đại diện Sở Giao thông Hà Nội nêu đề nghị với UBND thành phố chưa cho vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại.
Sở sẽ bám sát diễn biến, kết quả phòng, chống dịch để tham mưu thành phố từng bước mở lại dịch vụ vận tải hành khách công cộng, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đại diện Công an thành phố cho biết, những ngày qua lực lượng chức năng vẫn duy trì các chốt trực ra vào cửa ngõ thành phố, trong đó có 22 chốt của công an thành phố và 33 chốt của các quận/huyện để kiểm soát chặt lượng người và phương tiện ra vào thành phố. Công an thành phố tiếp tục duy trì các tổ tuần tra kiểm soát, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người, kiểm soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Công an Thành phố hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ cập nhật dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Trong 3 ngày qua, ông an thành phố kiểm soát hơn 65.000 lượt phương tiện và hơn 92.000 lượt người, yêu cầu hơn 7.000 lượt phương tiện quay đầu và có hơn 64.000 người khai báo y tế bằng mã QR.
Trước đó, chiều 30/9, ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có văn bản trả lời đề xuất của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng (HAPTA) kiến nghị cho phép xe buýt được hoạt động từ 1/10.
Theo đó, ông Long cho rằng, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng chưa cao do trong điều kiện hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang bố trí người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50.
Cùng đó, học sinh, sinh viên vẫn đang học trực tuyến; công nhân nhiều khu công nghiệp vẫn thực hiện "phương án 3 tại chỗ" (một cung đường, hai điểm đến); người già, trẻ em hạn chế đi lại để phòng chống dịch nên nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa cao.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục tạm dừng.
Sở Giao thông vận tải sẽ bám sát diễn biến kết quả phòng, chống dịch để tham mưu thành phố từng bước mở lại dịch vụ vận tải hành khách công cộng đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Vì sự an toàn của Thủ đô và người dân, Sở Giao thông vận tải đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp tiếp tục khắc phục khó khăn, động viên người lao động an tâm và chuẩn bị đủ các điều kiện sẵn sàng hoạt động trở lại khi thành phố cho phép.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng ghi nhận và đánh giá cao Hiệp hội và các doanh nghiệp đang tham gia cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn đã khắc phục khó khăn, chia sẻ, đồng hành trong thực hiện nghiêm chỉ đạo Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo hệ thống vận tải hành khách công cộng an toàn, không làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Trước đó, theo ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, xe buýt ở Hà Nội đã dừng chạy từ 18/7. Hiện nay, người lao động trong các doanh nghiệp xe buýt hầu hết đã được tiêm vaccine và nhận được kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Từ ngày 21/9 - 28/9, thành phố đã 2 lần nới lỏng một số các dịch vụ và sinh hoạt. Tuy nhiên, xe buýt vẫn chưa được hoạt động, nên phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng, dẫn đến tình trạng xung đột, ùn ứ, rối loạn giao thông xảy ra trong thời gian thực hiện chỉ thị 15 vừa qua.
Để tiếp tục hỗ trợ người lao động, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, phục vụ sự đi lại của người dân, HAPTA đề nghị cho phép vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội được hoạt động trở lại từ ngày 1/10/2021.
Hiệp hội này cũng đề xuất điều kiện để xe buýt hoạt động trở lại là người phục vụ đã được tiêm vaccine, phương tiện đã được khử khuẩn, hành khách có đeo khẩu trang.