Vấn nạn mù chữ vẫn đeo đẳng các nước nghèo

GD&TĐ - Ngân hàng Thế giới đã thực hiện một nghiên cứu về tỷ lệ mù chữ ở trẻ nhỏ tại các quốc gia trên thế giới. Những con số đáng báo động cũng là một lời kêu gọi chính phủ các nước cũng như các tổ chức giáo dục hành động nhiều hơn để giúp mọi trẻ đều được đến trường.

Trẻ em ở Boucan Ferdinand (Haiti) cùng nhau đọc sách
Trẻ em ở Boucan Ferdinand (Haiti) cùng nhau đọc sách

Tỷ lệ không biết đọc cao

Mới đây, thống kê của Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc cho thấy, có tới 9/10 trẻ em đến từ các quốc gia nghèo nhất trên khắp thế giới không thể đọc một cuốn sách cơ bản trước 10 tuổi. Trái lại, tại các nước phát triển và thịnh vượng, chỉ có 9% trẻ không thể đọc ở cùng độ tuổi nêu trên.

Cũng theo dữ liệu này, nếu xét trên cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình - tổng cộng là 135 nước, sẽ có hơn 1/2 số trẻ em thậm chí không thể đọc một văn bản đơn giản khi 10 tuổi. Sau những con số đáng báo động này, Ngân hàng Thế giới cho biết đang đề ra một mục tiêu mới, với hy vọng sẽ giảm ít nhất 1/2 tỷ lệ mù chữ ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới trước năm 2030, hay còn được gọi là “nghèo học tập”. Nói về mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới nhận định, mặc dù “đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được”.

Theo trọng tâm của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về việc cho phép trẻ nhỏ đến trường, phần lớn những trẻ này đều đang đi học, nhưng chưa hoàn thành chương trình tiểu học với các “kỹ năng cơ bản”. Trong khi đó, có hơn 260 triệu trẻ em trên thế giới vẫn chưa được tới trường.

Báo cáo mới cho thấy, tiến trình trong việc giải quyết khoảng cách về khả năng biết đọc - viết ở trẻ đang quá chậm nếu muốn đạt được mục tiêu toàn cầu là mang lại chất lượng GD cho tất cả mọi người vào năm 2030. Do đó, các chuyên gia cũng dự đoán rằng, với tốc độ cải thiện như hiện nay, sẽ có khoảng 43% trẻ em 10 tuổi trên thế giới không thể đọc một cách thành thạo trong năm 2030. Theo kết quả phân tích, việc khắc phục sự “thiếu sót” này đòi hỏi phải có sự cải thiện “chưa từng có” về tỷ lệ và quy mô.

Thách thức của việc biến tiếp cận GD thành chất lượng học tập đã được Tổ chức GD, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) nhấn mạnh từ năm 2013 - 2014 và củng cố mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 về GD.

Ngoài ra, mục tiêu mới đây được đề ra sau sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Thế giới và Viện Thống kê UNESCO. Theo đó, hai tổ chức này đang biên soạn một cơ sở dữ liệu có hệ thống hơn về dữ liệu học tập hiện có, nhằm bảo đảm có thể so sánh chính xác số liệu giữa các quốc gia, giúp việc theo dõi các xu hướng một cách chuẩn xác.

Giải pháp cấp bách

Ông Jaime Saavedra, Giám đốc cấp cao về GD của Ngân hàng Thế giới đã so sánh rằng, việc học đọc “như một cột mốc trong cuộc sống của mỗi trẻ nhỏ”. “Đọc là một kỹ năng nền tảng, một điều kiện tiên quyết để có thể có sự tham gia tích cực vào xã hội - một cánh cổng mở ra tất cả kết quả học tập khác”, ông Saavedra chia sẻ. Cũng theo vị giám đốc này, việc xóa bỏ nạn “nghèo học tập” cũng quan trọng và cấp bách như xóa đói giảm nghèo.

Báo cáo cũng thừa nhận rằng, GD là quyền của con người với giá trị vốn có; đồng thời đánh giá vai trò của GD như một động lực của sự phát triển, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Bởi vậy, tình trạng không thông thạo kỹ năng đọc có thể mang lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành công trong học tập hoặc thị trường việc làm.

Theo các chuyên gia, mục tiêu mới này được thiết kế nhằm hỗ trợ các quốc gia phát triển hệ thống GD - nơi mà những người trẻ tuổi sẽ được nhìn nhận với tư cách là “những công dân có năng lực và có thể tuyển dụng được”.

Không ít cuộc tranh luận đã nổ ra giữa các chuyên gia trong việc liệu các mục tiêu toàn cầu nên được theo dõi dựa trên độ tuổi hay cấp lớp. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra quyết định sẽ liên kết mục tiêu của họ với độ tuổi của trẻ, bao gồm cả tình trạng của những em nhỏ không được tới trường dù đã đủ hoặc quá tuổi.

Bên cạnh đó, làm thế nào hiệu quả nhất để có thể giải quyết bất lợi từ thời thơ ấu cũng là một cuộc thảo luận đang được tiếp diễn, khi một số ý kiến cho rằng, những đánh giá bằng điểm số thể hiện khả năng học tập của trẻ em trong những năm đầu cấp (lớp 2 - 3, hoặc lớp 7 - 8) là việc quan trọng.

Tuy nhiên, không ít người đã bày tỏ lo ngại rằng, hành động này sẽ dẫn tới kiểm tra toàn cầu ở độ tuổi quá sớm. Trong suốt thập kỷ qua, mạng lưới “Hành động trong học tập của mọi người” đã phát triển các cách thức nhằm đánh giá năng lực đọc và toán học cơ bản ở học sinh nhỏ tuổi tại các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Kenya, Tanzania và Uganda.

Trước bối cảnh này, ông Joseph Nhan-O’Reilly, người đứng đầu chính sách GD và vận động thuộc tổ chức phi lợi nhuận “Cứu trợ trẻ em”, đã bày tỏ sự hoan nghênh sáng kiến mới như một cách tập trung tâm trí và nguồn lực để bảo đảm rằng, trẻ em thực sự học khi chúng được tiếp cận với trường học ở một thế giới đang phát triển.

Ông Nhan-O’Reilly cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đưa ra hành động nhanh chóng để có thể cải thiện kỹ năng và chất lượng học tập ở trẻ nhỏ trên thế giới.

“Theo dõi một cách nghiêm túc về sự cải thiện ở khả năng đọc của những trẻ em 10 tuổi và sử dụng những bằng chứng rõ ràng nhất để giúp trẻ học đọc, cũng như bảo đảm rằng, GD dẫn đến học tập. Chúng tôi cần chính phủ phát triển các kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo đảm rằng, họ thực sự thực hiện các hoạt động có ý nghĩa trong việc giúp trẻ em có thể đọc ở tuổi lên 10. Để có thể thực hiện được điều này, chính phủ các nước đang phát triển sẽ cần nhận được nhiều hỗ trợ hơn, bao gồm cả về mặt tài chính và cả những kỹ thuật đẳng cấp trên thế giới”,ông Nhan-O’Reilly nhận định.
Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ