Tốt nghiệp ra trường đã lâu, xa rời đèn sách, có việc làm ổn định nhưng chúng ta thỉnh thoảng vẫn mơ thấy còn đang cắp sách đi học, đang ở trong phòng thi với những hồi hộp lo lắng của đời học sinh, sinh viên. Vì sao có hiện tượng này? Các nhà khoa học giải thích ra sao?
Những giấc mơ sợ hãi
Kelly Conaboy, nhà văn Mỹ hiện sống ở New York, có nhiều tác phẩm xuất hiện trên những tờ báo nổi tiếng, cho biết từng có những giấc mơ lặp đi, lặp lại liên quan đến thời gian đi học.
“Lúc này là cuối học kỳ và tôi chợt nhận ra có một khóa học mà tôi quên tham gia, giờ tôi phải ngồi làm bài kiểm tra cuối năm. Tôi rất hoảng sợ, điểm trung bình của tôi đang ở mức nguy hiểm, có thể bị trượt. Làm thế nào bây giờ? Giật mình tỉnh giấc, tôi mới biết đó chỉ là một giấc mơ. Thực tế, tôi đã rời trường đại học hơn 10 năm rồi”.
Những cơn ác mộng này thật ra không khác mấy với trải nghiệm thực tế, khi Kelly Conaboy còn học ở trường đại học. Cô luôn sợ điểm thấp, sợ thi lại, mặc dù luôn học hành nghiêm túc. Do đó cô nghi ngờ những giấc mơ căng thẳng về trường học như vậy cũng khá phổ biến, ngay cả trong số những người đã thành đạt.
Deirdre Barrett, một nhà nghiên cứu giấc mơ tại Đại học Harvard và là tác giả của hai quyển sách nổi tiếng Pandemic Dreams và The Committee of Sleep, đã xác nhận sự nghi ngờ của Kelly.
Bà giải thích một số dạng phổ biến về giấc mơ trường học, chẳng hạn như: Người mơ vội vàng đi thi sau khi ngủ quên, hoặc không thể tìm thấy phòng thi, hoặc học sai môn khi chuẩn bị cho kỳ thi, hoặc ngồi xuống để làm bài kiểm tra với văn bản bằng chữ tượng hình, hoặc khỏa thân đến trường.
“Đó là một chủ đề thực sự phổ biến. Và không chỉ phổ biến đối với những người còn đang đi học, mà còn đối với những người đã đến tuổi trưởng thành, mãi mãi không còn đi học”.
Barrett giải thích những giấc mơ này có xu hướng xuất hiện khi người mơ có những lo lắng trong cuộc sống, đặc biệt là về việc được đánh giá bởi một nhân vật có uy quyền.
Bà phát hiện, những người muốn diễn xuất hoặc chơi nhạc khi còn nhỏ, có xu hướng trải qua những giấc mơ lo lắng không phải về trường lớp, mà về các buổi thử giọng thời trẻ, đó là nơi họ tiếp xúc với những nhân vật có thẩm quyền, những người có thể dễ dàng vùi dập họ nhất.
Trong những giấc mơ này, họ thăm lại không gian, nơi mà họ lần đầu tiên trải qua cảm giác thành công hay thất bại dựa trên sự nỗ lực.
Ảnh minh họa/INT |
Đi tìm lời giải
Để tìm hiểu giấc mơ lo lắng dựa trên thành tích học tập cụ thể của mình có ý nghĩa gì, Kelly Conaboy đã đến gặp Jane Teresa Anderson, một chuyên gia phân tích giấc mơ và là tác giả của quyển The Dream Handbook.
Mặc dù khoa học vẫn chưa nhất quán về mục đích chính xác của những giấc mơ, nhưng Anderson tin rằng chúng là kết quả khi tâm trí bạn cố gắng xử lý ký ức, cả ý thức và vô thức.
Những khía cạnh trong quá khứ của bạn có thể xuất hiện trong giấc mơ để giúp bạn phân loại những trải nghiệm mới (ngay cả khi bạn không nhận thức được mối liên hệ) và có thể, như Anderson đã nói, “hãy thức dậy với một suy nghĩ mới”.
Những gì phía sau “viễn cảnh mơ ước mà bạn đã chọn, trở lại trường học và phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp là cảm giác được thử thách trong cuộc sống, với ý nghĩ bạn phải đáp ứng kỳ vọng của người khác và cảm thấy rằng bạn không đáp ứng được những kỳ vọng này. Do đó, bạn nghĩ đến giải pháp là phải trở về trường học”.
“Chắc chắn, chúng ta luôn cảm thấy bị kiểm tra bởi những người khác ngoài giáo viên trong suốt cuộc đời mình: Sếp, những người trên mạng xã hội…”, Anderson nói, “Có quá nhiều thứ xảy ra trong trường học bám vào tâm trí vô thức của bạn. Cảm giác căng thẳng, hụt hẫng, xấu hổ, đau lòng, những cảm giác này thường xảy ra đầu tiên trong môi trường học đường. Có thể rất khó để thay đổi những ấn tượng như vậy”.
Làm thế nào để giải thoát?
Những giấc mơ về trường lớp thường gặp: Đang trở lại trường; Gặp lại thầy cũ, bạn học cũ; Vượt qua hoặc thất bại trong kỳ thi; Bị bắt nạt ở trường; Đang ăn trưa ở trường; Lớp học bỗng biến mất tích; Lo lắng vì không thuộc bài; Không tìm được lớp học; Quên lịch học; Sắp thi mà đầu óc trống rỗng…
Nhưng những ấn tượng đã ăn sâu vào chúng ta bắt đầu từ 5 tuổi (hoặc sớm hơn) có thể không thực sự thích hợp với những thử thách của người lớn. Biết được điều đó có thể hữu ích trong việc tách rời thực tế khỏi những giấc mơ lo lắng theo chủ đề học đường.
TS Deirdre Barrett cho rằng, ác mộng trường học còn có mục đích tiến hóa. Nếu một giấc mơ khiến bạn lo lắng và thúc đẩy bạn học tập chăm chỉ hơn, giúp bạn “sống sót” trong một phép tính hoặc một bài thuyết trình, đó chính là mục đích tiến hóa của những cơn ác mộng trường học.
Anderson đã đưa ra phương pháp giúp con người bớt sợ hãi những giấc mơ trường học. Đầu tiên, hãy tạo mối liên hệ giữa các sự kiện trong giấc mơ với các sự kiện gần đây trong cuộc sống để bạn có thể học được điều gì đó về cảm giác của mình và dễ dàng bỏ qua nó.
Sau đó, “hãy hình dung một kết thúc tích cực”: Ngay lập tức sau giấc mơ, khi còn đang nằm trên giường, bạn hãy tưởng tượng lại viễn cảnh trong mơ, nhưng lần này với một kết quả êm dịu hơn. Ví dụ, thay vì hình ảnh thất bại, bạn hãy nghĩ về một giáo viên thông báo bạn đã vượt qua kỳ thi rất tốt.
Bạn vẫn ổn. “Và mặc dù điều đó dường như chỉ thay đổi cái kết của giấc mơ”, Anderson nói, “Nó cũng sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn, bất kể tình huống nào trong cuộc sống mà bạn đang đối phó”.