Xên bản - Lễ tạ ơn và cầu an

GD&TĐ - Cho đến nay, cộng đồng người Thái ở Điện Biên vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần.

Thầy mo làm lễ mời thần rừng về thụ hưởng lễ vật do dân bản hiến tế.
Thầy mo làm lễ mời thần rừng về thụ hưởng lễ vật do dân bản hiến tế.

Trong đó, lễ Xên bản là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn khi có cuộc sống an lành, hạnh phúc, mùa màng bội thu…

Từ thuở “khai thiên, lập địa”…

Những tài liệu nghiên cứu của Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH,TT&DL Điện Biên) cho thấy, cách đây hơn 8 thế kỷ, những cư dân Thái đầu tiên đã di cư theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng đến định cư ở cánh đồng Mường Thanh rộng lớn và màu mỡ.

Tuy trước đó cánh đồng đã được các chúa Lự khai phá song cơ bản vẫn là một vùng đất hoang vu, khí hậu khắc nghiệt. Để sinh tồn, cuộc sống của tộc người này phải phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên.

Ở đây là rừng, nơi sinh sống của các loài muông thú, các loại cây hoa quả, các loại rau...; nước (sông, suối, khe…): Nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu và còn là nơi sinh sống của các loài cá, tôm, ốc… là những thứ trực tiếp liên quan đến cuộc sống con người thời bấy giờ.

Trồng trọt khó khăn, thất bát quanh năm rồi họ chỉ biết tìm đến tâm linh và từ đó hình thành tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Để hạn chế những thất thường của thiên nhiên như mưa, gió, bão, lụt, hạn hán... để “xoa dịu” các vị thần và cũng để trấn an mình, mà từ đó họ nảy sinh ra tục thờ cây to (căm mương) là cây thiêng ở đầu bản và thờ những dòng sông, dòng suối, khe nước. Những ngọn núi, cây to và những dòng sông, dòng suối, khe nước là những vật linh trong tâm thức của tộc người Thái.

Người Thái ở Điện Biên quan niệm rằng: Mỗi con người bao giờ cũng có hai phần là phần người và phần ma (phần hồn). Mỗi một bản của người Thái có hai nhân vật quan trọng bậc nhất là: “Chẩu sửa” hay còn gọi là trưởng bản và thầy mo. Hai người này coi giữ phần ma (hồn) cho bản.

Hàng năm, cứ vào độ ra Giêng, chừng tháng Ba là thời điểm các bản làm lễ Xên bản (cúng bản). Tiếng trống hoà với tiếng chiêng tạo ra một thứ âm thanh rộn rã, như mời gọi các vị thần linh về thụ hưởng lễ vật và tiếp tục giúp cho đời sống nhân dân được bình an, mùa màng tươi tốt.

Bản Co Mị, xã Thanh Chăn tổ chức phục dựng Lễ hội Xên bản vào năm 2018.
 Bản Co Mị, xã Thanh Chăn tổ chức phục dựng Lễ hội Xên bản vào năm 2018.

Biết ơn đấng sinh thành…

Xên bản dưới góc độ tâm linh còn lưu giữ trong mình nó nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp. Ở đó có đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”,  biết ơn các đấng sinh thành đã có công dưỡng dục… Nhiều người nuối tiếc và e ngại nguy cơ mai một những hồn cốt của nét văn hóa độc đáo này. 

“Từ thời xưa đến nay, trong bản sắc dân tộc Thái, bản mường nào cũng thế phải có lễ hội Xên bản để không ốm đau bệnh tật, không đi lầm đường lạc lối vì thế bản nào giữ được nét văn hóa Đông xền thì phải nên cầu, cầu cho dân bản, người già, trẻ nhỏ không ốm đau, làm gì cũng được nuôi gì cũng nên, trồng cây gì cũng phát triển, vậy nên mới làm cái lễ Xên bản”, ông Vì Văn Hiêng, một người cao tuổi ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên nói.

Các tài liệu nghiên cứu của Sở VH,TT&DL Điện Biên cho thấy, trong lễ Xên bản, người làm lễ thường là thầy mo. Phần lễ bao gồm hai phần chính là cúng cọp sửa (cúng ở chỗ cây thiêng đầu bản) và cúng chẩu xửa (cúng trưởng bản).

Người Thái quan niệm: Cây to được chọn để thờ là một cây to ở đầu bản gọi là co lắc mương (cây trụ mường). Gốc cây to được chọn để làm lễ cúng được coi là nơi hội tụ hồn bản, là nơi thần linh hội nhập và trú ngụ.

Đây là nơi rất linh thiêng và kiêng kỵ đối với người Thái, con gái không bao giờ được vào, đối với con trai thì hằng năm cũng chỉ được vào một lần trước hôm cúng để phát dọn trước khi làm lễ, không một ai dám xâm phạm vì như vậy sẽ động đến các vị thần.

Khi làm lễ ở gốc cây to, thầy mo bắt đầu cúng các vị thần linh là những vị thần như thần sông, thần núi… là những vị thần bảo hộ cho bản, cho mường. Họ là những đấng tối cao, đấng vô hình, mà con người luôn luôn ngưỡng mộ.

Thầy mo sẽ cúng đến mười hai hồn, mỗi hồn tương ứng một bộ phận của cơ thể con người và cũng là tượng trưng cho mười hai tháng trong một năm. Sau đó thầy mo cúng và đọc tên những người chết theo trình tự từ xưa đến nay, tức là linh hồn của những người dân bản đã chết ở đâu thì về vui cùng con cháu trong bản và phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con cháu mạnh khoẻ.

Thầy mo là nhân vật được cả bản coi trọng bởi lẽ, xung quanh thầy mo có một thế lực vô hình rất lớn, thầy mo được bảo trợ bởi các đấng tối cao và thầy mo có rất nhiều “phép thuật”.

Nghĩa là thầy mo đã bao quanh được mình cả những yếu tố thần bí (các vị thần) và cả yếu tố quá khứ có liên quan trực tiếp tới tất cả nhân dân trong bản. Xên bản được cộng đồng người Thái xem như là sợi dây liên kết giữa người sống với người chết, giữa ma sống (ma của những người còn sống) với ma (hồn) của những người đã chết.

“Lễ vật dâng cúng thần bản gồm: Một con lợn luộc được cắt rời từng bộ phận, khi xếp lên mâm cúng được xếp thành hình con lợn. Gà luộc, cá nướng, cùng rượu, đường, sữa, hoa quả, trầu cau, tất cả để trong một chiếc lán nhỏ. Thầy mo mặc trang phục truyền thống đến trước bàn thờ và bắt đầu cúng, mời thần bản về dự lễ và hưởng thụ những lễ vật dân bản thành tâm dâng cúng”, ông Vì Văn Hiêng nhớ lại.

Sau khi cúng ở gốc cây thiêng xong, đến phần cúng păn khoanh cúng chẩu xửa (trưởng bản) - tức là chủ áo, chủ hồn thường là người đứng đầu bản, được cha truyền con nối.

Chẩu sửa ở bản trước tiên là ông cha của người có công khai phá ra bản đó, thì nay mọi người vẫn trân trọng tiếp tục được đưa ra làm người đứng đầu bản. Đây chính là cách mà dân tộc Thái nhớ về tổ tiên, cha ông của mình - những người đầu tiên khai phá ra bản. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.