Võ học giúp tôi thành người tử tế

GD&TĐ - Tôi hỏi, một đời tâm huyết với võ học, cái được lớn nhất đối với ông là gì? Võ sư Đinh Văn Phước trả lời: Võ học đã giúp tôi thành người tử tế.

Thực thi công tác trọng tài trên sân đấu.
Thực thi công tác trọng tài trên sân đấu.

Quan trọng nhất đối với người học võ là phải hiểu “võ đức” đứng trên “võ thuật”! Xuất phát từ tâm niệm đó mà ông Phước rất nghiêm túc trong việc rèn đạo đức, tác phong cho môn sinh.

Võ sư Đinh Văn Phước sinh năm 1963 trong một gia đình nông dân nghèo ở khu phố 2, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Không được học hành nhiều, có lúc tưởng đã sa chân vào con đường hư hỏng nhưng nghị lực, đam mê cộng thêm chút cơ duyên đã đưa ông kịp “quay vào bờ”, tiến xa trên con đường võ học.

Ông trở thành võ sư cao cấp bộ môn Võ cổ truyền của thị xã Đông Hòa, có đóng góp nhiều cho sự phát triển của phong trào võ học trong nhiều năm qua tại địa phương cũng như trên cả nước…
    
Từ tuổi thơ “hiếu chiến”…

Biểu diễn trường côn.
Biểu diễn trường côn.

Lúc nhỏ nhà nghèo, cha lại mất sớm chỉ còn mình mẹ bươn chải nuôi con trong thời bao cấp nên cậu bé Đinh Văn Phước có tuổi thơ khá cơ cực. Tới lớp 9 cậu phải bỏ học ở nhà phụ mẹ kiếm sống. Không được học nhiều nhưng Phước là đứa trẻ thông minh, hiếu động, đặc biệt rất… hiếu chiến.

“Thích đánh nhau là tố chất trời sinh của tôi”, ông Phước cười, nhớ lại. Thích đánh và… đánh giỏi, cho dù chưa biết chút gì về võ nghệ. Tướng tá “thư sinh” nhưng nhanh nhẹn, gan lì và thể lực tuyệt vời đã giúp cậu bé Phước gần như luôn thắng trong các cuộc đụng độ thời trẻ.

Ông kể, có lần do xích mích, ba ông bạn cùng lớp “ỷ đông, ỷ to” vây đánh một mình ông. Thế cùng, không đường chạy buộc ông phải liều mạng ứng chiến. Vậy nhưng, không biết bằng cách nào mà ông đánh cho người kia một trận thất điên bát đảo, sau này hết dám ho he bắt nạt! 

Bắt đầu tiếp xúc với võ khi ông được anh trai truyền cho vài miếng gia truyền. Thấy ông ham thích và có năng khiếu, người anh trai  dắt ông gửi học vài thầy võ ở địa phương. Những năm cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỉ trước, phong trào thi đấu võ đài khá phát triển.

Các “lò võ” địa phương cũng hăng hái đưa võ sĩ của mình tham gia giải đấu. Học hỏi là chính chứ khi đối mặt cùng võ sĩ các võ đường lớn, kết quả chung cuộc mười trận hết chín là… thua. Vậy nhưng, chàng võ sĩ trẻ Huỳnh Thanh Chín (nghệ danh lúc bấy giờ của ông Phước) là một ngoại lệ.

Xuất thân từ võ đường không tên tuổi nhưng kết quả thượng đài đối kháng của anh luôn chỉ có thắng hoặc hòa! Thành tích ấn tượng đó giúp anh lọt vào mắt xanh của cố võ sư kì cựu Huỳnh Kim Hồng, đương kim Chưởng môn võ phái Huỳnh Huynh Đệ Võ Đạo đồng thời là Trưởng ban Võ cổ truyền Sở TDTT tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ. 

Được “danh sư” chú ý là điểm hay nhưng cái dở là khiến anh sinh tâm kiêu ngạo với cái danh “võ sĩ bất bại” do người hâm mộ đặt. Tụ tập dưới trướng cả một đám đàn em hư hỏng, ông Phước bắt đầu sa đà vào những cuộc ăn chơi rượu chè, bài bạc, dùng vũ lực thanh toán ân oán cá nhân… mà kết quả luôn dẫn đến gây rối trật tự trị an của địa phương, bị chính quyền “hỏi thăm sức khỏe”.

“Rượu chè cộng thêm cái tính hiếu chiến khiến tôi hay “đổ lầy”, ông Phước nhớ lại. “Có rượu vào hễ gặp chuyện trái ý, trái tai là lập tức muốn gây sự. Xong ba năm quân ngũ, đã có vợ con rồi vẫn không chừa được cái tính đó”…

Vậy nhưng, như đã nói, cơ duyên lớn giúp ông bỏ tối tìm sáng, nỗ lực trên con đường võ học để có thành tựu như hôm nay chính là nhờ cuộc hội ngộ với cố võ sư Huỳnh Kim Hồng…
    
…Đến hành trình đam mê 

Nhận bằng chứng nhận Võ sư cao cấp.
Nhận bằng chứng nhận Võ sư cao cấp.

Năm 1980, lần đầu tiên được gặp thầy Huỳnh Kim Hồng trong một giải đấu, chàng võ sĩ trẻ “vô danh” Đinh Văn Phước được thầy Hồng để ý với lối đánh nhanh, mạnh, ứng biến đầy triển vọng, tuy kĩ thuật còn “non” do chưa được đào tạo tốt.

Thầy Hồng chủ động đánh tiếng với người đỡ đầu hiện tại, đề nghị giao Phước sang cho thầy dìu dắt.

Được một vị thầy tiếng tăm trong làng võ nhận làm đồ đệ đương nhiên là mong ước của nhiều võ sĩ trẻ. Vậy nhưng, Phước cũng hơi ngại với cái lí lịch bê tha của mình do biết thầy Hồng là một võ sư nổi tiếng rất nghiêm túc trong sinh hoạt đời tư: Thuốc lá, rượu chè đều không chứ chưa nói tới các hành vi “hư hỏng” khác. Theo thầy rất có nguy cơ anh sẽ phải “nhịn thèm” mấy thứ đó.

Đấu tranh tư tưởng nhiều ngày cuối cùng tình yêu võ thuật đã thắng. Phước về với thầy Hồng, nhận thầy làm sư phụ. Anh không hề biết rằng để nhận một đệ tử nhiều “tai tiếng” như anh, thầy Hồng cũng đã chịu không ít áp lực điều tiếng. May mà cả thầy lẫn trò đều đã vượt qua khó khăn, đến được cùng nhau nhờ niềm đam mê chung: Võ thuật!

Được thầy Hồng tận tình dìu dắt, cuộc đời anh võ sĩ “giang hồ” Đinh Văn Phước chính thức sang trang. Công phu võ học ngày càng tiến bộ nhờ truyền thụ của thầy, nhờ được trui rèn qua các giải đấu lớn nhỏ.

Danh hiệu “Võ sĩ bất bại” vẫn được Phước kiên cường giữ vững cho tới khi anh chính thức rời sàn đấu năm 1985 để chuyển sang làm huấn luyện viên.

Với anh, quan trọng hơn hết, song song với sự thăng tiến trong nghề nghiệp chuyên môn là sự trưởng thành vượt bậc về phong cách, đạo đức. Đam mê võ học cùng tài ba, nhân cách của người thầy đã như tấm gương soi giúp ông Phước dần dà từ bỏ những thói hư tật xấu ngày xưa, trui rèn ông dần thành con người điềm tĩnh chín chắn. 

Từ vị trí huấn luyện viên, trải qua nhiều đợt sát hạch trong môn phái cũng như của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, ông chính thức được công nhận Võ sư (6 đẳng) năm 2003 với nghệ danh Huỳnh Thanh Chín, thuộc môn phái Huỳnh Huynh Đệ Võ Đạo. Ông được phép mở võ đường, dạy võ tự vệ và đào tạo võ sĩ tham gia giải đấu.

Ông được thầy Hồng giới thiệu tham gia các khóa huấn luyện trọng tài, chính thức tham gia đảm nhiệm công tác trọng tài quốc gia bộ môn Võ cổ truyền từ năm 2004 - 2006, ở cả hai vị trí giám định và đối kháng.

Tới năm 2018, ông Phước vượt qua kỳ thi sát hạch do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang - Khánh Hòa, được cấp bằng chứng nhận Võ sư cao cấp (7 đẳng). 

Hiện tại, chàng trai “hiếu chiến” Đinh Văn Phước ngày xưa là Sư trưởng của Võ đường Huỳnh Thanh Chín, mở tại nhà riêng tại khu phố 2, phường Hòa Vinh thuộc TX Đông Hòa. Sắp bước sang tuổi 60 nhưng trông ông trẻ, khỏe hơn nhiều so với tuổi.

Hàng ngày, ông vẫn cần mẫn luyện tập với các đệ tử và tham gia công tác xã hội. Học trò nhiều thế hệ qua tay ông đào tạo tính đến nay không dưới con số hàng ngàn môn sinh. Trong số đó, nhiều em tham gia thi đấu và đạt giải cao tại các hội thi Võ cổ truyền cấp quốc gia.

Tiêu biểu như em Lê Thành Thuận (SN 1980), giành HCV giải Trẻ toàn quốc năm 2006; các em Lê Thị Thu Hồng, Lê Thị Thu Huệ  đoạt HCV giải Trẻ toàn quốc các năm 2010, 2018, 2019. Đặc biệt, em Thu Huệ liên tiếp giật HCV giải Trẻ các năm 2018, 2019. Tốt nghiệp Đại học TDTT, Huệ em vẫn chuyên tâm theo nghiệp võ …

Hỏi, một đời tâm huyết với võ học, cái được lớn nhất đối với ông là gì? Võ sư Đinh Văn Phước trả lời: Võ học đã giúp tôi thành người tử tế. Quan trọng nhất đối với người học võ là phải hiểu “võ đức” đứng trên “võ thuật”! Xuất phát từ tâm niệm đó mà ông Phước rất nghiêm trong việc rèn đạo đức, tác phong cho môn sinh.

Nói về thầy mình, chị Lê Thị Thu Huệ  - Giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, Quận 5, TPHCM tỏ lòng biết ơn một người thầy luôn nghiêm khắc nhưng hết sức nhiệt tâm trong việc dạy dỗ môn sinh. 

Chủ tịch UBND phường Hòa Vinh Nguyễn Gia Phong cho hay, võ sư Đinh Văn Phước là người tài năng, tâm huyết, có đóng góp không nhỏ cho phong trào tập luyện TDTT, bảo tồn và phát triển môn võ cổ truyền của dân tộc tại địa phương.

Môn sinh của ông tham gia tích cực vào các hoạt động, phong trào TDTT do địa phương tổ chức. Rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để võ sư Đinh Văn Phước và các môn sinh đóng góp được nhiều hơn nữa cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ