Văn hoá bắt đầu từ ứng xử

GD&TĐ - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nội dung đề án hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người xứ Huế phát triển toàn diện, bảo đảm sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc.

Đồng thời phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên - Huế xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.

Đề án cũng góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Nội dung đề án tập trung nghiên cứu 2 nội dung chính là giá trị văn hóa Huế và đặc trưng con người Huế. Đối với giá trị văn hóa Huế, các chuyên đề tập trung nghiên cứu về các loại hình vật thể và phi vật thể. Cùng với đó là các chủ đề về kiến trúc, quy hoạch của Huế xưa và nay. Các loại hình về ẩm thực, cung đình và dân gian, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống, văn hóa đô thị, mỹ thuật Huế…

Về đặc trưng con người Huế, các chuyên gia tập trung nghiên cứu về những giá trị văn hóa, con người Huế xưa và nay. Những điều kiện hình thành tính cách, phong cách con người Huế, những tác động của điều kiện tự nhiên xã hội, những ưu, nhược điểm và con người Huế trong giai đoạn mở cửa hội nhập…

Đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” được xem là rất cần thiết để phục vụ kịp thời các chương trình, kế hoạch. Đồng thời cung cấp dữ liệu cần thiết để Huế đề nghị công nhận các danh hiệu di sản văn hóa cấp quốc gia và quốc tế.

Với hai nội dung chính, thì “đặc trưng con người Huế” có lẽ được quan tâm hơn cả. Đến xứ Huế, khách du lịch biết đến những lăng tẩm đình đền, biết đến cố đô cùng những di sản cung đình đặc sắc. Tuy nhiên, yếu tố con người mới là then chốt gây ấn tượng đối với du khách.

Văn hóa Huế nếu không gắn với ứng xử của người xứ Huế thì e rằng khó thoát khỏi “bình cũ rượu mới”. Con người Huế thường được biết đến với phong thái điềm đạm, nền nếp từ lời ăn tiếng nói cho đến đi đứng nhẹ nhàng, đúng như câu ca “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Thế nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng, một số người buôn bán phục vụ khách du lịch lại gây ấn tượng xấu như chèo kéo, chặt chém. Ngay cả lực lượng tham gia nghiệp đoàn xích lô cũng “tranh thủ khách Tây” để hét giá lừa đảo.

Khách du lịch đến chợ Đông Ba mua hàng lưu niệm, nếu không trả giá xuống còn một nửa thì chắc chắn là… hớ. Rồi nạn móc túi, rạch túi khách du lịch cũng không phải là hiếm, khiến cho nạn nhân có ấn tượng xấu khó phai khi đến với Huế.

Bởi vậy, đề án xây dựng văn hóa Huế nên bắt đầu và chú trọng đến yếu tố con người. Văn hóa khởi đầu từ cách sống, cách ứng xử văn minh lịch thiệp chứ chưa hẳn từ những cung điện, hay những danh hiệu nằm trong hồ sơ di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.