Triển lãm về di sản lịch sử văn hóa Hà Nội tại Bạc Liêu

GD&TĐ - Từ ngày 27/8 - 27/9, tại Trung tâm triển lãm văn hoá - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu tổ chức triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long-Hà Nội và các di tích lịch sử - văn hoá Bạc Liêu”.

Triển lãm về di sản lịch sử văn hóa Hà Nội tại Bạc Liêu

Triển lãm giới thiệu gần 120 bức ảnh cùng nhiều hiện vật về di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám tại Thủ đô, về những ngôi đình trang nghiêm của người Kinh, những ngôi chùa mái cong vút của người Khmer, những ngôi miếu thành kính của người Hoa hay khúc “Dạ cổ hoài lang” tha thiết đắm say lòng người tại vùng đất phương nam Bạc Liêu.

Tất cả tạo nên một bức tranh Di sản văn hoá Việt Nam phong phú và nhiều màu sắc.

Đất nước ta rộng lớn, trải hàng nghìn cây số với nhiều dân tộc và tập quán khác nhau. Song dù bất cứ nơi đâu người Việt Nam vẫn luôn coi trọng văn hoá, yêu chuộng nghệ thuật, coi trọng giáo dục và tôn trọng nhân tài,...

Triển lãm cũng là dịp để Bảo tàng Bạc Liêu tuyên truyền, quảng bá những nét độc đáo của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, một khu di tích lịch sử-văn hóa lớn ở trung tâm Thủ đô, biểu trưng cho tiến trình văn hóa của Việt Nam và nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh Bạc Liêu là một “vùng đất mới” về tuổi đời và bề dày văn hóa so với các vùng, miền khác, nhưng tại Bạc Liêu vẫn đang là vùng đất còn tiềm ẩn nhiều vốn di sản văn hóa mang những giá trị không kém phần đặc sắc như Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đồng hồ Thái dương học, Nhà Công tử Bạc Liêu, quảng trường Hùng Vương, nhà hát Ba nón lá, vườn nhãn Bạc Liêu…

Triển lãm mong muốn gửi tới khán giả những nét đẹp văn hoá đa dạng của đất nước và sự cần thiết bảo tồn những di sản quí báu đó của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ