Tranh cãi dữ dội trang phục dân tộc dự thi Miss Universe lấy ý tưởng từ... bàn thờ

GD&TĐ - Bản vẽ trang phục dân tộc mang tên "Bàn thờ" của tác giả Nguyễn Quang Minh đang khiến cộng đồng mạng… không nói nên lời. 

Tranh cãi dữ dội trang phục dân tộc dự thi Miss Universe lấy ý tưởng từ... bàn thờ

Cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam ở đấu trường Miss Universe Việt Nam (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) 2019 đang thu hút sự quan tâm đông đảo của khán giả.

Chủ đề cuộc thi năm nay là "Tinh hoa Việt Nam", hàng loạt bài thi gửi về khiến nhiều người bất ngờ với tài năng sáng tạo của các thí sinh. 

Trên fanpage chính thức của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, ban tổ chức vừa công bố hơn 30 tác phẩm dự thi. Năm thiết kế có điểm bình chọn cao nhất sẽ được vào thẳng top 15.

"Cuộc chiến" năm nay quy tụ rất nhiều NTK trẻ tài năng với nhiều ý tưởng đột phá và táo bạo. Ngay khi “Cafe phin”, “tòa nhà Landmark”… được đưa vào dưới con mắt thời trang của những ứng viên nặng kí thì thiết kế “Bàn thờ” xuất hiện khiến cả cư dân mạng đổ dồn mọi sự chú ý về tác phẩm tâm linh này.

Á hậu Hoàng Thùy phải tỏ ra e dè và hết hồn với tác phẩm này.

Á hậu Hoàng Thùy phải tỏ ra e dè và hết hồn với tác phẩm này.

Ngay sau khi chia sẻ, tác phẩm mang tên "Bàn thờ" của tác giả Nguyễn Quang Minh gây tranh cãi dữ dội. Theo lời giới thiệu, bản vẽ được lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trang phục là sự kết hợp của ảnh thờ, bát hương, lọ hoa và mâm cỗ.

Bộ trang phục có cụ thể mô tả như sau: 

"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành"

"Từ ý tưởng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Thông qua phong tục, là sự bày tỏ lòng hiếu thảo, mang giá trị về mặt tâm linh, ý thức luôn hướng về nguồn cội, dân tộc. 

Trang phục BÀN THỜ - sự kết hợp hình ảnh thân quen: ảnh thờ, bát hương (là điểm nhấn cho trang phục, lấy cảm hứng từ gốm sứ Bát Tràng), lọ hoa (đem đến không gian tự sự, đầy thanh tịnh cho người xem), mâm cỗ (sự tâm linh, lòng thành tâm hiếu nghĩa đối với người đã khuất).

Để lộ tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 03 cây nhang để vái và xá 03 cái.

Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ). Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên hạ xuống trong lúc trình diễn.

Giá trị quý báu nhất tiềm ẩn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đó là lời răn dạy về lòng hiếu thảo, hiếu sinh và hướng về cội nguồn, dân tộc."

Thiết kế "Bàn thờ" đang nhận được cơn bão lượt like và bình luận trên trang chủ cuộc thi.
Thiết kế "Bàn thờ" đang nhận được cơn bão lượt like và bình luận trên trang chủ cuộc thi.

Ở phần bình luận, đa số ý kiến cho rằng đây là mẫu thiết kế không phù hợp thuần phong mỹ thục, thiếu ý tứ. Khán giả Nhi Trương bày tỏ sự bức xúc: "Trang phục này không được hợp văn hóa Á đông lắm. Nhìn thế nào cũng thấy phạm huý, thiếu ý tứ, không sâu sắc”.

Trên trang cá nhân, Hoàng Thùy cũng chia sẻ hình ảnh về bộ cánh này với dòng trạng thái: "Cho mình lên hương sớm thế bạn gì ơi".

Nếu theo tiêu chí tính điểm của BTC thì 5 thiết kế có số điểm bình chọn online cao nhất sẽ được vào thẳng vào Top 15. Hiện, số lượt bấm "thích", chia sẻ và bình luận về trang phục này tăng rất nhanh với con số chục nghìn. Không ít thành viên mạng lo ngại, trang phục "Bàn thờ" sẽ có được lượng bình chọn cao và giành tấm vé chiến thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ