Tìm “bạn đời” cho rùa Hoàn Kiếm

GD&TĐ - Kết quả phân tích gene xác nhận con rùa cái được bắt vào tháng 10/2020 tại hồ Đồng Mô thuộc loài mai mềm Rafetus swinhoei - đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng...

Rùa mai mềm Hoàn Kiếm được tìm thấy ở hồ Đồng Mô.
Rùa mai mềm Hoàn Kiếm được tìm thấy ở hồ Đồng Mô.

Kết quả mang lại cơ hội quý giá trong việc duy trì và mở rộng số lượng loài rùa cực hiếm này.

Hành trình tìm kiếm

Là nhân chứng cho một lịch sử huy hoàng đất kinh thành, biểu tượng trong đời sống tinh thần người Hà Nội, rùa hồ Hoàn Kiếm đã đi vào truyền thuyết, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và người dân. Tên của con hồ trung tâm Hà Nội cũng được đặt cho loài rùa thân mềm có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới này.

Từ những năm 2015, cơ quan chức năng và các nhà khoa học cùng nhiều tổ chức bảo tồn đã thực hiện các hoạt động tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm, hay còn gọi là loài rùa mai mềm Rafetus swinhoei.

Khi đó, loài này được xác định chỉ còn 3 cá thể trên toàn thế giới, trong đó có 2 cá thể ở Trung Quốc, một cá thể ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tiếc thay, cá thể ở hồ Hoàn Kiếm đã chết vào tháng 1/2016; còn cá thể cái ở Trung Quốc chết vào tháng 4/2018.

Sau nhiều cuộc khảo sát chuyên sâu ở các tỉnh từ miền Bắc và miền Trung Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều dấu hiệu khả quan của các cá thể rùa mai mềm cỡ lớn ở một số hồ tự nhiên ở các tỉnh. Tuy nhiên, để khẳng định các cá thể này có phải là rùa Hoàn Kiếm không, thì còn phải thực hiện nhiều đợt khảo sát nữa.

Trong các chuyến khảo sát, người dân ở các địa phương cho biết khoảng 20, 30 năm trước, số lượng rùa mai mềm vẫn còn rất nhiều và phân bố rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, mỗi nơi có tới hàng trăm cá thể.

Từ những năm 1990, rùa bị săn bắt nhiều để ăn thịt và bán sang Trung Quốc nên bị suy giảm trầm trọng. Các nhà khoa học dự đoán sau giai đoạn này, số lượng rùa trên toàn quốc chỉ còn vài chục cá thể.

Ở Hà Nội, người địa phương cho biết có sự hiện diện của cá thể rùa mai mềm lớn tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Tuy nhiên, đến trước 2020 thì chưa có bằng chứng khoa học để khẳng định đây là rùa Hoàn Kiếm.

Được sự hỗ trợ của UBND TP Hà Nội, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác để thực hiện bẫy, bắt, thu thập mẫu sinh phẩm để kiểm tra; đồng thời xác định giới tính và độ tuổi của cá thể rùa ở hồ Đồng Mô.

Ngày 22/10/2020, một cá thể rùa mai mềm lớn ở Đồng Mô được đánh bắt thành công. Sau quá trình lấy mẫu và xét nghiệm, WCS khẳng định cá thể này là rùa Hoàn Kiếm và là cá thể cái. Đến thời điểm này, đây là cá thể cái duy nhất được phát hiện trên thế giới, mở ra cơ hội cho hoạt động nhân nuôi, sinh sản sau này.

Gian nan bảo tồn

Theo ông Nguyễn Văn Long, cán bộ điều phối bảo tồn loài của WCS Việt Nam, việc tìm kiếm, khảo sát gặp khá nhiều khó khăn, bởi trên thế giới hiện nay không có nhiều nghiên cứu liên quan đến tập tính của loài rùa này. Vì vậy, rất khó xác định các yếu tố quan trọng như khu vực sống, cách di chuyển, tập tính sinh sản hay nguồn thức ăn của chúng.

Ngoài ra, các cá thể rùa hiện nay đa số phân bố ở các vùng hồ rộng lớn. Những nơi này thường có nhiều hoạt động của người dân, làm ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng. Người dân ở đây cho biết, trước đây, họ thấy rùa nổi khá thường xuyên và chúng rất dạn, thời gian nổi trên mặt nước khá lâu.

Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, do bị săn bắt nhiều và do con người sử dụng nhiều kỹ thuật bắt cá như câu vương, kích điện, cũng như sử dụng thuyền máy làm ảnh hưởng môi trường sống, khiến chúng trở nên rất nhát. Loài rùa vốn có tập tính cứ khoảng 20 phút thì nổi lên thở, nhưng hiện nay tập tính này đã thay đổi, khi thấy sự xuất hiện của con người thì chúng thường lặn mất.

Mặt khác, hiện nay chỉ có 2 phương pháp khảo sát chính, đó là phỏng vấn người dân, kết hợp quan sát nhiều giờ trên mặt hồ. Không phải ai cũng có thể thực hiện khảo sát này, vì người quan sát phải có kiến thức, có thể phân biệt được hình dáng bên ngoài của cá thể rùa; họ cũng phải có kinh nghiệm để phỏng đoán được sự xuất hiện của chúng.

Phương pháp thứ hai là chẩn đoán mẫu nước để tìm kiếm gene của rùa trong môi trường cũng có khó khăn, bởi hiện nay Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm nào thực hiện kĩ thuật này, còn bộ chẩn đoán gene di động của WCS vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nên các mẫu gene đều phải gửi sang Mỹ để thực hiện.

Cơ hội ghép đôi

Việc phát hiện thêm một cá thể rùa ở Đồng Mô đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài rùa quý hiếm. Đây là nguồn động lực khích lệ đối với nỗ lực bảo tồn các loài động vật khác, thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và các tổ chức phi chính phủ trong bảo tồn động vật hoang dã. Nếu việc nhân giống thành công thì đây là một nỗ lực to lớn của Việt Nam cũng như thế giới.

Đối với loài rùa Hoàn Kiếm nói riêng, việc tìm ra một cá thể rùa cái mở ra khả năng bảo tồn và nhân số lượng quần thể của loài rùa này, vì hiện nay chưa xác định được thêm một cá thể cái nào trên toàn thế giới. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học xây dựng chương trình ghép đôi sinh sản.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết: “Hiện nay, chúng tôi vẫn ưu tiên tìm kiếm thêm các cá thể rùa ở trong nước. Ngoài ra, nếu có cơ hội ghép đôi rùa cái ở Đồng Mô với rùa đực ở Trung Quốc, thì sẽ tăng sự đa dạng, giảm sự thoái hóa nguồn gene của loài, do nguồn gene trong nước là nguồn gene cận huyết”.

Theo ông Long, các nhà khoa học nhận định, với số lượng cá thể rùa ít như hiện nay thì việc ghép đôi sinh sản là giải pháp duy nhất để có thể tăng số lượng quần thể này.

Hiện nay, tổ chức WCS phát triển các hoạt động chính, bao gồm: Tăng cường bảo vệ cá thể đã phát hiện bằng cách tuyên truyền cho người dân địa phương về tầm quan trọng của rùa, kết hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn các hành vi xâm phạm như đánh bắt cá trái phép cũng như việc sử dụng các công cụ trái pháp luật có thể gây hại cho loài rùa.

Thứ hai là xây dựng các chương trình nhân nuôi sinh sản. Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cá thể khác nặng khoảng 130 kg, có khả năng là một cá thể đực. Nếu khẳng định được sự xuất hiện của cá thể cái và cá thể đực trong cùng một hồ, thì nhiệm vụ tiếp theo sẽ là xây dựng một khu nhân nuôi bán tự nhiên ở hồ Đồng Mô và cải tạo khu vực thuận lợi cho rùa đẻ trứng và sinh sản.

Ngoài ra, WCS tập trung tổ chức các hoạt động tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm tại các hồ ở các hồ khác để có thêm nguồn gene, tăng sự đa dạng và giảm nguy cơ thoái hóa gene sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ