Tháng cô hồn có thực sự đáng sợ?

Người Việt cho rằng, cúng cô hồn là một hành động mang tính nhân văn, thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Ngọc Hoàng cho Diêm Vương mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để ma đói, quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về.

Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho ma quỷ đói để ma quỷ không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 âm lịch.

Quan niệm về tháng cô hồn

Cúng cô hồn (rằm tháng 7) là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt. Hàng năm, người Việt cúng rằm tháng 7 kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào.

Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa đều tránh tháng 7.

Trong tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng cô hồn còn có lễ vu lan. Lễ vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của phật giáo. Lễ vu lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông.

Theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.

Tháng Cô hồn và lễ Vu lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn ở rất nhiều các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông.

Ở Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7/7 Âm lịch và cả ngày rằm tháng 7. Ở Đài Loan, ngày lễ này được kéo dài cả tháng nhưng thông thường tập trung vào ngày 15 của tháng.

Tháng cô hồn hay tháng “xá tội vong nhân” là một tín ngưỡng dân gian được nhiều người coi trọng. Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian ta còn tương truyền cả những điều con người nên làm và không nên làm trong tháng cô hồn để cho cầu mong được bình an, hạnh phúc.

Trong tháng cô hồn người ta đặt ra nhiều điều cấm kỵ. Ví dụ như, không gội đầu đêm sau 23 giờ; Không treo chuông gió ở đầu giường hay trong phòng ngủ; Không cúng chúng sinh trong nhà mà cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc cúng ở đình, chùa.

Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã; Không phơi quần áo vào ban đêm; Không được réo gọi tên nhau vào ban đêm; Hạn chế bơi lội nhất là vào chiều muộn; Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường...

Ngoài những điều không nên thì nên sắp xếp thời gian đi thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay trong trong chùa chiền, nơi lưu giữ các hũ hài cốt vì tháng cô hồn còn gọi là Tết của những người Âm.

Vào tháng này nên hạn chế sát sinh. Nên làm phúc thiện mạnh mẽ trong tháng này, tránh xa các cuộc xung đột, nên cứu người khi gặp nguy cấp…

Những điều nên làm hay không nên làm trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian mà khoa học chưa thể kiểm chứng đúng sai.

Nhưng với người Việt cho rằng, cúng cô hồn là một hành động mang tính nhân văn, thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí… Nếu không tham sân si, sống chân thiện mỹ thì tháng cô hồn đâu có đáng sợ.

Theo Khoa học&đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ