Sáng tạo nghệ thuật song hành với đời sống

GD&TĐ - Nghệ thuật không chỉ giúp nghệ sĩ cân bằng mà còn tạo cơ hội tìm kiếm điểm kết nối với mọi người. Kết quả là việc thiết kế, sản xuất sản phẩm mang tính nghệ thuật, với mức chi phí thấp và tạo tính lan tỏa rộng hơn giữa sản phẩm với người tiêu dùng…

Một chiếc mặt nạ đang trong công đoạn hoàn thiện
Một chiếc mặt nạ đang trong công đoạn hoàn thiện

Từ ý tưởng đột phá…

Chúng ta đang để lại những gì cho thế hệ tiếp nối? Đó có phải chỉ là khói bụi, ô nhiễm và rác thải? Câu hỏi đầy trăn trở ấy được nhiều nghệ sĩ đặt ra tại tọa đàm “Sáng tạo di sản tương lai - Kinh nghiệm hợp tác giữa các ngành công nghiệp và văn hóa” diễn ra mới đây. Từ những trăn trở ấy, sau nhiều ngày lang thang qua các khu công nghiệp, các nhà máy, xưởng sản xuất, nghệ sĩ Nguyễn Huy Biển cho rằng việc liên kết giữa sáng tạo nghệ thuật và các ngành công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm này rất nên làm, bởi không cần tìm đâu xa, đó chính là di sản mà chúng ta đang có.

Huy Biển chọn chất liệu rác thải gỗ cho dự án anh theo đuổi. Với mùn cưa từ gỗ tự nhiên, người ta có thể ép tái chế thành chất đốt trong công nghiệp, làm ván ép công nghiệp. Anh nhận thấy, trong gỗ công nghiệp còn chứa keo gắn, chất bảo quản gỗ khỏi nấm mốc và nhiều vụn tạp chất khác. Khi thải ra môi trường, các độc tố trong gỗ công nghiệp sẽ ngấm vào đất hoặc ô nhiễm không khí khi chúng bị đốt cháy… Xưởng gỗ Pallet ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) của doanh nghiệp Hắc Hùng Cường được Huy Biển chọn thực hiện ý tưởng “hiếm người ủng hộ” này.

“Những mảnh gỗ tự nhiên được xẻ mỏng gia công thành các mặt bàn nhỏ. Mảnh gỗ công nghiệp được chế tạo thành các sản phẩm sản xuất hàng loạt như giá cắm dao, chậu hoa; hay những sản phẩm đặc biệt tạo cảm xúc riêng, mang tính độc bản như mặt nạ của nghệ thuật hát bội (tuồng) được tôi trang trí, tô vẽ sinh động, ấn tượng bằng phần sơn thừa, sơn mài. Công việc giúp tôi cân bằng nghệ thuật, tìm kiếm điểm kết nối với mọi người xung quanh để không rơi vào tình trạng khô cứng, rập khuôn, máy móc. Nó giúp tôi giải quyết mục tiêu đã đặt ra về việc thiết kế sản phẩm với mức chi phí thấp, tạo tính lan tỏa rộng hơn giữa sản phẩm và người tiêu dùng”, Huy Biển chia sẻ.

Cảm giác ấy cũng xuất hiện ở nghệ sĩ Lê Giang khi chị bắt gặp không khí làm việc tại xưởng chế biến nhựa Hami Plastic. Dây chuyền chế biến phế thải nhựa, sắc màu hạt nhựa nguyên liệu cùng cảm hứng được sáng tạo giúp chị có thêm động lực cho công việc mới này. Lê Giang cho biết, những tác phẩm Hòn non bộ xinh xắn làm từ khung sắt và bột nhựa phế phẩm dùng trang trí không gian công cộng mà chị đang thử nghiệm có thể là sản phẩm tạo thành từ phương pháp bền vững, thêm ý tưởng hay cho doanh nghiệp thời gian tới.

Những chiếc mặt nạ tuồng được sản xuất từ bột gỗ công nghiệp
  • Những chiếc mặt nạ tuồng được sản xuất từ bột gỗ công nghiệp

…Đến di sản tương lai

“Tôi muốn đóng góp sức mình để bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản truyền thống khi bắt tay vào thực hiện công việc của mình. Nhiều người can ngăn nhưng tôi tin công việc ấy có ích. Chúng tôi đang lên kế hoạch để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm”, ông Hắc Hùng Cường, quản lý Xưởng gỗ Pallet khẳng định sau một thời gian “bắt tay” với các nghệ sĩ. Từ chỗ nghi ngờ ý tưởng mà Huy Biển đưa xuống, ông đã bị thuyết phục hoàn toàn.

“Nó thực sự mới lạ, chưa bao giờ xảy đến trong quá trình làm việc của tôi. Tuy nhiên, chỉ khi nhìn thấy sản phẩm, tôi thấy ý nghĩa của công việc này rất lớn, cả về tính chất sản xuất và kinh tế”, ông Cường tin tưởng.

Cụ thể ở góc độ sản xuất, thay vì đi theo lối mòn, rập khuôn, phương thức sản xuất đã có sáng tạo, mẫu mã sản phẩm được đổi mới. Từ chỗ thiết kế, sản xuất và đưa ra sản phẩm mang tính phổ thông. Ở góc độ kinh tế mới, sản phẩm của người làm kinh doanh đã đáp ứng yêu cầu vừa mang tính nghệ thuật, vừa có tính khả thi, có thể sản xuất hàng loạt và lợi nhuận để doanh nghiệp tồn tại.

Theo bà Phạm Hường – Chuyên gia văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội, một trong những lý do

UNESCO và Hội đồng Di sản Việt Nam ủng hộ các sáng kiến mới này là vấn đề thay đổi cách tiếp cận di sản, sáng tạo chứ không chỉ bảo vệ.

“Cũng vì cách tiếp cận này, chúng ta tập trung nhiều vào di sản vật thể, mà quên đi bản thân mỗi di sản cũng là một quá trình. Trong thế giới di sản, đặc biệt là di sản phi vật thể, những tri thức, truyền thống, kinh nghiệm, sáng tạo, động lực, giá trị xung quanh di sản là những thứ dường như chúng ta ít để ý tới. Bản thân di sản phi vật thể cũng là một quá trình diễn tiến và luôn biến đổi không ngừng, nó có giá trị truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, bà Hường cho biết.

Lâu nay nhiều người trân trọng những giá trị từ quá khứ nhưng còn mập mờ chưa hiểu giá trị, tinh hoa ấy chính là những dấu ấn sáng tạo ở mỗi một thời kỳ nhất định, được chuyển từ thế hệ trước cho thế hệ sau. “Dấu ấn này giúp ta hình dung về di sản trong tương lai. Không thể truyền nguyên trạng, mà phải có tích lũy, giá trị gia tăng từ chính thế hệ trao truyền. Nó có bước tiến không đường tắt, những gì chúng ta đang sáng tạo đều để lại dấu ấn, đó chính là di sản” - bà Hường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...