Quyết làm giàu để phá bỏ cái dớp “tam nam bất phú”

GD&TĐ - Nghèo đói, nghiện ngập, trộm cắp… đó là những từ xấu xa mà người đời gán cho ba anh em trai Ấm ở xóm Núi Xẻ, Quảng Ninh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Có người còn cho rằng, do bố mẹ Ấm đẻ ba con trai – “tam nam bất phú” – nên chúng phá gia chi tử là đúng rồi. Đẻ ba con trai không bằng đẻ một con gái là vậy.

Khi Ấm mãn hạn tù năm 1998, anh nghĩ mình đã chán cuộc sống bấp bênh, bị người đời khinh bỉ rồi. Anh cũng không muốn nghĩ rằng câu nói tổng kết “tam nam bất phú” là đúng.

Trái lại, anh muốn chứng minh cho thiên hạ thấy điều khác. Và hơn hết, anh muốn được sống đàng hoàng, thành công như những người thành đạt nhất mà anh có dịp được thấy trong đời.

Nhưng anh đang trắng tay, chỉ sở hữu một quá khứ đen tối và anh cũng không muốn làm một mình. Anh bèn đi tìm hai người anh ruột của mình. Ấm gặp anh cả, đang làm thuê cho một cơ sở chế biến hải sản ở Quảng Ninh.

Anh này làm công vất vả cả ngày, mà tiền lương chỉ đủ ăn sáng và chè rượu, còn lại trông vào vợ anh. Còn anh hai của Ấm thì bán hàng nước mía, cuộc sống lay lắt và anh ấy vẫn đang nghiện hút.

Ấm bảo anh thứ hai làm đồ nhậu cho ba anh em, gặp nhau ngay tối hôm Ấm ra tù. Trong bữa nhậu lèo tèo vài con cá, con mực khô, Ấm bảo hai người anh rằng, em muốn làm giàu, để ba anh em mình trở thành người thành đạt, các con cái của chúng ta sẽ được học hành tử tế và sống một đời sang trọng.

Anh cả nói, mày điên vừa thôi, một thằng tù như mày thì chẳng nơi nào nhận vào làm việc. Ấm nói, em không cần đi xin việc, em sẽ làm ông chủ, chỉ cần hai anh làm cùng em.

Chúng ta gắn kết keo sơn, khi giàu có, nhất định không được tranh giành của cải. Và điều quan trọng nhất là cả ba anh em không nghiện ngập, phải có sức khỏe tốt nhất để lao vào cuộc chiến thương trường.

Được sự đồng ý của hai người anh, Ấm bán ngôi nhà bố mẹ để lại cho anh cả ở, lấy vốn làm ăn. Anh cùng vợ chồng anh trai cả phải sang ở tạm ngôi nhà cấp 4 của anh trai thứ hai. Họ thành lập doanh nghiệp Tam Nam, chuyên mua bán hàng thủy sản. Ba anh em quyết tâm hừng hực làm giàu để thoát khỏi số phận hèn kém.

Ấm cùng hai anh làm việc tới 16 tiếng mỗi ngày. Không có thời gian đi học các khóa kinh doanh, Ấm mua hàng chồng sách kinh doanh về nhà đọc, và hối thúc hai anh đọc. Mỗi sáng, Ấm thúc hai anh dậy cùng chạy ra bãi biển từ 4 giờ sáng để mua gom hải sản.

Sau đó, Ấm chạy xe đi khắp các nơi để tìm mối bán hàng. Làm theo sách “Nghĩ giàu làm giàu” của Napoleon Hill, Ấm đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng ngày để phấn đấu đạt bằng được, nếu không được thì nhất quyết không ngủ.

Tuy nhiên, Ấm đã gặp thất bại, có lần hải sản bán không hết, phải đem cho những người đói ăn. Thị trường trong nước cạnh tranh khốc liệt, giành nhau từng khách hàng, thi nhau giảm giá, việc tăng doanh số hầu như bất khả với Ấm.

Ấm nghĩ, tại sao không xuất khẩu sang Trung Quốc? Trung Quốc có hơn tỉ dân, cả nước Việt Nam bán hải sản cho Trung Quốc cũng không đủ. Nghĩ là làm liền, Ấm tìm các mối quan hệ, sang thăm Trung Quốc kết nối với các doanh nhân thu mua hải sản bên đó. Về nước, Ấm thay đổi quy trình làm việc, chuyển sang chế biến hải sản xuất khẩu.

Ấm ký được đơn hàng đầu tiên với đối tác Trung Quốc, mừng hơn bắt được vàng. Từ đó, Ấm chỉ tập trung cung cấp hải sản cho thị trường này. Anh coi đối tác như người nhà, thường xuyên hỏi han, thăm nhau và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của đối tác.

Nhờ đó mà thị trường của Ấm cứ mở rộng dần ra, số lượng đối tác Trung Quốc của Ấm đã lên tới ba chục khách hàng. Ấm yêu cầu hai anh trai của mình cũng phải học tiếng Trung để giao tiếp và chăm sóc khách hàng cho tốt.

Giờ đây, ba anh em Ấm đã trở thành những doanh nhân giàu có. Nhiều người mới biết ba anh em Ấm sau này, hầu như không tin rằng hơn 20 năm trước, họ từng là những kẻ nghiện, không xu dính túi, bị người đời coi thường. Không ai tin một doanh nhân đĩnh đạc và hiểu biết như Ấm đã từng ngồi tù 3 năm vì trộm cắp vặt.

Họ đã thực sự đổi đời. Nhưng có điều lạ, là ba anh em dù đã có cơ ngơi riêng, nhưng họ vẫn có một ngôi nhà chung ở Quảng Ninh và cuối tuần nào cả ba gia đình cũng về ngôi nhà chung đó sống cùng nhau. Họ cũng chưa bao giờ tranh cãi nhau về việc phân chia của cải.

Trái lại, họ biết ơn nhau vì được là anh em ruột thịt trong một nhà, gắn kết keo sơn. Chỉ có sự gắn kết keo sơn ba người như một đó, mà anh em nhà Ấm mới lật nhào được thói nghĩ “Tam nam bất phú” của người đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ