Phim "Kiều" bị chê thảm họa, biên kịch nói gì?

Biên kịch của phim "Kiều" - ông Phi Tiến Sơn - cho rằng bản thân đã làm hết sức, tìm cách kể chuyện mới. Việc phim được đón nhận thế nào là ở khán giả.

Phim "Kiều" bị chê thảm họa, biên kịch nói gì?

Là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam nên việc Kiều được chuyển thể, phóng tác đưa lên phim ảnh luôn được công chúng quan tâm, chờ đợi.

Đầu năm 2021, không hẹn mà gặp hai bộ phim của Đỗ Thành An và Mai Thu Huyền lấy ý tưởng từ Truyện Kiều cùng được công chiếu. Nếu Kiều @ bị đánh giá là thảm họa thì Kiều do Mai Thu Huyền đảm nhận vai trò đạo diễn cũng có chất lượng dưới mức trung bình.

Biên kịch chọn cách kể chuyện mới

Bộ phim Kiều chọn khai thác cuộc đời Kiều từ thời điểm bán mình chuộc cha cho tới lúc từ giã Thúc Sinh. Trong tác phẩm của Nguyễn Du, diễn biến tâm lý của nàng Kiều, Hoạn Thư cùng các nhân vật được thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc nhưng trên màn ảnh họ vô hồn, vô cảm.

Kieu la tham hoa anh 1

Trình Mỹ Duyên diễn xuất mờ nhạt, đơ cứng trong phim Kiều. Ảnh: ĐPCC.

Đa số người xem đánh giá Kiều có kịch bản non nớt, diễn viên diễn xuất đơ cứng, nhạt nhòa và những cảnh nóng thực hiện thô, sống sượng. "Có bột mới gột nên hồ" nhưng với Kiều, kịch bản là yếu tố thất bại ngay từ đầu.

Trước những nhận xét của khán giả, ông Phi Tiến Sơn - biên kịch kiêm đạo diễn hình ảnh của Kiều - đã chia sẻ với Zing. Ông cho biết bản thân đã tạo ra cách kể chuyện mới.

“Khán giả phản hồi như thế là do có thể không quen với cách khai thác tác phẩm văn học. Nhà làm phim có nhiều cách tiếp cận tác phẩm văn học. Tôi không muốn kể lại bằng hình ảnh trung thực. Tôi không muốn kể một câu chuyện ai cũng biết. Nếu tôi kể câu chuyện như mô tả lại nguyên tác, có khi bị phê phán hơn.

Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng nhưng đa số bạn trẻ chỉ biết qua một số tiết văn học. Để thực sự hiểu Kiều, ngẫm được hồn cốt của Truyện Kiều lại không có bao nhiêu. Tôi muốn làm phim Kiều để tiếp cận lớp khán giả trẻ. Vì vậy, tôi cần tìm ra một cách kể chuyện mới, thu hút mọi người. Đó là khó khăn của cả ê-kíp.

Do đó, tôi chỉ biết làm hết sức trong suy nghĩ mà mình thấy đúng và hay. Còn cảm nhận của khán giả tới đâu, tôi vẫn đang chờ đợi thêm”.

Bộ phim đã phá nát Truyện Kiều

Với một kịch bản non nớt, lộn xộn, bộ phim còn phải đối diện với nhận xét đã phá nát tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du.

Nói về điều này, đạo diễn, biên kịch Phi Tiến Sơn giãi bày: “Tôi không muốn xây dựng hình ảnh một nàng Kiều chịu đựng muôn vàn đau khổ, cuối cùng phải nhảy xuống sông tự tử như trong nguyên tác. Hình ảnh đó chỉ hợp với xã hội phong kiến. Trong thời đại ngày nay, tinh thần nữ quyền nâng cao, vai trò của phụ nữ càng được khẳng định. Phụ nữ luôn chiến đấu cho tình yêu, tự do”.

Kieu la tham hoa anh 2

Cảnh nóng bị chê sống sượng.

Trước câu hỏi của Zing: “Đề cao nữ quyền, vượt khó nhưng bộ phim không thể hiện được điều đó bởi Kiều nhờ thế lực siêu nhiên, thần bí giúp sức". Biên kịch Phi Tiến Sơn giải thích hình ảnh Đạm Tiên mang nhiều ý nghĩa.

“Nhân vật Đạm Tiên giữ vai trò người bảo vệ, báo mộng, đứng về phía Kiều. Nếu đọc kỹ hơn các bạn sẽ thấy Đạm Tiên cũng là nhân vật cản trở Kiều. Trong truyện, khi Kiều ở định tử tử, Đạm Tiên khuyên cô nên chấp nhận thực tế sống ở chốn lầu xanh và dự đoán tương lai sẽ chết ở sông Tiền Đường. Vì vậy dừng nghĩ Đạm Tiên là nhân vật tốt đẹp.

Trong phim, tôi muốn xây dựng Đạm Tiên có hai mặt thiện và ác. Hình ảnh bóng ma, báo mộng cho con người là ta. Người nói với mình nhiều nhất cũng chính là ta. Do đó, mặt nào đó Đạm Tiên cũng chính là Kiều.

Đạm Tiên cứu Kiều cũng chính là ước mơ của Kiều muốn có một sức mạnh siêu nhiên để vượt qua khó khăn. Đạm Tiên ngăn cản Kiều bởi vì cô ấy là con người bảo thủ, cằn cỗi bị lễ giáo phong kiến kìm hãm. Có thể trong quá trình xử lý phim có nhiều điều không lột tả được ý đó. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi” - đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.

Biên kịch, đạo diễn Phi Tiến Sơn từng có nhiều bộ phim gây tiếng vang trong quá khứ như Lưới trời, Vào Nam ra Bắc... Khi những đạo diễn cùng thế hệ dần lui về "ở ẩn", đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn tích cực làm phim ở nhiều vai trò (biên kịch, sản xuất). Gần nhất, ông tham gia trong các phim Cậu Vàng, Kiều. Tuy nhiên, cả hai bộ phim này đều bị đánh giá là thảm họa, phá nát các tác phẩm văn học kinh điển gốc.

Hiện bộ phim Kiều vẫn đứng trong tâm bão bị chỉ trích của khán giả. Bộ phim gán mác thảm họa, kể lại cuộc đời các nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du một cách hời hợt, còn bóp méo nhiều tình tiết, nhiều nhân vật một cách khiên cưỡng.

Với hơn 1 tỷ đồng doanh thu, phim bị đánh giá thất thu sau 4 ngày ra rạp.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.